Từ vướng mắc về cơ chế cấp phép…
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán tại cuộc họp báo công bố Diễn đàn M&A 2016 ngày 25/7 vừa qua, luật sư Đặng Dương Anh cho biết, những quy định mới cho hoạt động M&A dù đã được bổ sung, sửa đổi nhiều nhưng thực tế vẫn còn tồn tại nhiều quy định khá bất cập.
“Hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài trước khi vào sẽ phải thông qua “Pre-approvals” hay thường gọi là đăng ký đầu tư, có thể hiểu là phê duyệt trước rồi sau đó mới chỉnh sửa giấy đăng ký doanh nghiệp (hay EAC). Sau khi sửa đổi, ngoài trường hợp thông thường thì nhiều doanh nghiệp lại nhận được yêu cầu thay đổi giấy chứng nhận đầu tư (IAC) khi thay đổi về cơ cấu sở hữu. Do đó, tính ra nhà đầu tư có thể sẽ phải qua tới 3 cơ chế giấy phép khi bước chân vào thị trường Việt Nam”, luật sư Anh nói.
Chưa kể, các Pre-approval đều phải xét duyệt qua danh mục các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện theo Quyết định 1966 của Chính phủ. Tuy nhiên, thực tế cho đến thời điểm hiện tại, việc xác định kinh doanh có điều kiện còn nhiều điểm phức tạp khi có có sự khác biệt giữa quy định của Luật Đầu tư và quy định tại Nghị định 60/2015 hướng dẫn nội dung liên quan đến đầu tư nước ngoài trên TTCK.
Ngoài ra, cũng liên quan đến các giao dịch của công ty đại chúng, theo luật sư Anh, trong một số trường hợp, điều gây ngạc nhiên với nhà đầu tư ngoại là khi trình lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thì yêu cầu lại phải có ý kiến của công ty đó.
Điều này làm đau đầu nhà đầu tư nước ngoài bởi lẽ họ cho rằng, việc chuyển nhượng và thoái vốn thực tế là quyền tự do kinh doanh, khi không còn nhu cầu đầu tư tại doanh nghiệp nội (thường là đã không còn tiếng nói chung sau quãng thời gian hợp tác) mà phải xin ý kiến của doanh nghiệp thì sẽ gây cản trở cho hoạt động đầu tư của họ.
…đến rủi ro về hoạt động đầu tư
Liên quan đến câu chuyện tháo gỡ vướng mắc của nhà đầu tư nước ngoài, các chuyên gia cũng đề cập đến việc mở tài khoản để thực hiện các thương vụ đầu tư trực tiếp và gián tiếp.
Về đầu tư trực tiếp, các nhà đầu tư mua vào phải chuyển tiền vào “tài khoản vốn đầu tư trực tiếp” của doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở việc tiền và tài khoản của nhà đầu tư phải được phân biệt hoàn toàn với tiền và tài khoản của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, việc yêu cầu tiền của nhà đầu tư phải chuyển vào tài khoản của doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài là không hợp lý.
Về đầu tư gián tiếp, hiện nay Luật Đầu tư mới đã xóa bỏ khái niệm này, nhưng trong các văn bản của ngân hàng vẫn ghi “tài khoản vốn đầu tư gián tiếp”.
Tài khoản này được hiểu là bất kỳ nhà đầu tư nào muốn đầu tư vào TTCK hoặc doanh nghiệp nội địa tại Việt Nam sẽ tạm coi là “nhà đầu tư gián tiếp” và phải thành lập “tài khoản vốn đầu tư gián tiếp”. Tuy nhiên, vướng mắc ở chỗ là quy định yêu cầu đóng vào bằng đồng nội tệ, trong khi họ đầu tư bằng ngoại tệ. Điều này khiến nhà đầu tư phải chịu thêm khoản chi phí rủi ro về tỷ giá, nhất là để chốt một thương vụ M&A cần một khoảng thời gian không nhỏ. Chưa kể, khi tiến hành đầu tư, nhà đầu tư phải thành lập cả tài khoản ký quỹ thiết lập với ngân hàng ký quỹ.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng lo ngại quan điểm của cơ quan quản lý Việt Nam đối với vấn đề về thuế M&A hiện nay không thực sự rõ ràng. Mong muốn của Bộ Tài chính là làm sao để truy thu đến phần chuyển nhượng vốn cổ phần hay vốn sở hữu. Thế nhưng, truy cứu đến mức độ nào thì hiện nay vẫn chưa rõ.
Hiện nay, Việt Nam có gần 30 hiệp định tránh đánh thuế hai lần, tuy nhiên trong nhiều trường hợp, các doanh nghiệp nộp hồ sơ và cho rằng mình sẽ được hưởng quy chế miễn thuế theo hiệp định chống đánh thuế trùng, nhưng cơ quan thuế lại từ chối với lý do không đủ hồ sơ. Trong khi đó, cơ quan thuế lại không rõ ràng trong việc ghi nhận đủ hồ sơ hay chưa mà chỉ ghi chú rằng “đã nộp hồ sơ”.
