Ma hồn trận
Phát biểu tại buổi gặp gỡ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cuối tuần qua, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco thẳng thắn nói, sự quan tâm của Đảng và Chính phủ với lĩnh vực nông nghiệp thì khỏi phải bàn. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp đi vào triển khai dự án mới thấy như gặp phải “ma hồn trận”, vướng trăm bề, trong đó vướng nhất là đất đai, vốn và quy hoạch.
"Tính đến hết năm 2015, số doanh nghiệp và số vốn đầu tư vào nông nghiệp tăng không đáng kể, TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) cho hay."
Với Geleximco, doanh nghiệp này đã từng sang Israel học hỏi kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản, sau đó đầu tư hơn 20 tỷ đồng nuôi 100 héc-ta tôm tại Thái Bình. Tuy nhiên, dự án đến nay vẫn đắp chiếu. Cách đây 5 năm, Tập đoàn tiếp tục rót hàng trăm triệu USD đầu tư Nhà máy Giấy An Hòa (Tuyên Quang), nhưng Nhà máy đang rơi vào tình trạng khó khăn do phải “ăn đong” nguyên liệu.
“Trước khi quyết định làm, chúng tôi được quy hoạch 165.000 héc-ta rừng tại Tuyên Quang nên rất yên tâm. Thế nhưng, khi triển khai xây dựng Nhà máy thì mới biết, không có ‘ngàn héc-ta’ nào cả, chỉ có 500 héc-ta. Gần Tết vừa qua, dân ồ ạt chặt cây mang bán, chúng tôi báo chính quyền huyện, xã thì đều nhận được sự thờ ơ. Vì vậy, trong dịp Tết, Tập đoàn phải tập trung cán bộ lên đó mua cây, đảm bảo cho Nhà máy vận hành”, ông Tiền cho hay.
Đồng cảnh ngộ, bà Thái Hương, Chủ tịch TH true MILK cho hay, chủ trương của Nhà nước là miễn thuế vật tư nhập khẩu cho doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Thế nhưng, TH true MILK vẫn bị áp thuế 5%, chưa được hưởng ưu đãi nào. Khi doanh nghiệp chưa đồng ý nộp vì muốn “đòi quyền lợi”, thì ngành thuế lập tức “bêu tên” nợ thuế, khiến uy tín của doanh nghiệp bị tổn hại.
Câu chuyện của Geleximco, TH true MILK chỉ là hai trong nhiều ví dụ được doanh nghiệp nêu ra về những khó khăn, vướng mắc khi đầu tư vào nông nghiệp - mảnh đất được coi là tiềm năng với vô vàn chính sách ưu đãi.
Việt Nam vẫn được coi là điểm sáng của nông nghiệp cả thế giới. Tuy nhiên, nhìn lại con số thống kê tính đến hết năm 2015, TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) cho hay, trong năm qua, số doanh nghiệp và số vốn đầu tư vào nông nghiệp tăng không đáng kể.
Các bộ phải “dàn hàng ngang”
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, vướng mắc chính nằm ở cơ chế. Do đó, muốn thắng ở trận địa nông nghiệp, các bộ cần dàn hàng ngang để cùng tháo gỡ, chỉ riêng ngành nông nghiệp xông trận thì không thể giải quyết.
Riêng về vướng mắc đất đai, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Chính phủ cần xem xét đánh thuế đất nông nghiệp để tránh tình trạng nông dân găm đất mà không sản xuất, trong khi doanh nghiệp lại thiếu đất canh tác.
Bên cạnh đó, theo nhiều doanh nghiệp, dù Chính phủ đưa ra nhiều chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, song hầu hết các chính sách đến nay vẫn nằm trên giấy, khiến không ít doanh nghiệp nản chí.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát khẳng định, nông nghiệp đã có thời kỳ phát triển mạnh, nhưng đã đến lúc không thể tiếp tục con đường cũ. Thứ nhất là áp lực hội nhập bắt buộc chúng ta phải có một nền nông nghiệp hàng hóa, cạnh tranh quốc tế. Thứ hai là biến đổi khí hậu cũng buộc Việt Nam thay đổi thể thức để phát triển bền vững.
“Muốn làm được điều này, người nông dân vẫn làm chủ, nhưng phải có doanh nghiệp dẫn dắt, áp dụng khoa học công nghệ, thâm nhập, giữ vững và phát triển thị trường. Chúng tôi luôn xác định doanh nghiệp là then chốt trong tái cơ cấu nông nghiệp, nên phải tạo lập môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động có hiệu quả trong lĩnh vực này”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.