Nhiều kinh nghiệm quý trong M&A được các diễn giả chia sẻ tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2021.

Nhiều kinh nghiệm quý trong M&A được các diễn giả chia sẻ tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2021.

M&A: Để 1+1 cho kết quả lớn hơn 2

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nếu không có những chiến lược bài bản, đôi khi kèm cả chút may mắn, rất có thể các thương vụ M&A sẽ trở thành điểm gợn trong quá trình phát triển của doanh nghiệp.

Được và mất của M&A

Theo một nghiên cứu của Đại học Havard, tỷ lệ thất bại của các thương vụ M&A lên tới 75 - 90%. Con số này cho thấy, mặc dù mục đích hướng tới của các nhà quản trị khi thực hiện các thương vụ M&A rất rõ ràng nhằm cộng hưởng doanh thu và tiết kiệm chi phí quy mô lớn, nhưng những thách thức đôi khi cũng rất lớn.

Novaland, một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất tại Việt Nam đã cởi bỏ “chiếc áo cũ” qua hàng loạt thương vụ tái cấu trúc, mua bán và sáp nhập đình đám trong vài năm trở lại đây thành Nova Group.

Thế nhưng, chia sẻ tại Diễn đàn M&A 2021 vừa qua, ông Nguyễn Thái Phiên, Phó tổng giám đốc Nova Group cho biết, việc tìm kiếm các mảnh ghép là cả một quá trình đầy gian truân và để phép cộng 1+1 có thể lớn hơn 2 là điều không dễ dàng.

Ba năm trước, NovaGroup mua lại 51% vốn của một công ty gia đình chuyên cung cấp dịch vụ thi công cảnh quan tại các dự án bất động sản. Những hạng mục thi công dịch vụ cảnh quan tại các dự án của Novaland được giao cho công ty này phụ trách.

Sau khi trở thành một mảnh ghép trong hệ sinh thái bất động sản của NovaGroup, từ mức trung bình hàng năm khoảng 20 tỷ đồng, đến nay, doanh số của công ty này đã cán mốc 250 tỷ đồng.

“Nhưng một thương vụ thành công như vậy thực là rất hiếm hoi”, ông Phiên chia sẻ và cho biết, cũng có những thương vụ Nova Group phải dừng lại giữa chừng khi xác định rằng giá trị cộng hưởng sẽ không được như mong muốn.

Chiến lược phát triển đa ngành đang được hàng loạt tập đoàn tư nhân lựa chọn. Về lý thuyết, M&A trở thành công cụ được ưu tiên theo nguyên tắc cộng sinh, gia tăng giá trị sẵn có, chứ không phải để thôn tính, triệt tiêu, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đã tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mở rộng quy mô hoạt động thông qua mua cổ phần, dự án, hướng tới thâu tóm - sáp nhập (M&A).

Tuy nhiên, một vấn đề với không ít doanh nghiệp khi tham gia vào các thương vụ M&A là luôn đặt vấn đề mục tiêu doanh thu và lợi nhuận mà quên đi các mục tiêu dài hạn. Liệu thương vụ M&A đó có gắn liền với mục tiêu dài hạn của doanh nghiệp hay không?

Hay giá trị giao dịch M&A có thực sự bao trùm cả những giá trị vô hình, những tiềm năng mà doanh nghiệp M&A đó mang lại. Một vấn đề lớn với các thương vụ M&A hiện nay là câu chuyện khác biệt về tầm nhìn và chiến lược phát triển, đặc biệt là với các thương vụ thuộc lĩnh vực bất động sản.

Theo ông Trương An Dương, Giám đốc Khối bất động sản nhà ở, Công ty Fraser Property Vietnam, câu chuyện thành công của các thương vụ “hôn phối” đòi hỏi nhà đầu tư phải có tầm nhìn, kỹ năng quản trị và cả chiến lược đầu tư hiệu quả cho công ty mục tiêu hậu M&A. Đặc biệt, với các thương vụ M&A bất động sản, một dự án được phát triển mạnh mẽ hậu M&A mới chính là câu trả lời cho giao dịch M&A trước đó có thành công hay không.

