Trái chủ trái phiếu Quang Thuận, Bông Sen, Vạn Trường Phát… nộp đơn kêu cứu tại Công an TP.HCM.

Trái chủ trái phiếu Quang Thuận, Bông Sen, Vạn Trường Phát… nộp đơn kêu cứu tại Công an TP.HCM.

Ma trận đường đi dòng tiền trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ - Bài 2: Tiền tỷ trái phiếu Bông Sen, Quang Thuận đang ở đâu?

0:00 / 0:00
0:00
Theo lời TVSI, nhà đầu tư sơ cấp đã chuyển hết tiền cho Tổ chức phát hành trái phiếu Bông Sen, Quang Thuận… Tuy nhiên, sau khi ẵm tiền, nhiều chủ doanh nghiệp “mất dạng” một cách kỳ lạ và tất nhiên chưa hề triển khai dự án theo mục đích phát hành trái phiếu. Tiền trái phiếu, vì vậy cũng “mịt mù” tông tích.

Hàng ngàn trái chủ trái phiếu Tân Thành Long An, Vạn Trường Phát, Quang Thuận, Bông Sen… đang khắc khoải lo đồng tiền xương máu tích cóp mất đi. Hàng chục ngàn tỷ đồng trái phiếu của các khổ chủ có lộ trình ra sao, đang ở đâu và được sử dụng thế nào?

Bài 2: Tiền tỷ trái phiếu Bông Sen, Quang Thuận đang ở đâu?

Theo lời TVSI, nhà đầu tư sơ cấp đã chuyển hết tiền cho Tổ chức phát hành trái phiếu Bông Sen, Quang Thuận… Tuy nhiên, sau khi ẵm tiền, nhiều chủ doanh nghiệp “mất dạng” một cách kỳ lạ và tất nhiên chưa hề triển khai dự án theo mục đích phát hành trái phiếu. Tiền trái phiếu, vì vậy cũng “mịt mù” tông tích.

4.800 tỷ đồng trái phiếu Bông Sen “bặt vô âm tín” cùng chủ dự án

Như chúng tôi đã nêu ở bài trước, hồi tháng 10/2021, Công ty cổ phần Bông Sen (Bông Sen) công bố phát hành thành công lô trái phiếu mã BSECH2126003, tổng trị giá 4.800 tỷ đồng.

Mục đích phát hành lô trái phiếu này để bổ sung vốn thực hiện hoạt động đầu tư phát triển các dự án tiềm năng tại khu vực quận 5 (TP.HCM) theo một hoặc một số hình thức như đặt cọc, mua bán, sáp nhập công ty, nhận chuyển nhượng dự án, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc hợp tác với (các) đối tác hoặc hình thức khác.

Điều tra của chúng tôi, tại cuộc họp giữa Công ty CP Chứng khoán Tân Việt (TVSI - đơn vị tư vấn đại lý phát hành, lưu ký, thanh toán…) và 20 trái chủ hồi tháng 11/2022, Bông Sen khẳng định, đã thu về đủ 4.800 tỷ đồng từ 2 nhà đầu tư sơ cấp là TVSI và Công ty cổ phần Đầu tư Tân Thành Long An (Tân Thành Long An). Có khoảng 2.000 người là nhà đầu tư thứ cấp đã trở thành khổ chủ hiện nay.

Bởi đã ký Hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Vina Alliance (Vina Alliance) để đầu tư vào Dự án Cao ốc văn phòng, Trung tâm thương mại, Dịch vụ và Căn hộ tại số 152 - Trần Phú, quận 5, TP.HCM (Dự án 152 - Trần Phú), nên Bông Sen đã chuyển tiền cho Vina Alliance 23 lần với tổng số tiền là 5.727 tỷ đồng (bao gồm 4.800 tỷ tiền phát hành trái phiếu mã BSECH2126003). Bằng chứng là, Bông Sen đang giữ ủy nhiệm chi cho 23 lần chuyển tiền này.

Theo Hợp đồng hợp tác giữa 2 bên, hàng quý, Vina Alliance phải trích trước lợi nhuận trả cho Bông Sen để Bông Sen chi trả lãi coupon cho trái chủ. Tuy nhiên, tới ngày 10/2022, Vina Alliance không chi trả tiền cho Bông Sen lãi kỳ 4 hơn 127 tỷ đồng, do Dự án 152 - Trần Phú chưa triển khai mà lại đang bị thanh tra.

