Thị trường M&A được dự báo sẽ chậm lại nhưng có nhiều cơ hội tốt cho bên mua.

Thị trường M&A được dự báo sẽ chậm lại nhưng có nhiều cơ hội tốt cho bên mua.

M&A thời tiền khó

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) đang đưa ra mức định giá hấp dẫn hơn nhiều so với năm 2021 và đầu năm 2022. Điều này được phản ánh qua kỳ vọng rằng, hệ số định giá sẽ tiếp tục giảm vào năm 2023. Từ quan điểm vốn cổ phần tư nhân, đây sẽ là môi trường thuận lợi để chọn công ty hoạt động hiệu quả, hoặc các công ty mục tiêu phù hợp để mua lại.

Tập trung cân đối dòng tiền

Tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2022 do Báo Đầu tư tổ chức ngày 23/11/2023 với chủ đề “Kích hoạt những cơ hội mới”, ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam cho biết, hoạt động M&A trong 10 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ giảm gần 50% về giá trị, từ 11 tỷ USD xuống 5,7 tỷ USD, số lượng thương vụ giảm từ 700 còn 350 và giá trị bình quân mỗi thương vụ giảm từ 31 triệu USD về 16,5 triệu USD.

Giá trị bình quân các thương vụ M&A sụt giảm chủ yếu do định giá giảm, trong bối cảnh các doanh nghiệp nói chung gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khối bất động sản và xây dựng, có những doanh nghiệp đang chật vật trong việc kiếm tiền trả lương cho nhân viên.

Bà Lâm Thị Ngọc Hảo, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam chia sẻ, thống kê các doanh nghiệp trên 3 sàn chứng khoán cho thấy, tính đến cuối năm 2021, chỉ số vòng quay tiền mặt (Cash Conversion Cycle - thể hiện lượng tiền cần cho vốn lưu động) của các doanh nghiệp tăng từ 54 ngày lên 68 ngày, tức tăng 26%. Nghĩa là, với một doanh nghiệp bình thường hoạt động thì vốn lưu động cần thêm 26% lượng tiền, vì mọi thứ đang chậm hơn, luân chuyển tiền bị chậm hơn 2 tuần.

Tính đến thời điểm hiện tại, số ngày luân chuyển còn dài hơn. Câu chuyện bà Hảo ghi nhận được khi trao đổi cùng giám đốc tài chính không ít doanh nghiệp niêm yết đó là, đảm bảo thanh khoản đang được đặt lên hàng đầu, họ rà soát lại toàn bộ các khoản chi tiêu, giám sát chặt chẽ chi tiêu hàng ngày.

Trong bối cảnh này, doanh nghiệp có thể xử lý vấn đề thanh khoản thông qua thị trường M&A, gọi vốn đầu tư nước ngoài… để có thêm nguồn vốn mới. Vấn đề là doanh nghiệp cần chuẩn bị gì để thu hút vốn đầu tư khi nguồn tiền trên thị trường đang khan hiếm theo nghĩa chính sách tiền tệ chặt hơn vì lạm phát?

Theo góc nhìn của ông Lê Khánh Lâm, Chủ tịch Công ty RSM Việt Nam, ngoài các vấn đề về quản lý ngoại hối, báo cáo tài chính, đảm bảo tính minh bạch trong cung cấp thông tin, đáp ứng nhu cầu thông tin của khách hàng, thì những người bán trong thị trường M&A cần phải xây dựng mạng lưới, lựa chọn nhà tư vấn tốt. Nói chung, quá trình chuẩn bị trước khi có giao dịch phải làm cẩn thận, rà soát thực trạng doanh nghiệp, cả về pháp lý, thuế, công nghệ, thương mại, đặc biệt lưu ý đến vấn đề tài chính, bảo lãnh, bảo hành.

“Trong thời điểm hiện tại không làm nhanh được, nên chúng ta cần kiên nhẫn và thận trọng, đồng thời cần làm việc với nhà tư vấn tốt”, ông Lâm nhấn mạnh.

Thận trọng ngắm cơ hội

Những “tay chơi” lớn trên thị trường M&A Việt Nam từ trước đến nay vẫn thường xuyên có mặt các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong khoảng 2 năm gần đây, có 60 giao dịch M&A giữa các nhà đầu tư Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam.

Hiện tại, dòng vốn ngoại có dấu hiệu chậm lại để quan sát thêm, trong bối cảnh có những quan ngại về tỷ giá, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Công ty Cushman & Wakefield Việt Nam chia sẻ, gần đây có một thương vụ M&A được nhà đầu tư nước ngoài quyết định hoãn lại, dù đã thực hiện xong khâu thẩm định chuyên sâu (Due Diligence) với chi phí bỏ ra khoảng 150.000 USD. Tình thế thay đổi nên bên mua quyết định chờ thêm để thấy rõ hơn bối cảnh năm 2023, chấp nhận mất thời gian và chi phí đã bỏ ra.