...và một số vấn đề khác
Câu chuyện minh bạch cổ phần hóa cũng là vấn đề mà mà nhiều nhà đầu nước ngoài rất quan tâm hiện nay. Có rất nhiều thương vụ bị đổ bể vào phút cuối vì lý do chậm trễ phê duyệt. Quy định về cổ phần hóa yêu cầu, sau khi doanh nghiệp thực hiện IPO xong phải có báo cáo tài chính và phải được Bộ Tài chính phê duyệt, tuy nhiên, có khá nhiều doanh nghiệp không tuân thủ điều này, khiến nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, theo ông Peter Sorensen, Giám đốc Công ty tư vấn ABB Merchant Banking, khoảng cách về giá vẫn là một rào cản lớn trong các thương vụ, mặc dù kỳ vọng của bên bán hiện nay đã thực tế hơn rất nhiều so với 3 - 5 năm trước. Thêm vào đó, sự thiếu minh bạch của các công ty, thiếu các thông tin quản trị và đôi khi là thiếu tính sáng tạo trong việc cơ cấu giao dịch (thiếu cơ sở pháp lý, thiếu tiền lệ thị trường, sự hiểu biết của bên bán…) cũng gây ra những khó khăn nhất định cho nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện các thương vụ M&A tại Việt Nam.
Nhìn ở góc độ thực tế, theo đánh giá của các thành viên thị trường, dù trong nhiều năm vừa qua, Chính phủ đã liên tục đốc thúc hoạt động thoái vốn, nhưng số vốn nhà nước bán được mới chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số hơn 1,3 triệu tỷ đồng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Quan điểm không thể làm ồ ạt vì thị trường vốn có hạn, nếu doanh nghiệp nào cũng cổ phần hóa, bán vốn thì số vốn bị rải mành mành, là một trong những rào cản khiến nhà đầu tư nước ngoài dù có nhu cầu nhưng chưa sẵn sàng giải ngân tham gia vào các thương vụ IPO cổ phần doanh nghiệp nhà nước.
Ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Thực tế, vấn đề thủ tục cấp giấy phép cho nhà đầu tư nước ngoài hiện nay được phân định khá rõ ràng và cụ thể.
Khi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, nếu như thủ tục đó được quy định trong Luật Chứng khoán thì điều 4 của Luật Đầu tư đã phân định rõ là sẽ thực hiện theo Luật Chứng khoán, không thực hiện theo Luật Đầu tư. Còn nếu thực hiện theo Luật Đầu tư thì về cơ bản, ngoài việc nhà đầu tư nước ngoài thực hiện theo hình thức M&A chỉ cần thực hiện thông báo thay đổi thành viên hoặc thông báo cổ đông nước ngoài tại cơ quan đăng ký kinh doanh.
Trong một số trường hợp đặc thù như những doanh nghiệp mục tiêu có ngành nghề nằm trong danh mục có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài thì phải thực hiện đăng ký M&A với Sở Kế hoạch và Đầu tư trước khi thực hiện M&A. Ngoài ra, một trường hợp đặc thù khác là trường hợp doanh nghiệp có vốn 49% của nhà đầu tư nước ngoài và nay muốn mua thêm khiến tỷ lệ sở hữu của họ vượt quá 51% thì phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo đúng các thủ tục pháp lý.
Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK)
Sau khi Luật Đầu tư ra đời, Chính phủ có ban hành thêm Nghị định 60/2015 hướng dẫn thủ tục đầu tư trên TTCK và có tham chiếu đến Luật Đầu tư thì có một số ngành kinh doanh dịch vụ mà UBCK đưa ra các quy định nếu như trong biểu cam kết không hạn chế, không bị cấm, pháp luật chuyên ngành không đưa ra mức cụ thể và đặc biệt trong quy định hướng dẫn của Luật Đầu tư về những lĩnh vực kinh doanh chưa có điều kiện cụ thể, thì tạm thời áp dụng theo ngưỡng sở hữu nước ngoài là 49%.
Tuy vậy, trong một số trường hợp, dù chưa có hướng dẫn từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhưng do pháp luật chuyên ngành ra đời sau đó có hướng dẫn cụ thể về việc mở rộng điều kiện sở hữu thì cũng tạo điều kiện cho việc mở rộng sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn như trường hợp Luật Kinh doanh bất động sản 2014, nếu như trước đây quy định doanh nghiệp gắn với kinh doanh bất động sản thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ không được sở hữu chi phối, và nếu áp theo Nghị định 60/2015 thì đương nhiên sở hữu tối đa sẽ là 49%. Thế nhưng, do Luật Kinh doanh bất động sản 2014 nới ra 3 điều kiện cho phép sở hữu nước ngoài chi phối, nên room ngoại đương nhiên sẽ được nới lên trên 51% trong ngành nghề này.
Đối với vấn đề UBCK yêu cầu nhà đầu tư xin ý kiến doanh nghiệp đối với một số giao dịch chuyển nhượng hoặc thoái vốn, thực ra cần phải rõ về mặt nguyên tắc, một khi công ty đã niêm yết trên Sở GDCK, thì mọi giao dịch phải thực hiện trên Sở, ngoại trừ trường hợp M&A thông qua hệ thống chuyển quyền sở hữu trên Trung tâm Lưu ký.