Tuy nhiên, trước đó, bản thân Frasers cũng phải vượt qua được những trở ngại nội bộ về khác biệt suy nghĩ trong chiến lược phát triển để hạn chế được những rủi ro lớn nhất có thể dẫn đến việc thực thi sai các chiến lược M&A ngay từ giai đoạn đầu.

Minh bạch là chìa khóa cho M&A thành công

Rủi ro lớn nhất với nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản hiện nay là thị trường nhạy cảm và yêu cầu tính bảo mật cao. Thông tin chuyển nhượng dự án không thể được công khai trên thị trường hoặc qua các phương tiện thông tin đại chúng. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc trực tiếp tìm kiếm đối tác.

Trong khi đó, ở các mảng lĩnh vực khác, việc bất cân xứng thông tin mang tính quan trọng trong nội bộ doanh nghiệp cũng là điều dẫn đến các thương vụ M&A không thành công.

Khi chấp nhận bán dự án của mình là lúc các doanh nghiệp nhỏ không chỉ gặp khó khăn về nguồn vốn, mà còn hụt hơi về tầm nhìn chiến lược, cũng như hệ thống khả năng quản trị, vận hành thiếu hiệu quả.

Vì vậy, yếu tố tiên quyết là cả hai phải chung tầm nhìn, thành thật và minh bạch thông tin trong suốt quá trình thực hiện thương vụ. Tuy nhiên, điều này chưa được nhiều lãnh đạo doanh nghiệp xác định một cách rõ ràng.

Theo ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam, Campuchia, lẽ thường tình, nhà đầu tư có xu hướng tìm đến các đối tác mà họ có thể tin tưởng.

Do đó, trong M&A, doanh nghiệp càng minh bạch thông tin, đối tác và các nhà đầu tư càng được thuận lợi trong việc thẩm định, rà soát và định giá doanh nghiệp, tránh các rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt là về mặt pháp lý.

Có thể nói, minh bạch hoá hoạt động kinh doanh là một yếu tố quyết định giúp doanh nghiệp có thể “bán mình” với giá cao. Mua một doanh nghiệp là chuyện không hề đơn giản.

Nhà đầu tư phải bỏ tiền thật ở hiện tại nhưng lại không thể biết chắc khoản đầu tư có sinh lời hay không trong tương lai.

Nếu doanh nghiệp xác định được hướng phát triển rõ ràng và có báo cáo tài chính đủ minh bạch, không có vấn đề rủi ro trong thuế và pháp lý, sẽ giúp tạo lòng tin đối với nhà đầu tư, tạo điều kiện để chủ đầu tư định giá doanh nghiệp.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn duy trì việc sử dụng hai hệ thống sổ sách kế toán không thống nhất, một để báo cáo thuế, một để làm việc với ngân hàng hoặc khi chào đầu tư, dẫn đến sự mơ hồ trong thông tin về thực tế hoạt động.

Điều này khiến cho rủi ro cho các thương vụ hậu M&A là rất lớn. Câu chuyện gian lận sổ sách tài chính của Gỗ Trường Thành cách đây vài năm khi bán cổ phần cho Vingroup vẫn để lại hậu quả cho tới ngày nay.

Theo bà Võ Hà Duyên, Chủ tịch Công ty luật Vilaf, năm 2022, các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương quan trọng đã và sắp có hiệu lực sẽ thúc đẩy sản xuất trong nước và xuất khẩu khiến doanh nghiệp Việt Nam hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư ngoại, đồng thời cũng cải thiện khả năng tiếp cận thị trường Việt Nam đối với các đối tác nước ngoài.

Cơ hội đang rộng mở với hoạt động M&A, liên kết, hợp tác cùng phát triển, thế nhưng khi đó, các đối tác ngoại cũng sẽ đòi hỏi nhiều hơn với các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là tính minh bạch trong quản trị hoạt động.

Tin bài liên quan