Mặc dù vậy, hàng tỷ USD vốn ngoại được nhìn nhận đang chờ cơ hội thực hiện các thương vụ M&A tại Việt Nam.

Ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu Dịch vụ M&A xuyên quốc gia, RECOF Corporation, đồng thời là Tổng giám đốc RECOF Việt Nam nhận định, Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư Nhật Bản, vì đang trong thời kỳ dân số trẻ, độ tuổi trung bình ở Nhật Bản và Việt Nam chênh nhau 17 tuổi. Đặc biệt, GDP Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, tầng lớp trung lưu tăng nhanh.

Trong khi đó, các công ty Nhật Bản tích lũy được nhiều ngoại tệ, bù trừ cho sự mất giá của đồng Yên và họ nhận ra là đã bỏ qua nhiều cơ hội đầu tư trong giai đoạn dịch Covid-19, bao gồm M&A ở nước ngoài. Hiện tại, lượng tiền gửi, tiền mặt của các nhà đầu tư Nhật Bản lên tới 2.200 tỷ USD, trong khi lợi tức đầu tư trong nước thấp và có thể tiếp cận nguồn vốn rẻ.

“Các dự án nghiên cứu thị trường chuẩn bị cho đầu tư thường mất 6 tháng. Tôi cho rằng, năm 2023 sẽ có nhiều nhà đầu tư Nhật Bản tìm đến Việt Nam”, ông Masataka “Sam” Yoshida nói

Nhiều lĩnh vực hấp dẫn

Theo ông Phạm Duy Khương, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH ASL, điểm hấp dẫn các nhà đầu tư với thị trường Việt Nam đó là dân số 100 triệu người, các lĩnh vực phát huy lợi thế của thị trường đông dân là điện, nước, thực phẩm y tế và các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Ngành xây dựng, bất động sản dù đang gặp khó khăn cũng nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư. Tuy nhiên, bà Lâm Thị Ngọc Hảo cho rằng, các nhà đầu tư quốc tế sẽ chỉ tìm các dự án tốt để đầu tư. Do đó, các công ty chuẩn bị thu hút đầu tư phải lưu ý đến việc chia sẻ thông tin minh bạch, rõ ràng về các kế hoạch hoạt động, kế hoạch sử dụng vốn để tạo niềm tin cho khách hàng.

Ông Seck Yee Chung, Luật sư hợp danh Công ty Luật Baker & McKenzie nhận định, thị trường bất động sản có thể sẽ “nguội” một thời gian, nhưng tùy từng phân khúc. Chẳng hạn, bất động sản nhà ở thương mại gặp khó khăn, bất động sản kho bãi hay logistis vẫn có cơ hội phát triển. Nhu cầu của người tiêu dùng về giao hàng thay đổi, họ muốn giao nhanh nên các nhà đầu tư sẽ quan tâm hơn đến việc đầu tư trung tâm dữ liệu lớn, nhưng mấu chốt vẫn là làm sao có đất để làm kho bãi.

Trong khi đó, ông Bùi Ngọc Anh, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Công ty Luật VILAF nhận xét, ngành thủy điện, điện mặt trời đang rất tốt, có nhiều cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp trong ngành năng lượng.

Liên quan đến lĩnh vực năng lượng, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia cho biết, sự chuyển dịch sang năng lượng tái tạo và tầm quan trọng ngày càng tăng của phát triển bền vững đang thu hút sự quan của các nhà đầu tư. Thủ tướng Chính phủ đã có những cam kết mạnh mẽ tại COP26 về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tạo đà rất lớn cho thị trường này phát triển.

Theo ông Warrick Cleine, tư duy định giá ở các công ty muốn thu hút đầu tư đang có sự thay đổi cho phù hợp hơn với thực tế. Năm ngoái, thị trường M&A nóng lên, nhiều doanh nghiệp có kỳ vọng lớn trong định giá, nhưng năm nay đã điều chỉnh kỳ vọng và sẵn sàng nhận vốn đầu tư.

