Truy tìm xử lý những dòng tiền trái phiếu sử dụng sai mục đích phát hành là biện pháp cần để đảm bảo quyền lợi của trái chủ.

Truy tìm xử lý những dòng tiền trái phiếu sử dụng sai mục đích phát hành là biện pháp cần để đảm bảo quyền lợi của trái chủ.

Ma trận đường đi dòng tiền trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ - Bài 4: Làm sao đảm bảo quyền lợi trái chủ?

0:00 / 0:00
0:00
Sự khẩn thiết lấy lại tiền của trái chủ trái phiếu Tân Thành Long An, Vạn Trường Phát, Quang Thuận, Bông Sen... khó lòng “ngày một, ngày hai”.

Bài 4: Làm sao đảm bảo quyền lợi trái chủ?

Khi định giá để phát hành, tài sản đảm bảo của nhiều doanh nghiệp cao vọt, thậm chí vượt xa giá trị trái phiếu. Nhưng khi xảy chuyện, có doanh nghiệp thì mất dạng, có doanh nghiệp kêu tiền không còn. Trong khi đó, SCB không tái thẩm định thường niên giá trị tài sản đảm bảo trái phiếu. Những điều trên khiến quyền lợi của hàng chục ngàn trái chủ trở nên mong manh.

Giá trị trên giấy, lại không định giá thường niên

Như chúng tôi đã phản ánh, năm 2021, Công ty cổ phần Đầu tư Tân Thành Long An (Tân Thành Long An) mang giấy tờ hơn 78 ha thuộc Dự án Khu đô thị Việt Phát giao Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) giữ để làm tài sản đảm bảo cho Vạn Trường Phát phát hành 5 đợt trái phiếu với tổng giá trị 10.000 tỷ đồng.

Tài sản này được Công ty cổ phần Thẩm định giá và Giám định chất lượng Việt Nam (VIVC) có Chứng thư thẩm định số 051406/2021/CT-VIVC ngày 14/5/2021. Theo đó, VIVC định giá tài sản tới 12.000 tỷ đồng, tức cao hơn tổng giá trị trái phiếu Vạn Trường Phát tới 2.000 tỷ đồng.

Từ chứng thư đó, tháng 6/2021, SCB và “chủ cũ” Tân Thành Long An là ông Phạm Nguyễn Bảo Trung (Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc) ký biên bản định giá tài sản thế chấp trên với giá trị 12.000 tỷ đồng.

Với trái phiếu do chính mình phát hành, tháng 7/2021, Tân Thành Long An dùng khu đất có diện tích gần 300 ha trong Dự án Khu công nghiệp Việt Phát để làm tài sản đảm bảo. Theo biên bản định giá giữa SCB và cũng chủ cũ Tân Thành Long An, lô đất gần 300 ha trên, sau khi trừ đi gần 100 ha đất xây dựng kết cấu hạ tầng sử dụng chung, còn lại gần 200 ha có giá trị 7.300 tỷ đồng, đảm bảo được cho lô trái phiếu trị giá 5.000 tỷ đồng của Tân Thành Long An.

Với lô trái phiếu 10.000 tỷ đồng của Vạn Trường Phát, vấn đề nằm ở chỗ, theo hợp đồng, Vạn Trường Phát đã vi phạm các điều kiện về trái phiếu (không trả lãi, không mua lại…), thì SCB là bên giữ và đảm bảo tài sản phải bán 78 ha trên, trả lại quyền lợi cho trái chủ.

Tuy nhiên, theo Chứng thư thẩm định của VIVC, giá trị tài sản đảm bảo tiếng là 12.000 tỷ đồng cho lô trái phiếu trên, nhưng không chỉ là tài sản hiện hữu, mà chủ yếu là… giá trị tiềm năng sau này, tức “khu đô thị” sau 2 năm xây dựng và kinh doanh trong vòng 3 năm. Cũng có nghĩa, giá trị vẫn nằm… trên giấy.

Chưa hết, theo quy định, tài sản đảm bảo phải được định giá thường niên. Khi xử lý tài sản đảm bảo, theo quy định tại Hợp đồng quản lý tài sản đảm bảo, thì tài sản này sẽ được định giá bởi một tổ chức định giá được phép hoặc tổ chức nhận tài sản bảo đảm (trong trường hợp này là SCB). Khi đánh giá lại, nếu giá trị tài sản đảm bảo không đáp ứng giá trị bảo đảm tối thiểu, thì tổ chức phát hành có trách nhiệm bổ sung tài sản khác để tăng giá trị tài sản đảm bảo.

Thế nhưng, theo nhiều trái chủ, tới tận giờ này, cả 2 khối tài sản đảm bảo trái phiếu Vạn Trường Phát và Tân Thành Long An vẫn chưa hề được định giá thường niên từ SCB.

Trong khi đó, với trái phiếu do mình phát hành, trụ sở Vạn Trường Phát đã “mất tích”, người có trách nhiệm thì lại cho rằng chỉ là… bán mỹ phẩm không hề giữ chức vụ ký tá như thông báo phát hành trái phiếu. Vậy làm sao để buộc được Vạn Trường Phát tuân thủ việc bổ sung tài sản khác để tăng giá trị tài sản đảm bảo đúng như hợp đồng?

Trường hợp Tân Thành Long An là bên thế chấp tài sản đảm bảo phải chịu trách nhiệm cho trái phiếu Vạn Thịnh Phát và trái phiếu 5.000 tỷ đồng của chính mình, thì chủ cũ của Tân Thành Long An (phát hành trái phiếu) lại “mất dạng”.

Quyền lợi trái chủ càng thêm mong manh.

Chủ mới Tân Thành Long An “ngồi trên lửa”

Với thực trạng định giá tài sản lại chủ yếu giá trị hình thành trong… tương lai, giá trị vô hình đầy rủi ro như trường hợp các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đang gây “uất nghẹn lịch sử” nêu trên, rõ ràng, việc truy ra dòng tiền trái phiếu nếu sai mục đích phát hành trở nên vô cùng khẩn thiết. Bởi dòng tiền chi sai mục đích phát hành thu hồi được, cùng với xử lý tài sản đảm bảo sẽ bảo đảm được quyền lợi của trái chủ. Từ đó, niềm tin mới trở lại kéo theo sự hồi sinh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Sau khi “ẵm” xong 15.000 tỷ đồng của cả 2 lô trái phiếu, Tân Thành Long An đem dự án bán theo hình thức cổ phần cho bà Võ Thị Kim Khoa.

Điều đáng nói, theo ông Trần Ngọc Đại (đại diện theo ủy quyền của bà Võ Thị Kim Khoa làm việc với TVSI tháng 4/2023), thì chủ mới Tân Thành Long An có thiện chí phối hợp, góp phần xử lý gói trái phiếu 15.000 tỷ đồng của cả Vạn Trường Phát lẫn Tân Thành Long An, đảm bảo quyền lợi trái chủ theo phương án hoán đổi nợ gốc và lãi trái phiếu lấy sản phẩm bất động sản tại Dự án Khu đô thị Việt Phát khi đủ điều kiện kinh doanh.

Thế nhưng, sau khi tiếp nhận bàn giao, thì ngoài 2 tài sản là quyển sử dụng đất đang thế chấp cho các gói trái phiếu, bên mua cũng không rõ Công ty còn tài sản nào, bởi không thể liên hệ được với bên bán nữa.

Điều này dẫn tới, dù từ tháng 9/2022, bên mua đã sở hữu 99% cổ phần, giấy chứng nhận doanh nghiệp cũng đã sang tên, nhưng tới giờ, giao dịch mua bán dự án thực tế chưa hoàn tất, bên bán vẫn còn các nghĩa vụ trọng yếu chưa thực hiện được, mà lại… “mất tích” bí ẩn.

Trái phiếu Quang Thuận: định giá thì tài sản “khủng”, nhưng…

Tại thời điểm tháng 6/2020, Công ty TNHH Thẩm định giá Tầm Nhìn Mới có Chứng thư thẩm định giá trị tổng tài sản của Công ty cổ phần Đầu tư Quang Thuận là hơn 11.600 tỷ đồng (bao gồm cả tài sản hiện hữu, vô hình, trái phiếu, các khoản phải thu phải trả…).

Sau đó, tháng 8/2020, Quang Thuận phát hành lô trái phiếu có tổng trị giá 6.000 tỷ đồng, có tài sản đảm bảo.

Tuy nhiên, kể cả lô trái phiếu phát hành năm 2018 (tổng trị giá 1.500 tỷ đồng) tới lô trái phiếu phát hành năm 2020, Quang Thuận vẫn không trả lãi khi tới hạn (lần lượt là tháng 12/2022 và tháng 3/2023).