Thiên Phúc sẽ được Capitaland hoàn tiền

Năm 2020 Công ty TNHH MTV Khách sạn quốc tế Thiên Phúc phát hành lô trái phiếu có tổng giá trị hơn 340 tỷ đồng nhằm huy động vốn để thanh toán tiền nhận chuyển nhượng một phần diện tích thuộc Dự án Tòa nhà văn phòng - thương mại dịch vụ Khu phức hợp Sài Gòn - Ba Son (số 2 - Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM) và sẽ sử dụng nguồn thu từ việc kinh doanh chính Dự án để thanh toán cho các nghĩa vụ trái phiếu. Nhưng trái phiếu Thiên Phúc cũng nằm trong danh sách gây bức xúc cho trái chủ, khi không thanh toán lãi lô trái phiếu nói trên.

Đầu tháng 7/2023, Thiên Phúc làm văn bản tới trái chủ thông tin, Thiên Phúc và Capitaland đã trao đổi và thống nhất chấm dứt giao dịch chuyển nhượng Dự án. Capitaland sẽ hoàn trả cho Thiên Phúc một khoản tiền để Thiên Phúc thực hiện thanh toán cho các khoản đã huy động và các nghĩa vụ khác. Vì vậy, Thiên Phúc dự kiến sử dụng một phần khoản tiền nhận được nêu trên để ưu tiên thanh toán cho toàn bộ nghĩa vụ trái phiếu, nên lấy ý kiến trái chủ hoặc chấp thuận cho Thiên Phúc mua lại trước hạn trái phiếu và chấp thuận việc chia sẻ tài sản đảm bảo cho trái phiếu cho nghĩa vụ huy động vốn của Capitaland liên quan đến Dự án. Việc lấy ý kiến này đang có tranh luận khác nhau giữa các khổ chủ.


Bởi vậy, tháng 10/2022, Bông Sen gửi văn bản tới TVSI cho hay, đang thúc đối tác đàm phán để yêu cầu hoàn lại toàn bộ số tiền đã giao theo Hợp đồng đặt cọc - Hợp tác số 1210/2021/HĐĐCHT/BS-VA-TĐ ký ngày 12/10/2021 giữa Bông Sen với Vina Alliance để góp vốn đầu tư vào Dự án, nhưng đến thời điểm này, Bông Sen vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào từ Vina Alliance.

Tới tháng 11/2022, tại cuộc họp các bên, trái chủ đã chất vấn: “Dự án 152 - Trần Phú chưa triển khai, chưa sử dụng, nên nguồn tiền vẫn đang còn tại Vina Alliance. Theo đó, Vina Alliance có hoàn trả số tiền trên không? Đại diện theo pháp luật của Vina Alliance là ông Cổ Tấn Anh Khoa. Hiện tại, ông này đang ở đâu và Bông Sen có liên lạc được hay không?”.

“Bông Sen không liên lạc được với đại diện pháp luật của Vina Alliance” là câu trả lời của đại diện Bông Sen và câu trả lời này khiến trái chủ… chết lặng.

Theo quy định hợp đồng trái phiếu với khổ chủ, dù thế nào, Bông Sen cũng phải là bên chịu trách nhiệm trả tiền cho khổ chủ. Tuy nhiên, giải pháp Bông Sen lại vẫn là "sẽ cố gắng tìm mọi cách liên hệ với Vina Alliance.

Nếu Vina Alliance trả tiền cho Bông Sen, thì Bông Sen sẽ sử dụng nguồn trên để thanh toán gốc cho trái chủ”, bởi doanh nghiệp này lý luận: tài khoản của Bông Sen tại SCB lại bị phong tỏa, nên SCB không thực hiện lệnh chi tiền trên; tài sản đảm bảo cho trái phiếu đang được thế chấp tại SCB cũng đang bị phong tỏa nên… tắc hướng xử lý!

Rốt cục, tới tận giờ này, hàng ngàn trái chủ Bông Sen vẫn chưa thấy xu nào.

Đất vàng dự án bị đề nghị thu hồi

Liên quan dự án mà Bông Sen đã đổ 4.800 tỷ đồng trái phiếu vào, mới đây, từ kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị có liên quan tiến hành thu hồi cơ sở nhà đất hơn 30.000 m2 tại 152 - Trần Phú, TP. HCM và xử lý các phát sinh trong quá trình thu hồi cơ sở nhà đất trước ngày 31/12/2023.

Trước đó, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, khu đất trước là Nhà máy Thuốc lá Sài Gòn thuộc Công ty TNHH MTV Thuốc lá Sài Gòn (100% vốn thuộc Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam - Vinataba). Sau đó, TP.HCM đã cấp giấy chứng nhận đầu tư Dự án Vina Square tại 152 - Trần Phú. Vina Alliance được thành lập nhằm thực hiện dự án nêu trên và Vinataba góp vốn bằng một phần giá trị quyền sử dụng đất, nhưng rốt cục mảnh đất “vàng” rơi vào tay Vina Alliance khi doanh nghiệp này còn 1 cổ đông duy nhất là ông Cổ Tấn Anh Khoa.

