Đổ ra vùng ven
Nói về sức cầu ở thực và cả nhu cầu đầu tư, có lẽ TP.HCM và Hà Nội vẫn đứng ngôi đầu bảng, nhưng trước thực tế nguồn cung không còn nhiều, giá đất nội đô tăng cao và sự ách tắc trong quy trình thủ tục đã khiến thị trường M&A hình thành một dòng chảy mới hướng về các đô thị vệ tinh.
“Novaland vừa ‘chốt hạ’ thành công thêm một thương vụ M&A dự án có quy mô 286 ha ở Đồng Nai, nâng tổng giá trị M&A các thương vụ mới ở khu vực này và các tỉnh lân cận lên 1 tỷ USD”, ông Nguyễn Thái Phiên, Giám đốc cao cấp Tài chính, Tập đoàn Novaland tiết lộ thông tin tại Diễn đàn M&A 2020.
Theo ông Phiên, hiện Novaland đang nắm trong tay hơn 5.000 ha đất, trong đó TP.HCM có gần 700 ha, quỹ đất còn lại ở các khu vực vệ tinh như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phan Thiết. Đây chính là những khu vực phù hợp để Tập đoàn thực hiện chiến lược phát triển chuỗi giá trị hệ sinh thái bất động sản sắp tới.
Một “ông trùm” khác trong lĩnh vực M&A quỹ đất thời gian qua là Tập đoàn Hưng Thịnh khi ông Nguyễn Thế Nhiên, Phó tổng giám đốc Công ty Hưng Thịnh Land chia sẻ rằng, Covid-19 được xem là phép thử để biết sức khỏe của các doanh nghiệp, nhưng cũng là cơ hội rất tốt để gia tăng các hoạt động M&A.
“Qua thăm dò cho thấy, bất động sản công nghiệp và bất động sản ven đô đang có những chuyển động mạnh mẽ. Bất động sản ven đô nóng lên là do hành vi đầu tư, nhu cầu lựa chọn không gian sống của người tiêu dùng thay đổi. Còn với bất động sản công nghiệp, dịch bệnh xảy ra, dòng vốn ngoại đóng băng lại là cơ hội cho nhà đầu tư nội với nhiều thương vụ M&A rất đáng chú ý thời gian qua”, ông Nhiên nhận định, đồng thời chia sẻ, từ cuối năm 2019 đến nay, Hưng Thịnh Land đã chi hàng nghìn tỷ đồng để thực hiện M&A các dự án lớn như hơn 1.000 ha tại Bình Định và hơn 1.000 ha tại Lâm Đồng.
“Đến thời điểm hiện nay, Hưng Thịnh đã nắm trong tay gần 5.000 ha đất, sẵn sàng phát triển dự án”, ông Nhiên tiết lộ.
Ngoài những “ông lớn” kể trên, nhận diện được cơ hội mới, nhiều doanh nghiệp địa ốc khác cũng đẩy mạnh hoạt động săn tìm quỹ đất tại các đô thị vệ tinh. Danh Việt Group (DVG), một doanh nghiệp khá quen thuộc trên thị trường phía Nam nhưng là “tân binh” trong lĩnh vực M&A, mới đây đã công bố mua lại thành công 100% cổ phần Phú Gia Khiêm Land, qua đó trở thành chủ sở hữu quỹ đất vàng gần 7.000 m2 nằm trên mặt tiền đường huyết mạch DT 743 của TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Không tiết lộ giá trị thương vụ, song theo ông Trần Lê Thanh Hiển, Tổng giám đốc DVG, Công ty đang tiến hành đầu tư xây dựng một dự án căn hộ với tên gọi Icon Plaza quy mô 33 tầng với gần 900 căn hộ, tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng trên khu đất này.
Những cái tên Tập đoàn Danh Khôi, Công ty LDG, Thủ Đức House… cũng đang tích cực “đi chợ” dự án. Tính từ đầu năm 2020 đến nay, Danh Khôi đã thâu tóm thành công 6 dự án tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước; LDG công bố mua lại nhiều dự án ở các địa phương; Thủ Đức House cũng đã mua lại thành công một dự án tại Bình Dương và đang chuẩn bị tung sản phẩm ra thị trường…
Những nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực vốn vững mạnh, đặc biệt là những nhà đầu tư đã trụ vững ở thị trường Việt Nam như Gamuda Land, cũng không bỏ lỡ cơ hội ở các thị trường vệ tinh. Đó thực ra là một nhu cầu tất yếu như ông Angus Liew, Tổng giám đốc Công ty Gamuda Land dù thừa nhận sự hấp dẫn của sức cầu cao tại Hà Nội và TP.HCM, nhưng cũng cho rằng, “quỹ đất nội đô ngày càng hạn hẹp, nên sắp tới sẽ phải mở rộng ra khu vực vệ tinh TP.HCM, Hà Nội, hay như các đường vành đai 2,3, những nơi có thể ở và vào trung tâm để làm việc”. Mục tiêu của Gamuda Land là sẽ phát triển các khu đô thị, tạo nên một hệ sinh thái nhà ở khép kín tại các khu vực này.
