Từ năm 2014 tới nay, có nhiều nhà đầu tư tổ chức nước ngoài tăng sở hữu tại các doanh nghiệp dược đầu ngành đang niêm yết tại Việt Nam

Từ năm 2014 tới nay, có nhiều nhà đầu tư tổ chức nước ngoài tăng sở hữu tại các doanh nghiệp dược đầu ngành đang niêm yết tại Việt Nam

M&A lĩnh vực y dược được “hâm nóng”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Chào mua - chào bán bệnh viện, phòng khám, chuyển nhượng cổ phần doanh nghiệp ngành dược, y tế… vẫn đang được các trung gian “đặt hàng” để tìm kiếm bên bán/mua tiềm năng. Trên thực tế, dù không quá “nổi sóng” nhưng ngành dược, y tế vẫn luôn là ngành được dòng tiền M&A săn đón hàng năm.

Ở trong các cộng đồng trao đổi thông tin về mua bán - sáp nhập, về huy động vốn, vẫn đang xuất hiện các lời chào mời về mua bệnh viện, như Bệnh viện Đông Sài Gòn quy mô 100 giường bệnh được chia sẻ có nhu cầu chuyển nhượng lại toàn bộ cổ phần Công ty và quỹ đất hiện trạng đã xây dựng phần thô (diện tích đất 1.249 m2), giá chào bán 195 tỷ đồng.

Tương tự, một tổ chức tư vấn M&A chào bán chuyển nhượng dự án bệnh viện tư nhân tại Thanh Hóa đang có lợi thế phòng khám kinh doanh mang về doanh thu 40 triệu đồng/tháng; có lô đất đã xin cấp phép đất xây dựng bệnh viện liên chuyên khoa (diện tích 11.000 m2); một lô đất 280 m2 có thể mở phòng khám… Hình thức chuyển nhượng toàn bộ công ty gồm có số tài sản trên. Giá chuyển nhượng 90 tỷ đồng.

Cùng khu vực miền Bắc có lời chào bán bệnh viện 500 giường, nhưng công suất thực tế đang 650 giường, quy mô 2,5 héc-ta, với giá 655 tỷ đồng.

Ở thị trường miền Nam, ghi nhận của người viết, bệnh viện gắn liền với nhân vật được nhiều người biết đến trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản cũng đang có động thái chuyển nhượng cổ phần và đã có nhiều cuộc gặp với các bên mua tiềm năng, nhưng tới thời điểm hiện tại vẫn chưa đi đến các bước sau của thương vụ (như thẩm định, cấu trúc thương vụ, thỏa thuận giá…)

Trên thị trường chứng khoán, xu hướng mua cổ phần, M&A giữa các đối tác ngoại và công ty dược trong nước tiếp tục diễn ra. Từ năm 2014 tới nay, có nhiều tên tuổi lớn tăng sở hữu tại các doanh nghiệp dược đầu ngành đang niêm yết như Abbot (Mỹ) sở hữu 51% Domesco, Stada (Đức) sở hữu 100% Pymepharco, Taiso (Nhật Bản) sở hữu 51,01% Dược Hậu Giang, SK sở hữu gần 65% Imexpharm (IMP), ASKA vừa qua đã nâng sở hữu lên 35% Dược Hà Tây.

Công ty Bidiphar (DBD) cũng đã lấy ý kiến cổ đông vài mùa đại hội gần đây về việc chào bán riêng lẻ, kỳ vọng có được đối tác chiến lược. Theo thông tin của người viết, nhiều nhóm nhà đầu tư nước ngoài liên tục gặp gỡ và có các chuyến đi thăm nhà máy của đơn vị này, bao gồm cả nhà đầu tư tài chính và các nhà đầu tư đang hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm.

Tuy nhiên, thương vụ vẫn chưa có công bố thông tin mới do mức giá chào mua - chào bán chưa gặp được nhau, dù tới thời điểm hiện tại vẫn đang có vài nhà đầu tư ngoại “đeo đuổi” thương vụ tại DBD.

Trong cơ cấu cổ đông của DBD có cổ đông ngoại KWE Beteilgungen AG (KWE), sở hữu khoảng 8,1%. KWE là gương mặt khá quen thuộc tại IMP khi là cổ đông lớn của công ty này, nhưng đã bán toàn bộ 10 triệu cổ phiếu cho SK Investment Vina III Pte. Ltd vào tháng 2/2022. Hiện KWE cũng đang là cổ đông lớn tại TNH với tỷ lệ sở hữu 10,5% (cuối năm 2023).

Theo đó, giới thạo tin cho rằng, sự xuất hiện “sớm” của KWE trong hãng dược DBD cũng có thể tương tự như IMP, sẽ bán lại cho nhà đầu tư chiến lược sau này của Công ty.