Theo Thanh tra Chính phủ, Vinataba đã sai phạm khi không thực hiện đánh giá lại tài sản là không đúng quy định về quản lý tài sản doanh nghiệp Nhà nước; làm trái chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vi phạm pháp luật về chuyển nhượng tài sản doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, có nguy cơ thất thoát tiền của Nhà nước, của doanh nghiệp…

Quang Thuận “ẵm” tiền mang đi đâu?

Tháng 8/2020, Công ty cổ phần Đầu tư Quang Thuận (Quang Thuận) phát hành 60 lô trái phiếu (từ mã QT.H2025.01 đến QT.H2025.60) với tổng giá trị 6.000 tỷ đồng. Trước đó, năm 2018, Quang Thuận cũng phát hành lô trái phiếu với tổng trị giá 1.500 tỷ đồng. Tổng giá trị trái phiếu của 2 đợt phát hành còn lưu hành này là 7.500 tỷ đồng.

Trả lời chất vấn trái chủ ngày 28/11/2022. TVSI cho hay, đã chi tiền mua lại trái phiếu Quang Thuận từ các nhà đầu tư sơ cấp/thứ cấp rồi bán lại cho nhà đầu tư thứ cấp khác thông qua kênh SCB.

Như vậy, Quang Thuận đã “ẵm” đủ 7.500 tỷ đồng sau phát hành trái phiếu.

Trong đó, mục đích phát hành lô trái phiếu 6.000 tỷ năm 2020 là “nhằm tăng quy mô vốn, thực hiện các chương trình đầu tư và cơ cấu lại khoản nợ”. Thế nhưng, ngoài việc tăng vốn... điều lệ đột biến kể từ năm 2014, từ 150 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng, sau đó đã xuất hiện 3 cổ đông mới, trong đó có 2 nhân sự chủ chốt ở Vạn Thịnh Phát góp sức. Cùng với giàn cổ đông “VIP” này, đầu năm 2019, Quang Thuận tiếp tục tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng lên hơn 2.600 tỷ đồng và vào tháng 8/2020, vốn điều lệ Quang Thuận từ 2.610 tỷ đồng đã lên 3.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tới hạn thanh toán lãi của lô trái phiếu năm 2018 (hạn ngày 27/12/2022), Quang Thuận công bố vẫn không thanh toán tiền lãi. Tương tự, với lô trái phiếu phát hành năm 2020, tới hạn thanh toán lãi ngày 28/2/2023, Quang Thuận cũng không chi ra hơn 312 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc (tháng 3/2023) với trái chủ, đại diện Quang Thuận nói không đủ nguồn tiền để thanh toán. Lý do được đổ cho rằng, nguồn tiền theo phương án kinh doanh phát hành trái phiếu gặp khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực của thị trường bất động sản. Nguồn tiền thu từ hoạt động kinh doanh thông thường hiện chưa bù đắp đủ cho khả năng trả lãi định kỳ; Tài sản lại đang bị phong tỏa do có liên quan đến Vạn Thịnh Phát, nên việc kinh doanh cũng gặp nhiều ảnh hưởng.

Tuy nhiên, khi chưa xảy chuyện Vạn Thịnh Phát (tháng 10/2021), sở hữu vốn… điều lệ lớn, nhưng chưa thấy Quang Thuận có đầu tư “lớn” nào sau đợt phát hành trái phiếu năm 2018, chứ chưa nói từ năm 2020 trở đi. Ngược lại, Quang Thuận kinh doanh trên tài sản sẵn có và doanh thu chỉ đạt vài chục tỷ đồng mỗi năm, cùng đó là mức lãi thuần cũng chỉ ở mức vài tỷ đồng (điển hình, lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, Quang Thuận lãi sau thuế 1,47 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm 2019).

Thế nên, mới có câu hỏi lớn đặt ra: liệu dòng tiền hàng ngàn tỷ đồng trái phiếu Quang Thuận có sử dụng đúng mục đích phát hành (?).

Liên quan dự án do Bông Sen đổ tiền trái phiếu đầu tư, tại kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì cùng Bộ Tài chính, UBND TP.HCM, Vinataba và các bộ, ngành liên quan thu hồi cơ sở nhà đất hơn 30.000 m2 tại 152 - Trần Phú và xử lý các phát sinh trong quá trình thu hồi cơ sở nhà đất này.Trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm hoặc đến ngày 31/12/2023 chưa thực hiện được việc thu hồi thì chuyển Cơ quan điều tra Bộ Công an để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan