M&A tại Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động

M&A tại Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Euromonitor đánh giá, Việt Nam trong nhóm các thị trường có triển vọng mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tích cực cùng với Đài Loan, Ả rập Xê út, Philippines…

Tổ chức này còn dự báo Việt Nam sẽ giữ vị trí trong Top 20 quốc gia có chỉ số đầu tư M&A cao nhất năm 2021.

Làn sóng kích cầu và hạ lãi suất tại nhiều quốc gia đã khiến thị trường tài sản tài chính thu hút mạnh mẽ dòng tiền của nhà đầu tư. Ở Mỹ và Trung Quốc, bên cạnh làn sóng đầu tư chứng khoán niêm yết, xuất hiện làn sóng mua cổ phiếu công nghệ trong các đợt IPO và thực hiện mua bán - sáp nhập.

Tại Việt Nam, dòng tiền lỏng đã nâng đỡ thị trường chứng khoán từ cuối tháng 3/2020 tới nay, nhưng các thương vụ M&A chỉ sôi động trong vài tháng gần đây. Điển hình là sự xuất hiện của một số nhà đầu tư bên ngoài, mua lượng lớn cổ phiếu niêm yết.

Thương vụ đáng chú ý Công ty cổ phần Giao nhận và vận chuyển Indo Trần (Indo Trần) mua thêm 54 triệu cổ phiếu STG của Công ty cổ phần Kho vận miền Nam (mã chứng khoán STG), nâng tỷ lệ sở hữu từ 41,78% lên 96,75%. Sau giao dịch, STG trở thành công ty con của Indo Trần.

Trong khi đó, STG sở hữu 100% Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư hạ tầng Sotrans (mã chứng khoán SII), SII lại sở hữu 84,39% vốn tại Tổng công ty cổ phần Đường sông miền Nam (mã chứng khoán SWC). Ngoài ra, STG sở hữu trực tiếp 8,94% vốn tại SWC.

Thông qua việc sở hữu STG, Indo Trần từng bước thâu tóm lĩnh vực vận tải nội địa để hoàn thành mảnh ghép logistics cho chiến lược dài hạn.

Thương vụ được quan tâm tiếp theo diễn ra tại Tổng công ty Viglacera (mã chứng khoán VGC). Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (mã chứng khoán GEX) mới đây mua thành công 94,6 triệu cổ phiếu VGC trong tháng 10/2020, nâng sở hữu từ 24,96% lên 46,07% vốn điều lệ.

Sau khi thoái mảng logistics, Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực khu công nghiệp thông qua sở hữu gián tiếp VGC. VGC và GEX xây mục tiêu trở thành nhà phát triển khu công nghiệp lớn nhất Việt Nam.

Dòng tiền lỏng nâng đỡ thị trường chứng khoán từ cuối tháng 3/2020 tới nay, nhưng các thương vụ M&A chỉ sôi động trong vài tháng gần đây.

Hai bên đang triển khai các thủ tục pháp lý để mở rộng dự án 100 ha tại Tây Ninh lên 600 ha, đã mua Khu công nghiệp Long Sơn 800 ha tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tại Viglacera, theo báo cáo thường niên năm 2019, hiện doanh nghiệp sở hữu 11 khu công nghiệp ở miền Bắc với tổng quỹ đất hơn 4.038 ha.

Việc thâu tóm trên giúp GEX thâm nhập nhanh hơn vào lĩnh vực khu công nghiệp nghiệp khi VGC có quỹ đất lớn.

Trong lĩnh vực bất động sản, thương vụ đáng kể là một nhóm nhà đầu tư do KKR đứng đầu, trong đó có Temasek, đã chi ra 15.100 tỷ đồng, tương ứng 650 triệu USD để mua vào hơn 200 triệu cổ phiếu Vinhomes (VHM), chiếm 6% vốn điều lệ tại doanh nghiệp trong tháng 6/2020.

Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (mã chứng khoán PAN) đang chào mua công khai 15% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Khử trùng Việt Nam (mã chứng khoán VFG) để nâng sở hữu từ 41,2% lên 56,26% vốn điều lệ. Tính tới 30/6/2020 trên báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2020 của PAN, doanh nghiệp ghi nhận đầu tư vào VFG là công ty liên kết.

Như vậy, việc chào mua lần này thành công sẽ giúp PAN hợp nhất báo cáo tài chính của VFG và tiến sâu hơn vào chuỗi kinh doanh khép kín trong lĩnh vực nông nghiệp từ trang trại tới bàn ăn.

Bên cạnh việc các tổ chức thực hiện mua vào chi phối để nhanh chóng thâm nhập sâu hơn vào mảng ngành, bức tranh M&A trên thị trường chứng khoán Việt Nam 10 tháng đầu năm nay còn xuất hiện một nhóm nhà đầu tư cá nhân có tiềm lực tài chính mạnh, tăng sở hữu tại nhiều doanh nghiệp.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) xuất hiện cổ đông mới là ông Nguyễn Văn Nghĩa, nâng sở hữu từ dưới 5% lên 8,41% vốn điều lệ. Tại Công ty cổ phần Long Hậu (LHG), ông Võ Tấn Thịnh liên tục tăng sở hữu từ dưới 5% lên 20% vốn điều lệ.

Công ty cổ phần Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (HDC) xuất hiện cổ đông bên ngoài là ông Trần Minh Chính, tăng sở hữu từ dưới 5% lên 21,04% vốn điều lệ.

Tổ chức Euromonitor - Tập đoàn nghiên cứu thị trường được thành lập năm 1972 có trụ sở tại London đánh giá, Việt Nam trong nhóm các thị trường có triển vọng M&A tích cực, cùng với Đài Loan, Ả rập Xê út, Philippines…

Euromonitor dự báo Việt Nam sẽ giữ vị trí trong Top 20 quốc gia có chỉ số đầu tư M&A cao nhất năm 2021.

Tổ chức này cho biết, động lực của các thương vụ M&A tại Việt Nam đến từ việc các doanh nghiệp phương Tây rút khỏi Trung Quốc để tránh những rủi ro đến từ thương chiến Mỹ - Trung. Việt Nam là một điểm đến tiềm năng nhờ vào thị trường tiêu thụ rộng lớn sau khi liên tục tham gia các hiệp định thương mại, mới đây là EVFTA, mở ra con đường cho hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu rộng lớn.

Tin bài liên quan