Gia tăng các thương vụ M&A
DB Insurance - doanh nghiệp nằm trong top 3 thị phần bảo hiểm phi nhân thọ Hàn Quốc vừa hoàn tất thêm một bước trong kế hoạch mua chi phối Tổng công ty Bảo hiểm Hàng không (VNI). Cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra tuần này đã đạt được sự chấp thuận của trên 99,99% số cổ phần có quyền biểu quyết không có lợi ích liên quan tới phương án DB Insurance mua lại 75 triệu cổ phiếu từ nhóm 20 cổ đông mà không cần thực hiện chào mua công khai.
Cuộc họp ban đầu nhằm bầu bổ sung thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) thay thế ông Trần Trọng Dũng miễn nhiệm hồi tháng 11/2022. Tuy nhiên, gần một tuần trước cuộc họp, văn bản của nhóm cổ đông sở hữu 75,18% vốn kiến nghị bổ sung tờ trình liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần đã làm “nóng” cuộc họp bất thường này.
Kỳ vọng về “làn gió mới” từ dòng vốn ngoại khiến giá cổ phiếu AIC của VNI tăng mạnh trong tuần qua. Giá trị chuyển nhượng phụ thuộc vào thỏa thuận giữa hai bên, nhưng ước tính theo thị giá hiện tại, lượng cổ phần trên xấp xỉ ngàn tỷ đồng.
VNI có quy mô vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Đây cũng là doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất trong các thương vụ M&A trong hơn 2 năm trở lại đây. Trong giai đoạn này, hoạt động M&A ngành bảo hiểm ghi nhận 3 thương vụ đáng chú ý, nhưng các bên tham gia đều không phải đơn vị lấy mảng phi nhân thọ là chủ lực.
Tháng 11/2022, VPBank mua thêm 47,85 triệu cổ phần Bảo hiểm OPES, nâng lượng sở hữu từ 6,05 triệu đơn vị lên 53,9 triệu đơn vị (98% vốn điều lệ).
Cũng trong quý IV/2022, Tasco chi hơn 402 tỷ đồng mua 100% vốn Groupama Việt Nam và đổi tên thành Bảo hiểm Tasco. Theo kế hoạch, Tasco dự kiến rót thêm vào công ty này 612 tỷ đồng.
Trước đó, vào tháng 9/2021, BCG đã mua chi phối cổ phần Bảo hiểm AAA với tổng số tiền đầu tư 316,5 tỷ đồng.
Trước đại dịch Covid-19, Việt Nam là một trong những thị trường bảo hiểm có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới. Số liệu thống kê giai đoạn 2011 - 2019 cho thấy, tốc độ tăng trưởng bình quân doanh thu phí bảo hiểm thế giới là 3%/năm, còn Việt Nam là 20%/năm.
Hai năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch, tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm ở Việt Nam chỉ ở mức vài phần trăm, riêng năm 2021, chỉ tăng vỏn vẹn 1,7%. Nhưng sau khi Covid-19 cơ bản được kiểm soát, năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm đã phục hồi nhanh chóng, với mức tăng 16,2% toàn thị trường, riêng mảng phi nhân thọ tăng 17,3% so với năm 2021.
Mảnh đất nhiều đối thủ cạnh tranh
Mục tiêu duy trì tăng trưởng 2 con số vẫn được đề ra cho thị trường bảo hiểm còn nhiều dư địa phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, cạnh tranh vẫn là câu chuyện “nóng” trong ngành. Đến cuối năm 2022, thị trường bảo hiểm có 78 doanh nghiệp, bao gồm 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 26 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. Dù cơ quan quản lý chưa cấp thêm giấy phép thành lập sau sự ra đời của HD Insurance (năm 2020), các thương vụ M&A đã thay đổi “lõi” của nhiều doanh nghiệp.
Cạnh tranh gay gắt dẫn đến chi phí doanh nghiệp bảo hiểm chi trả cho kênh phân phối lớn. Lợi nhuận từ hoạt động bảo hiểm của không ít doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ năm 2022 đi xuống, dù doanh thu tăng lên.
Các “tân binh” không dễ tìm được vị thế dưới áp lực cạnh tranh. Báo cáo bộ phận năm 2022 của VPBank cho thấy, kết quả kinh doanh bộ phận này lỗ “nhẹ” (gần 6 tỷ đồng). Khoản đầu tư vào Bảo hiểm AAA của BCG cũng lỗ gần 35 tỷ đồng trên tổng vốn đầu tư gần 320 tỷ đồng trong năm tài chính đầu tiên “về chung nhà”.
Tuy nhiên, kết quả của vài năm đầu chưa thể phản ánh kết quả của thương vụ M&A. Sau thời gian đủ dài, nhiều cú bắt tay M&A đã cho thấy hiệu quả rõ rệt.
Đơn cử, hơn 7 năm sau khi Tập đoàn Tài chính FairFax (Fairfax Asia Limited) mua 35% cổ phần Bảo hiểm BIDV (BIC) thông qua hình thức chào bán cổ phần mới qua phát hành riêng lẻ, Tỷ suất Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROEA) tăng từ 7,72% trong năm 2015 lên hơn 12% trong năm 2022, dù từng có giai đoạn giảm khá trong 3 năm đầu. Năm 2019, ROEA của BIC có sự bứt phá đáng kể. Đây cũng là khoảng thời gian sau khi doanh nghiệp bảo hiểm này được A.M. Best nâng hạng tín nhiệm và nhận được hỗ trợ từ chuyên gia công nghệ thông tin của Fairfax để đầu tư hệ thống “ngân hàng lõi” (core).
Cũng có doanh nghiệp bảo hiểm sau thay đổi trong cơ cấu cổ đông đã xuất hiện những bất đồng khiến không ít kế hoạch HĐQT trình ra nhận phủ quyết từ cổ đông lớn. Điển hình như Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI), tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, các phương án chào bán cổ phiếu ra công chúng và phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ vốn chủ sở hữu, phát hành cổ phiếu ESOP đều bị phủ quyết. Hay tại PVI, doanh nghiệp này từng mất nhiều thời gian để chốt được phương án “nới” room ngoại lên 100%.
Thương vụ mới của DB Insurance nếu thành công có 2 điểm thuận lợi. Thứ nhất, hãng bảo hiểm Hàn Quốc sẽ nắm giữ tỷ lệ chi phối tại VNI, tránh được mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông lớn. Cùng đó, bản thân VNI đã có khoảng thời gian tích lũy, không phải “tân binh” trong ngành, thậm chí từng “đổi chủ” hơn 9 năm trước. Quy mô lợi nhuận khiêm tốn so với các doanh nghiệp bảo hiểm top đầu, nhưng tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận đều vượt đáng kể so với mức trung bình ngành. Tương lai của VNI hậu M&A vẫn là ẩn số khi những kế hoạch của “ông chủ” mới chưa được tiết lộ.
Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngay những ngày đầu tiên của năm 2023 đặt ra mục tiêu doanh thu ngành bảo hiểm tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 15%/năm và bình quân giai đoạn 2026 - 2030 là 10%/năm.
Trong đó, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam với thế mạnh về tăng trưởng vẫn đang thu hút sự chú ý của các dòng vốn đầu tư.