Dự thảo Luật được xây dựng trên tinh thần chú trọng tạo dựng các chính sách nhằm đảm bảo cho TTCK, thị trường vốn hoạt động công khai, minh bạch, đồng thời tạo môi trường thông thoáng hơn cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Với thị trường có 1.500 doanh nghiệp (DN) niêm yết, đăng ký giao dịch trên 2 Sở, trong đó có gần 30 DN có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD, sự quan tâm của dòng vốn ngoại đến TTCK Việt Nam ngày càng lớn.
Nhiều DN tên tuổi đã mang đến sự hấp dẫn cho TTCK Việt Nam như Vinamilk, Vingroup, Novaland, Sabeco, Vietnam Airline, Vietjet Air, Petrolimex, VPBank, hay mới đây là Techcombank, Vinhomes… Ðây là những DN giúp TTCK Việt Nam tăng giá trị vốn hóa, tăng vị thế thị trường và tăng sức cạnh tranh thu hút vốn trên trường quốc tế.
Dòng vốn ngoại không chỉ đầu tư tài chính đơn thuần, mà đặc biệt “khoái” đầu tư thông qua các hình thức M&A, mua thâu tóm DN. Thống kê của Nhóm nghiên cứu Diễn đàn M&A Việt Nam cho biết, có 4.353 thương vụ, với tổng giá trị M&A đạt 48,8 tỷ USD được thực hiện trong giai đoạn 2009-2018.
Quy mô thị trường năm 2017 tăng 10 lần so với năm 2009. Khối ngoại, đặc biệt là các nhà đầu tư từ Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động M&A tại Việt Nam.
Trên một thị trường 1.500 doanh nghiệp, việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, tiếp tục góp sức phát triển nền chứng khoán Việt Nam là một nhiệm vụ có ý nghĩa không nhỏ đến phát triển kinh tế đất nước.
Diễn đàn M&A Việt Nam 2018 - Diễn đàn ghi dấu ấn 10 năm Báo Ðầu tư và đối tác AVM tổ chức thường niên tại Việt Nam, sẽ chính thức diễn ra ngày 8/8/2018.
Nhà quản lý đang nỗ lực xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi, nhưng làm thế nào để tăng sức cạnh tranh cho thị trường vốn Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh huy động vốn trên thị trường tài chính toàn cầu ngày một khốc liệt, là một câu hỏi lớn hiện nay.
Tại nhiều diễn đàn đầu tư tổ chức trong những năm gần đây, Nhóm công tác thị trường vốn, mà chủ trì là ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital đã nêu quan điểm, nhà đầu tư nước ngoài cần một quy định rõ ràng, chi tiết về tỷ lệ tham gia sở hữu và các quyền bình đẳng khi rót vốn vào DN Việt Nam.
Ðây cũng là điểm Tổ chức xếp hạng quốc tế MSCI chọn làm căn cứ đánh giá để xem xét việc nâng hạng. Cùng với đó, môi trường đầu tư Việt Nam còn thiếu mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối và tổ chức luồng thông tin kết nối giữa các thị trường… Nếu các vấn đề chính sách được xử lý sớm, cũng là điểm để kỳ vọng MSCI tiến hành nâng hạng vào năm tới.
Thực tế, thị trường M&A Việt Nam tuy có tăng trưởng so với chính mình, nhưng quy mô vẫn ở mức nhỏ so với một số nước lân cận. Tổng giá trị M&A năm 2016 của thị trường Singapore đạt 62,3 tỷ USD, năm 2017 đạt 78,6 tỷ USD.
Riêng năm 2017, do có sự góp sức của thương vụ 5 tỷ USD bán cổ phần tại Sabeco, tổng giá trị M&A Việt Nam mới đạt trên con số 10 tỷ USD và tương đương với thị trường Malaysia (11,73 tỷ USD), Indonesia (10,76 tỷ USD), còn các năm trước vẫn xếp sau khá xa các thị trường khu vực.
Diễn đàn M&A Việt Nam 2018 - Diễn đàn ghi dấu ấn 10 năm Báo Ðầu tư và đối tác AVM tổ chức thường niên tại Việt Nam, sẽ chính thức diễn ra ngày 8/8/2018.
Câu chuyện Chính phủ, các bộ, ngành đang làm gì để tạo không gian mới hấp dẫn các dòng vốn, nhất là các dòng vốn chuyên nghiệp, vốn quốc tế chảy mạnh qua M&A sẽ là một chủ đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Nhà đầu tư luôn kỳ vọng chính sách sẽ đi trước và giải tỏa những điểm nghẽn, để tạo con đường cho các nguồn lực phù hợp gặp nhau và cùng hợp sức tạo nên giá trị mới.