Y tế, dược phẩm hấp dẫn nhà đầu tư ngoại
“Tôi muốn tìm kiếm một doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh dược phẩm, thiết bị y tế đang niêm yết trên sàn, quy mô nhỏ cũng được. Chủ yếu, tôi có nhà đầu tư nước ngoài, có tay nghề trong ngành dược phẩm muốn rót vốn vào lĩnh vực này. Nếu mua được, họ sẽ bơm vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, đưa đội ngũ chuyên gia về dược phẩm, y tế tham gia công ty”, một dealer (môi giới) đưa thông tin trong group liên quan đến M&A.
Theo góc nhìn của nhiều dealer, công nghệ y tế, chẩn đoán và thiết bị y tế đang nổi lên như những lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng cao trong ngành chăm sóc sức khỏe của Việt Nam. Trong khi đó, mục tiêu của Chính phủ là thúc đẩy sản xuất trong nước nhằm tăng tỷ lệ sản xuất dược phẩm trong nước lên 80%, làm cho lĩnh vực này trở nên đặc biệt hấp dẫn với các hoạt động M&A.
Sự quan tâm của vốn ngoại được cho nguyên nhân giúp cổ phiếu IMP và DHT ghi nhận mức tăng ấn tượng trong 7 tháng đầu năm nay (lần lượt đạt hơn 60% và 212% từ đầu năm đến ngày 19/7/2024), thiết lập đỉnh lịch sử mới của cả hai cổ phiếu. Tại IMP, cổ đông chi phối là SK Investment - chaebol lớn thứ hai Hàn Quốc đang nắm 64,8%. Còn tại DHT, ASKA Pharmaceutical Co., Ltd - hãng dược đến từ Nhật Bản đã gom hơn 2 triệu cổ phiếu DHT để tăng sở hữu từ 32,56% vốn lên gần 35% vốn. Cả hai doanh nghiệp này cũng được đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng, đến từ nhà máy mới.
Diễn biến đáng chú ý khác trong ngành dược là Bidiphar (mã DBD) đã nới room ngoại lên 100% và có kế hoạch phát hành tăng vốn cho các đối tác có tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm trong nghề để cùng phát triển Công ty. Theo nguồn tin riêng của phóng viên, có khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài, cả đầu tư tài chính lẫn chiến lược quan tâm tới thương vụ, trong đó có đối tác đã tiến hành thẩm định chuyên sâu (due diligence) để đầu tư tỷ lệ lớn vào doanh nghiệp này, nhưng vì chưa “khớp” về mức giá nên tới nay vẫn chưa có công bố mới từ doanh nghiệp. Bidiphar quyết tâm năm nay sẽ thực hiện xong việc bán vốn cho đối tác.
Trong lĩnh vực bệnh viện, y tế, mùa đại hội cổ đông vừa qua, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (mã TNH) chia sẻ về kế hoạch có chuỗi 10 bệnh viện phủ rộng toàn quốc, gồm bệnh viện đa khoa và chuyên khoa như ung bướu, phụ sản, mắt, chuyên khoa đột quỵ. Đồng thời, TNH xin ý kiến cổ đông nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Công ty từ 49% lên 70% nhằm tăng cường khả năng huy động vốn, thay đổi cơ cấu cổ đông theo hướng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn.
Đáng chú ý, tại đại hội cổ đông TNH, một trong hai thành viên mới được bầu cử vào Hội đồng quản trị nhiệm kỳ này là bà Nguyễn Thị Thùy Giang, cựu Phó giám đốc Phân tích cổ phiếu của SSI, được đề cử bởi KWE Beteiligungen AG - quỹ ngoại nắm 10,51% vốn TNH và đang là cổ đông lớn của Bidiphar - công ty sản xuất thuốc ung thư duy nhất niêm yết trên sàn chứng khoán.
Công ty chứng khoán, quản lý quỹ vẫn được “săn mua”
Trong lĩnh vực chứng khoán, giới đầu tư chứng kiến nhiều công ty chứng khoán đổi chủ. Đơn cử, 65% vốn của Công ty Chứng khoán Sen Vàng được “sang tay” cho 3 cá nhân. Đồng thời, công ty này lên kế hoạch chào bán riêng lẻ 500 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chuyên nghiệp trong quý II - IV/2024, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm 5.000 tỷ đồng.
Động thái đáng chú ý tại Công ty Chứng khoán HVS mới đây, sau 3 năm sở hữu vốn tại Công ty, ba cổ đông hiện hữu (là Chủ tịch Hội đồng quản trị và 2 thành viên) đã đăng ký bán ra toàn bộ hơn 5 triệu cổ phần. HVS cũng có kế hoạch phát hành tối đa hơn 30 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn thêm 300,2 tỷ đồng, với giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu.
Năm 2023, HVS cho biết, Công ty vẫn trong quá trình tái cấu trúc, nên chỉ phát sinh doanh thu từ lãi tiền gửi có kỳ hạn. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang xem xét về các điều kiện duy trì và cấp phép cho HVS. Điều này dẫn đến hoài nghi về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.
