Không gian kinh tế mở tạo cơ hội lớn cho M&A
Phát biểu tại Diễn đàn M&A 2016 do Báo Đầu tư và AVM tổ chức ngày 18/8, điểm chung nhất trong nhận định của các chuyên gia, nhà quản lý là việc tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các FTA với EU, Hàn Quốc… đang mở ra một không gian kinh tế mới, hứa hẹn sẽ thúc đẩy quá trình dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế vào khu vực ASEAN - một thị trường với dân số hơn 600 triệu người, nguồn lao động trẻ, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng mạnh - trong đó có Việt Nam thông qua hình thức M&A.
“Không gian kinh tế mở” đang mở ra nhiều cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực bán lẻ, tiêu dùng, công nghiệp, bất động sản, nông nghiệp, cơ hội thu hút các dòng vốn ngoại cũng như cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời, các doanh nghiệp nhà nước cũng có cơ hội lớn để thực hiện các mục tiêu thoái vốn, cổ phần hóa.
Đánh giá triển vọng các dòng vốn M&A từ Nhật Bản, ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc điều hành cao cấp, Tập đoàn Recof cho biết, các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm thị trường Việt Nam hơn trong mối tương quan với các thị trường khác. 80% vốn đầu tư của Tập đoàn Recof hiện nay được thực hiện ở Việt Nam, cao hơn cả thị trường Nhật.
“Chúng tôi đặt kỳ vọng cao ở thị trường mới nổi như Việt Nam và mục tiêu của Recof đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam”, ông Masataka nói. Vậy tại sao chọn Việt Nam? Ông Masataka cho rằng, Việt Nam đứng thứ nhì giữa các nước mục tiêu mà tổ chức của ông nhắm đến. Ông chia sẻ, đối với nhà đầu tư Nhật, không chỉ những công ty lớn mới để mắt đến doanh nghiệp Việt Nam, mà ngay cả các doanh nghiệp nhỏ của Nhật Bản cũng đang nhắm đến doanh nghiệp Việt.
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (thứ tư từ trái sang) cùng các chuyên gia, nhà quản lý phân tích bức tranh tổng thể của thị trường M&A trong khu vực và Việt Nam năm 2016
Ông Seck Yee Chung, Luật sư điều hành Bakers & McKenzie đưa ra nhận định, các yếu tố tạo nên sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam nằm ở điểm: Việt Nam là một trong những thị trường mới nổi, trong cộng đồng ASEAN và nhiều nhà đầu tư chọn Việt Nam là điểm để bước chân vào ASEAN. Tuy nhiên, theo ông Chung, thách thức vẫn còn, trong đó có các vấn đề về thủ tục pháp lý và tiến trình cổ phần hóa còn chậm so với cam kết là những rủi ro cho nhà đầu tư. Mặt khác, trong quá trình đàm phán cũng như sau M&A, các ông chủ vẫn phải đối mặt với nhiều bất cập về khả năng tổ chức lại, tạo động lực tăng trưởng mới. Nếu không giải quyết được thì không thể gọi là thành công.
Giám đốc Tư vấn tài chính và Mua bán doanh nghiệp, Công ty TNHH Thuế và Tư vấn KPMG, ông Lê Hoàng đánh giá, nền kinh tế Việt Nam có sức hấp dẫn thể hiện qua tốc độ tăng trưởng GDP cao, lạm phát ổn định cùng một cơ cấu dân số vàng. Đây là những nhân tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng của các giao dịch M&A, về cả khối lượng lẫn giá trị giao dịch. Xu hướng này tiếp tục diễn ra trong nửa đầu năm 2016, với nhiều thương vụ lớn như Big C được Central Group mua lại (1,145 tỷ USD), T Singha đầu tư vào Tập đoàn Masan (1,1 tỷ USD) và chuỗi siêu thị Metro được bán lại cho Công ty TTC Holding (675 triệu USD)…
Tổng giá trị của 3 thương vụ này (3,1 tỷ USD) chiếm tới 94% tổng giá trị các thương vụ trong nửa đầu năm 2016, trong khi có 130 thương vụ được ghi nhận hoàn tất. Qua đó đã cho thấy, sức ảnh hưởng mạnh mẽ của một số giao dịch lớn điển hình đến thị trường M&A Việt Nam trong năm 2015 và đặc biệt là nửa đầu năm 2016.
KPMG kỳ vọng vào sự gia tăng số lượng giao dịch M&A sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt là trong ngành bán lẻ, bất động sản, công nghiệp sản xuất và hàng tiêu dùng. Cũng theo KPMG, sự tham gia của Việt Nam trong TPP, AEC và EVFA sẽ tạo nên một lực đẩy cho các thương vụ M&A trong năm 2016 và 2017.