Với các nhà đầu tư Nhật Bản, ông Masataka “Sam” Yoshida cho hay, ngoài các lĩnh vực được quan tâm thời gian qua như thương mại, công nghệ thông tin, công nghệ số, bất động sản, thì trong thời gian tới sẽ có thêm các ngành thu hút đầu tư như thực phẩm, chế biến thực phẩm, bán lẻ, năng lượng, tài chính tiêu dùng, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Ông Kazuhiko Yoshimatsu, Tổng giám đốc kiêm Trưởng đại diện Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo tại Singapore

Tôi đã từng tham gia rất nhiều thương vụ M&A ở Việt Nam nên nhận thấy rằng, tăng trưởng thị trường vốn Việt Nam trong 10 năm qua rất đáng ghi nhận.

Thị trường chứng khoán Tokyo muốn hỗ trợ cho doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài. Cách đây 2 tuần, chúng tôi có ký một biên bản ghi nhớ (MOU) với Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản để thúc đẩy thương mại Nhật Bản và ASEAN. Với xu hướng và sự hỗ trợ này, tôi tin tưởng rằng, doanh nghiệp Nhật Bản sẽ sang Việt Nam đầu tư nhiều hơn.

Thị trường chứng khoán quan trọng là sự hiện diện một cách rõ ràng, cần các công ty quốc tế đóng vai trò trung gian trong các thương vụ. Vì vậy, áp dụng các chuẩn quốc tế sẽ giúp thị trường Việt Nam hiện diện rõ hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải tăng cường sự hiện diện trong mắt nhà đầu tư thông qua các bản báo cáo của mình như bản cáo bạch.

Ông Phạm Duy Khương, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH ASL

Bên mua không còn số lượng đông như trước, tức họ kén chọn thương vụ hơn. Trước đây, thẩm định pháp lý khoanh gọn lại ở mấy vấn đề, giờ đây, do lạm phát, suy thoái thì cần dự trù cả những rủi ro, ảnh hưởng từ hợp đồng đang có dưới ảnh hưởng của các yếu tố đó.

Trong thẩm định pháp lý, phần quan trọng đó là đánh giá các hợp đồng thương mại đang có, xem xét điều khoản gia hạn và hợp đồng chấm dứt trong trường hợp liên quan “điều kiện bất khả kháng, điều kiện không thuận lợi”. Từ đó, rà soát lại hết, chủ động đưa ra trường hợp nào bên bán phải chủ động xử lý trước, trường hợp nào bán xong mới xử lý.

Hợp đồng các bên có nhiều điều khoản, trong đó có điều khoản chấm dứt tuỳ ý, tức là các bên trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền lợi của mình có quyền chấm dứt hợp đồng - rất phổ biến trong hợp đồng, nhưng trong thời buổi lạm phát, suy thoái thì điều khoản này rất dễ trở thành lý do chấm dứt hợp đồng.

Thẩm định pháp lý có liên quan đến định giá tài sản, công việc rất vất vả trong giai đoạn hiện nay, vì phải xây dựng cấu trúc mới trong thẩm định giá, bởi yếu tố lạm phát và suy thoái. Thẩm định pháp lý giai đoạn này tăng lên 30 - 35% cả về mặt thời gian lẫn chi phí so với điều kiện bình thường và là điểm mấu chốt để xác định có mua hay không.

Rủi ro hiện nay vẫn là chấm dứt hợp đồng hai bên, hoặc điều khoản tranh chấp hậu M&A (có nhiều điều khoản không lường trước được khi thực hiện thương vụ). Về vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, các bên đang có những góc nhìn khác nhau, áp lực phải trả nợ trái phiếu đang rất lớn.

Đây là thời điểm tốt cho bên mua, có tiền “tươi” sẽ mua được dự án tốt.

Ông Lê Thanh Hạo Nhiên, Giám đốc Tài chính Tập đoàn Lộc Trời

Chiến lược của Lộc Trời là xây dựng một hệ sinh thái để các chủ thể tham gia, trong đó, Lộc Trời là người điều phối hệ sinh thái này nhằm giải quyết bài toán của nông nghiệp Việt Nam là manh mún, kém hiệu quả. Trong thời gian tới, Lộc Trời sẽ hoàn tất M&A một doanh nghiệp lúa gạo vào Tập đoàn.

Lộc Trời đã tái cấu trúc thành 4 mảng lớn, với hơn 3.000 nhân viên, 1.000 kĩ sư, nhưng đang định vị lại từng mảng. Tập đoàn đã đưa ra mô hình Lộc Trời 123. Trước đây, lĩnh vực nông nghiệp không hiệu quả do sản xuất manh mún. Do sản xuất mùa vụ, thời điểm không phải cao điểm, các máy móc không hoạt động, nên chỉ hoạt động khoảng 40% công suất. Mô hình Lộc Trời 123 sẽ đảm bảo nhà máy hoạt động từ 10 - 12 tháng/năm, so với trước đây chỉ 4 tháng/năm.

Tin bài liên quan