Mã DHC “tím ngắt” khi cổ đông lớn thoái vốn

Mã DHC “tím ngắt” khi cổ đông lớn thoái vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngay sau khi nhóm cổ đông SSIAM thoái toàn bộ hơn 11 triệu cổ phiếu trong phiên 8/7/2020, giá cổ phiếu DHC của CTCP Đông Hải Bến Tre (DHC) có nhiều phiên bứt phá mạnh…

Cụ thể, DHC đã tiến sát vùng đỉnh 52 tuần là 41.850 đồng/CP, đạt mức tăng khoảng 17% trong 4 ngày giao dịch gần nhất (tính đến 13/7). Ði kèm động thái thoái vốn của SSIAM là các giao dịch đăng ký mua vào của cổ đông nội bộ.

Thời gian qua, DHC chứng kiến sự biến động mạnh trong cơ cấu cổ đông khi các cổ đông lớn đồng loạt công bố thoái vốn trong giai đoạn từ ngày 7/7 đến 5/8/2020. Theo công bố, nhằm cơ cấu lại danh mục đầu tư, ngày 8/7, SSIAM và quỹ Daiwa-SSIAM đã thoái toàn bộ 11,2 triệu cổ phiếu, tương ứng 19,9% cổ phần.

Trong đó, SSIAM bán 3,5 triệu cổ phiếu, tương ứng 6,225% cổ phần và Daiwa-SSIAM Vietnam Growth Fund II  bán 7,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 13,69% cổ phần theo phương thức thỏa thuận.

Trong phiên 8/7, DHC xuất hiện giao dịch thỏa thuận cùng với khối lượng hơn 11,25 triệu cổ phiếu, đúng bằng số lượng nhóm SSIAM đăng ký bán.

Ðiều đáng chú ý, tổng giá trị giao dịch thỏa thuận là gần 371,95 tỷ đồng, tính ra giá bán trung bình đúng bằng mức giá sàn trong phiên 33.050 đồng/CP. Trong khi đó, giá đóng của phiên 8/7 của DHC ở mức giá “tím ngắt” 37.950 đồng/CP.

Nhóm SSIAM là cổ đông của DHC từ năm 2016, khi đó giá cổ phiếu chỉ quanh vùng 18.000 đồng/CP (tính theo giá điều chỉnh cổ tức). Với mức giá bán hôm 8/7, cổ đông này đã lãi gấp đôi khoản đầu tư sau 4 năm.

Trước đó, nhóm cổ đông SSIAM đã muốn bán hết cổ phần tại DHC trong tháng 4/2020, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, ở thời điểm đó có thể chưa chốt được đối tác và mức giá chuyển nhượng.

Tuy nhiên, câu chuyện đến nay đã rõ ràng hơn, khi nhóm SSIAM đã tiến hành thoái xong vốn và cũng đã xuất hiện nhân sự mới trong HÐQT DHC và các giao dịch của cổ đông lớn, cổ đông nội bộ.

Cụ thể, diễn biến đáng chú ý khác, ÐHCÐ DHC diễn ra cuối tháng 6 vừa qua đã tiến hành bầu thêm thành viên HÐQT.

Theo đó, ông Marco Martinelli, Giám đốc Quỹ đầu tư Turicum Investment Management AG (TIM), Thụy Sĩ đã trúng cử. Ông này cũng đã đăng ký mua 80.000 cổ phiếu DHC trong thời gian đăng ký bán của nhóm SSIAM.

Ðộng thái này cho thấy quỹ trên đang có sự quan tâm nhất định với DHC, khả năng sẽ cân nhắc đầu tư thêm và gắn bó với doanh nghiệp.

Cùng ngày 2 tổ chức trên bán ra, quỹ ngoại Kwe Beteiligungen AG thông báo đã mua vào gần 4 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu tại DHC từ 3,9 triệu cổ phiếu, tương ứng 7,01% lên 12,38%.

Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Thành viên HÐQT DHC đã bán 1.256.100 cổ phiếu giảm tỷ lệ sở hữu từ 2,6% xuống còn 0,36%, tương đương nắm giữ hơn 200.000 cổ phiếu sau giao dịch.

Tuy nhiên, mới đây nhất, ông Nghĩa lại đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu qua phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận, từ ngày 14/7 đến 13/8. Nếu giao dịch thực hiện thành công, ông Nghĩa sẽ nâng lượng nắm giữ lên 2,2 triệu đơn vị, tương đương 3,9% vốn.

DHC được biết đến là doanh nghiệp có hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất giấy kraft, bao bì carton, có thị phần lớn trong mảng bao bì cho ngành thủy, may mặc, dược phẩm.

Tổng công suất sản xuất giấy draft đạt mức 280.000 tấn/năm sau khi Nhà máy Giao Long giai đoạn 2 công suất 220.000 tấn/năm đưa vào hoạt động vào 09/2019.

Nhà máy này vừa sản xuất giấy công nghiệp cung cấp ra thị trường, vừa cung cấp nguyên liệu đầu vào cho chính nhà máy.

Quý I/2020, DHC đạt doanh thu 671 tỷ đồng, gấp 3,2 lần; lợi nhuận sau thuế 89 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ năm ngoái. Nhờ nhà máy này đi vào hoạt động, nâng cao công suất, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 18,3% quý I/2019 lên 24,2% quý I/2020.

Năm 2020, DHC đặt kế hoạch doanh thu 2.338 tỷ đồng, tăng mạnh 63%; lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng, chỉ tăng 10,5% năm trước; tỷ lệ cổ tức 30%.

Tin bài liên quan