Dù năm 2021, định giá tổng tài sản lên tới hơn 11.600 tỷ đồng cùng những con số kinh doanh ấn tượng, nhưng tại buổi làm việc với TVSI hồi tháng 2/2023 về việc không trả lãi nêu trên, đại diện Quang Thuận lại than rằng, nguồn tiền theo phương án kinh doanh phát hành trái phiếu gặp khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực của thị trường bất động sản; nguồn tiền thu từ hoạt động kinh doanh thông thường hiện chưa bù đắp đủ cho khả năng trả lãi định kỳ. Từ đó, đại diện Quang Thuận thẳng thừng “không đủ nguồn tiền để thanh toán lãi trái phiếu”.

Đại diện doanh nghiệp này cũng “năn nỉ” TVSI với tư cách đại diện người sở hữu trái phiếu xin khổ chủ… cảm thông và gia hạn hoàn trả bởi việc bán tài sản cũng gặp nhiều khó khăn.

Vừa qua, TVSI đã gửi phiếu lấy ý kiến trái chủ để TVSI có cơ sở được đưa ra thông báo tuyên bố trái phiếu đến hạn; được ủy quyền được sửa đổi ngày đáo hạn trái phiếu và khi đến hạn; xử lý lập tức tài sản đảm bảo khi đến hạn… nhưng trái chủ trái phiếu này đã khủng hoảng niềm tin, dẫn tới nhiều tranh luận gay gắt.

Phập phồng nguồn trả trái phiếu Bông Sen

Như chúng tôi đã phản ánh, tháng 10/2021, Công ty cổ phần Bông Sen (Bông Sen) công bố phát hành thành công lô trái phiếu mã BSECH2126003 có tổng trị giá 4.800 tỷ đồng, nhưng tới hạn không trả lãi và sau nhiều lần dù cam kết, song thất hẹn tới mức TVSI, trong văn bản hồi tháng 10/2022 gửi Bộ Công an xin hướng xử lý tài sản đảm bảo, đã phải nêu “việc trả lãi và mua lại trái phiếu đến hạn là… không khả thi”.

Sau đó, cuối năm 2022, tại 2 buổi làm việc giữa 3 bên (Bông Sen, TVSI và trái chủ), TVSI cho hay, tài sản đảm bảo của Bông Sen gồm 11 tài sản, trong đó có 4 tài sản chưa đến thời hạn thế chấp; 7 tài sản bảo đảm đã thế chấp có tổng giá trị hơn 13.000 tỷ đồng, giá trị cho vay 4.800 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ cho vay/tổng tiền gửi (BOA) là 217% (trong đó tỷ lệ tối thiểu là 130%). Trong các tài sản bảo đảm trên, cổ phần của Công ty Deaha có giá trị lớn và đã đủ đảm bảo cho giá trị trái phiếu.

Đại diện Bông Sen khẳng định, hiện tại, Bông Sen không có các nghĩa vụ nợ khác (không vay vốn tố chức tín dụng, không có nghĩa vụ nợ Nhà nước...); toàn bộ các tài sản sẽ dùng để đảm bảo cho nghĩa vụ nợ trái phiếu và được định giá lại thường niên.

Nếu tài sản bảo đảm không đủ, thì Bông Sen có trách nhiệm về pháp luật sẽ phải xử lý các tài sản bảo đảm khác để đảm bảo cho nghĩa vụ nợ lô trái phiếu 4.800 tỷ đồng, dù số tiền trái phiếu này Bông Sen đã chuyển cho Công ty TNHH Vina Alliance (để hợp tác đầu tư Dự án 152 - Trần Phú, quận 5, TP.HCM), trong khi đó, dự án vẫn chưa triển khai và chủ dự án là Công ty TNHH Vina Alliance đã “bặt vô âm tín”.

Thế nhưng, các tài sản này đang được thế chấp tại SCB làm tài sản đảm bảo cho việc phát hành trái phiếu, đồng thời cũng đang bị phong tỏa rà soát liên quan “đại án” Vạn Thịnh Phát, nên việc xử lý tài sản bảo đảm phụ thuộc vào cơ quan công an và khả năng phải thực hiện theo trình tự tố tụng rất cao, tức là, sự khẩn thiết lấy lại tiền của trái chủ khó lòng “ngày một, ngày hai”.

Tin bài liên quan