Tương tự, ở Công ty Chứng khoán Việt Tín, có chuyển động cổ đông lớn cho thấy “quy về một mối” sau vài lần đại hội cổ đông bất thành vì cổ đông lớn không đến dự. Tháng 6, Việt Tín xuất hiện cổ đông mới nắm giữ 49% vốn là TIN Global Pte. Ltd (có trụ sở tại Singapore).
Một nguồn tin cho biết, tại đại hội cổ đông lần 2 của Công ty Chứng khoán APG, tổ chức vào tháng 8 tới, dự kiến sẽ có xáo động trong thành viên Hội đồng quản trị APG.
Khối công ty quản lý quỹ cũng đang có nhiều sự quan tâm trong việc mua lại giấy phép, bên quan tâm là các tập đoàn tài chính, chứng khoán, cả trong và ngoài nước.
Theo chia sẻ từ các nhà môi giới thương vụ, hiện các công ty chứng khoán trong nước có hoạt động không quá nổi trội, nhưng nhà đầu tư ngoại vẫn tìm mua, chủ yếu với mục đích mua lại giấy phép hoạt động. Động lực chính đến từ triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất lớn, đặc biệt là câu chuyện nâng hạng thị trường sẽ mở ra cơ hội nâng tầm, đón dòng vốn lớn từ các quỹ đầu tư lớn.
Không những thế, các tập đoàn đa ngành, hoặc ngân hàng muốn xây dựng hệ sinh thái có cả công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán cũng đang có nhu cầu tìm mua. Trên thực tế, các yếu tố vĩ mô đang có tác động tích cực tới ngành chứng khoán, trong đó, tăng trưởng kinh tế, gia tăng tầm lớp trung lưu ngày càng nhanh giúp thúc đẩy nhu cầu đầu tư, mở ra triển vọng cho các đơn vị cung cấp dịch vụ như công ty chứng khoán.
Nhiều thương vụ ở các ngành khác “đóng deal”
Diễn biến mới tại Địa ốc Đà Lạt cho thấy Công ty có dấu hiệu đổi chủ. Sau thông tin công bố về hàng loạt giao dịch thoái vốn của các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ, theo nguồn tin riêng, Công ty đã có thêm cổ đông/nhóm cổ đông mới. Nhóm cổ đông cũng đã làm việc cùng lãnh đạo Công ty để bàn thảo kế hoạch tổ chức đại hội cổ đông trong tháng 8/2024, trong đó có nội dung tăng vốn điều lệ thêm 500 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn, vực lại hoạt động kinh doanh của Công ty, bầu cử Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới, đặc biệt là lên mục tiêu đưa cổ phiếu ra khỏi diện bị kiểm soát và tiến đến niêm yết cổ phiếu trên HOSE vào năm 2026.
Nhiều thương vụ đã “đóng deal” như Đạm Cà Mau thâu tóm xong Công ty TNHH Phân bón Hàn - Việt (KVF) có vốn điều lệ gần 2.100 tỷ đồng. Theo thông tin từ website, KVF hiện là chủ của Nhà máy NPK Hàn-Việt, được đưa vào vận hành từ tháng 12/2017, công suất thiết kế 360.000 tấn NPK/năm.
Hay TCM đã chi 19 triệu USD mua lại Công ty TNHH Dệt may SY Vina, doanh nghiệp 100% vốn của E-Land Asia Holdings - cổ đông lớn nhất của TCM. Phương thức nhận chuyển nhượng là mua lại toàn bộ tài sản và quyền triển khai dự án đầu tư. Sau khi hoàn tất thương vụ, TCM sẽ là chủ sở hữu trực tiếp dự án của Dệt may SY Vina. Theo TCM, việc mua SY Vina giúp Công ty tận dụng lợi thế trong chuỗi sản xuất bao gồm dệt, nhuộm và may - ba công đoạn dự kiến sẽ mở rộng trong thời gian tới.
Hoặc thương vụ đình đám CTCP Masan High-Tech Materials (MSR) công bố đạt thỏa thuận khung với Mitsubishi Materials Corporation Group (MMC Group). Theo đó, MMC Group dự kiến sẽ mua 100% H.C. Starck Holding (Đức) GmbH (HCS) từ Masan High-Tech Materials. Các bên sẽ ký kết một thỏa thuận bao tiêu APT và oxit vonfram, đem lại lợi ích dài hạn cho đôi bên.
Ngoài ra, Masan dự kiến sẽ giữ phần sở hữu tại Nyobolt (chuyên cung cấp giải pháp pin Lithium-ion sạc nhanh có trụ sở tại Vương quốc Anh). Masan giữ đặc quyền hưởng một phần lợi nhuận tiềm năng khi công nghệ tái chế “black mass” do HCS phát triển được thương mại hóa.
Ghi nhận nhiều ý kiến các nhân sự IB cho biết, năm nay, các nhu cầu về gọi vốn, M&A rục rịch trở lại, nhưng đi đến các bước xa hơn thì cần thêm thời gian và tín hiệu thị trường (chẳng hạn các bộ luật được áp dụng; các ngân hàng trung ương hạ lãi suất…) mới kích thích thị trường sôi động hơn. Trong nửa đầu năm 2024, thị trường cơ bản vẫn khá trầm lắng.