Mua nhanh, bán nhanh
Thâu tóm các dự án bất động sản “đóng băng”, sau đó đổ tiền vào “hồi sinh” để nhanh chóng đưa sản phẩm vào thị trường là chiến lược từng giúp nhiều doanh nghiệp tăng trưởng đột phá. Tốc độ hồi sinh dự án phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng có một điểm chung là bên mua đều đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự án ngay sau khi được mua lại, hứa hẹn mang đến nguồn cung sản phẩm bất động sản chất lượng trong năm 2021 tới đây.
Novaland vừa “chốt hạ” thành công thêm một thương vụ M&A dự án có quy mô 286 ha ở Đồng Nai, nâng tổng giá trị M&A các thương vụ mới ở khu vực này và các tỉnh lân cận lên 1 tỷ USD
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trần Lê Thanh Hiển cho biết, mua dự án thông qua các thương vụ M&A sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian hoàn thành các thủ tục pháp lý cũng như giải quyết được những vấn đề liên quan đến đền bù và giải tỏa để sớm có sản phẩm. Chẳng hạn, qua khảo sát, DVG thấy nhu cầu nhà ở tại Bình Dương vô cùng lớn, nhưng thiếu nguồn cung phù hợp nên Công ty đẩy nhanh tiến độ mua lại và triển khai một dự án, để ngay trong tháng 12 này sẽ công bố dự án căn hộ có quy mô khoảng 900 căn, diện tích chỉ từ 25 m2, nhưng chất lượng cao cấp, đáp ứng nhu cầu thực của thị trường Bình Dương.
Tương tự, Tập đoàn Danh Khôi sau khi mua lại dự án tại Nha Trang cũng gấp rút tiến hành đầu tư xây dựng và đã công bố ra thị trường với tên gọi The Aston Luxury Residence Nha Trang, dự án có quy mô 3 block căn hộ cao 24-27 tầng với gần 2.000 căn hộ sở hữu vĩnh viễn và 4 khu nhà biệt thự song lập và nhà liền kề. Ngoài dự án này, ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó tổng giám đốc Tập đoàn cho biết, hầu hết các dự án được Danh Khôi mua lại từ đầu năm 2020 cũng đang được triển khai và sẽ đưa dần ra thị trường từ năm 2021.
Nếu như Danh Khôi hay Danh Việt Group đang đi theo hướng phát triển các dự án nhà ở đô thị, thì với Tập đoàn Novaland, hướng đi hiện nay là sau M&A sẽ hồi sinh các dự án mang tính chất điểm nhấn của cả một khu vực rộng lớn. Đơn cử như dự án NovaWorld Phan Thiết có quy mô 1.000 ha đang được Novaland từng bước biến từ một dự án bị “đắp chiếu” hàng chục năm thành một siêu thành phố biển - du lịch - sức khỏe. Để làm được điều này, Novaland đã lên kế hoạch đầu tư tới 5 tỷ USD để biến dự án này trở thành một hệ sinh thái nghỉ dưỡng hoàn thiện.
Cùng với Aqua City tại Đồng Nai hay dự án Đảo Đại Phước - vùng đất được mệnh danh là “hòn ngọc phía Đông Sài Gòn” nhưng từ lâu vẫn ngủ yên, dường như Novaland đang muốn chứng tỏ tầm cỡ một nhà phát triển bất động sản hàng đầu với những đại dự án mang sức hấp dẫn tự thân và lan tỏa sự sôi động ra các khu vực lân cận. Ngay tại dự án Đảo Đại Phước, ông Nguyễn Thái Phiên cho biết, ngay đầu năm tới sẽ có gần 1.000 sản phẩm bất động sản liền thổ dự kiến đưa ra thị trường.
“M&A dự án và nhanh chóng biến các khu đất thành các sản phẩm vừa đảm bảo được yếu tố sử dụng, yếu tố tích trữ và cả yếu tố khai thác kinh doanh, đó là xu thế chung của hoạt động M&A địa ốc gần đây”, ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Asia New Time nhận định.