Trong khi đó, ở IMP có những chuyển động đáng chú ý, chẳng hạn Hội đồng quản trị, Ban lãnh đạo Công ty thể hiện việc quan tâm đến vốn hóa thị trường của cổ phiếu IMP, giá trị cổ phiếu IMP trên sàn. Tại đại hội đồng cổ đông 2024 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng quản trị IMP cho biết đã nhận được câu hỏi về tính thanh khoản của cổ phiếu và Công ty đang thảo luận nội bộ để tìm giải pháp nâng cao tính thanh khoản, gia tăng khối lượng giao dịch.

IMP đang có những chuyển động khá rõ rệt trong hoạt động tiếp cận nhiều hơn đến các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài.

Thông tin mới nhất của IMP là việc chốt danh sách cổ đông nhận cổ phiếu phát hành để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 17/9/2024. Tỷ lệ thực hiện quyền 100%, IMP dự kiến phát hành thêm hơn 77 triệu cổ phiếu, thời gian thực hiện trong quý IV/2024.

Theo nhiều ý kiến, đây là giải pháp kỹ thuật góp phần làm tăng thanh khoản và làm “mềm” thị giá cổ phiếu IMP (tăng tốt từ đầu năm 2024 tới nay và trước thông tin chia thưởng 1:1, giá cổ phiếu ngay lập tức phản ứng trong phiên cuối tuần qua, lên 93.100 đồng/cổ phiếu, tăng 10% trong 1 tuần gần nhất). Thị giá cao có thể sẽ giới hạn nhà đầu tư cá nhân đại chúng tham gia vào IMP.

Tổng hợp nhiều thông tin diễn ra tại IMP, các ý kiến cho rằng, không loại trừ khả năng, vài năm tới có thể lại có thay đổi lớn trong cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp này.

Với Công ty cổ phần Bệnh viện quốc tế Thái Nguyên (TNH), bệnh viện hiếm hoi niêm yết trên sàn, đã có thông tin về việc nới room ngoại từ 49% lên 70%. Ban lãnh đạo TNH chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông 2024 về việc muốn huy động vốn, mở rộng quy mô hoạt động và thay đổi cơ cấu cổ đông theo hướng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn. Ngoài KWE, TNH đang có 3 quỹ ngoại khác là cổ đông lớn gồm Blooming Earth Pte.Ltd, Access S.a, Sicav-sif-asia Top Picks, Endurance Capital Vietnam.

Trên thị trường, các doanh nghiệp như DHG và TRA được biết đến có thế mạnh ở kênh nhà thuốc, với DHG là chuyên về tân dược không kê đơn, còn TRA dẫn đầu trong mảng thuốc đông dược. Trong khi đó, PME, IMP và DBD tập trung vào kênh bệnh viện, với thế mạnh là các loại kháng sinh uống, tiêm, đặc biệt DBD là doanh nghiệp nội địa dẫn đầu về thuốc điều trị ung thư.

IMP sở hữu 3 nhà máy đạt chuẩn EU-GMP với 11 dây chuyền EU-GMP hiện đại, là công ty hàng đầu về sản xuất kháng sinh chất lượng cao. Chia sẻ tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư trong tháng 8 vừa qua, Ban lãnh đạo IMP cho biết, Công ty sớm khởi động dự án nhà máy IMP5 trong vài tháng qua nhằm đảm bảo chiến lược tăng trưởng.

Động lực tăng trưởng của các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm Việt Nam được đánh giá đến từ quy định đấu thầu tại các cơ sở y tế công lập do Bộ Y tế ban hành, trong đó có các chính sách ưu đãi đối với thuốc chất lượng cao, ưu tiên sản xuất trong nước ở các kênh bệnh viện. Cụ thể, nếu các nhà sản xuất thuốc nội địa đạt các tiêu chuẩn như GMP-EU, hay GMP-Japan, GMP-PICs, GMP-US… với thành phần hoạt tính tương tự và các yêu cầu về chất lượng khác, đồng nghĩa các doanh nghiệp như PME, IMP, DBD vốn là các doanh nghiệp đẩy mạnh các nhà máy, dây chuyền đạt tiêu chuẩn cao, sẽ có nhiều cơ hội hơn trên kênh đấu thầu vào bệnh viện.

Đây cũng là một trong các lý do chính khiến các doanh nghiệp này trở nên thu hút hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Trong các cuộc gặp gỡ trao đổi thông tin hàng tuần của các nhà tư vấn M&A, bổ sung vào danh sách chào bán toàn công ty, hoặc bán chi phối một doanh nghiệp dược có trụ sở ở miền Tây, nhưng mức giá đưa ra khá “chát”, khiến các bên “nản lòng” - gấp 5 lần so với thị giá hiện nay, trong khi doanh nghiệp không có lợi thế cạnh tranh nổi bật.

Tin bài liên quan