Sôi động ở bán lẻ, bất động sản, ngân hàng…
Nhà đầu tư tại Thái Lan, Nhật Bản, Singapore vẫn là những người mua chủ yếu tại thị trường Việt Nam. Trong khi Nhật Bản tham gia đầu tư chiến lược vào các công ty hàng không, xăng dầu, dược phẩm, thì Singapore nổi lên với những thương vụ bất động sản thương mại và Thái Lan tiếp tục tập trung vào mảng bán lẻ với mục tiêu mở rộng thị trường. Các ngành bán lẻ, công nghiệp tiêu dùng, bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam. Đây cũng là những lĩnh vực thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các nhà đầu tư có tiềm lực trong nước.
Riêng với ngành ngân hàng, ngành đã bước vào ổn định dần sau các thương vụ tái cấu trúc và sắp xếp lại, phát biểu tại Diễn đàn M&A 2016, ông Bùi Huy Thọ, Vụ trưởng Vụ Quản lý cấp phép các TCTD và hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, NHNN cho biết, M&A lĩnh vực ngân hàng hiện nay tuy không sôi động như trước, song vẫn có một số thương vụ thành công, như sáp nhập các công ty tài chính vào ngân hàng. Đối với các ngân hàng nhỏ, yếu kém, không thể tự tái cấu trúc bằng nội lực, NHNN đã tiến hành mua lại với giá 0 đồng.
Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc, tạo sự lành mạnh trong hệ thống cho đến khi không còn các tổ chức tín dụng yếu kém. NHNN mong muốn sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình tái cấu trúc các ngân hàng nhỏ, yếu kém cũng như tham gia góp vốn mua cổ phần ở những ngân hàng quy mô, tăng trưởng. Ông tin tưởng rằng, hoạt động M&A ở lĩnh vực tài chính, ngân hàng sẽ còn có những cơ hội lớn và tiếp tục sôi động.
Đối với mảng bán lẻ, không chỉ có nhà đầu tư Thái Lan, ông Masataka “Sam” Yoshida cho biết, đây là mảng được các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm rất lớn, tiêu biểu là thương vụ Aeon. Thị trường bán lẻ của Việt Nam đã mở cửa nên sự quan tâm của nhà đầu tư Nhật ngày càng nhiều hơn khi Việt Nam được xem là điểm đến, thu hút nguồn vốn lớn của nhà đầu tư Nhật.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, thị trường bán lẻ của Việt Nam không chỉ hiện nay mới hấp dẫn mà cách đây hơn 10 năm đã được nhận định như vậy. Với một thị trường hơn 90 triệu dân, tầng lớp dân số trẻ thì thị trường được đánh giá tiềm năng cũng không có gì khó hiểu. Việt Nam cũng đang trong quá trình đô thị hóa, vì thế khả năng tăng trưởng về bán lẻ còn rất lớn. Hiện các hình thức bán lẻ hiện đại của Việt Nam vẫn còn đang ở tỷ lệ rất thấp so với thế giới. Điều này cũng sẽ hấp dẫn đối với nhà đầu tư ngoại.
Với việc mở cửa thị trường, phân phối trong lĩnh vực bán lẻ, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức được thách thức phải đối mặt. Các doanh nghiệp Việt Nam có những bất lợi nhất định khi còn đi theo xu hướng bán lẻ truyền thống, thay vì bán lẻ hiện đại như làn sóng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này của Việt Nam. Tuy nhiên, chính nhờ những áp lực này đã tạo ra động lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước. Có như vậy, các doanh nghiệp mới đẩy mạnh tăng trưởng. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng tranh thủ thông qua hình thức M&A để tăng trưởng về quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Các chuyên gia M&A cho rằng, ngoài việc tạo hành lang pháp lý, Chính phủ cần có chính sách cụ thể để thu hút vốn ngoại vào lĩnh vực bán lẻ. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thu hút nguồn vốn của nhà đầu tư trong nước vào lĩnh vực này để tạo ra các tập đoàn vững mạnh.
Ngoài bán lẻ, bất động sản cũng được đánh giá là lĩnh vực sẽ thúc đẩy M&A sôi động. Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE Vietnam cho rằng, với các dự án lớn, muốn M&A cũng không hẳn là điều dễ dàng, bởi còn vướng pháp lý.
“Thị trường bất động sản Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, do không có thị trường nào trong khu vực hấp dẫn hơn. Nhưng để thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài tham gia, yếu tố đầu tiên là cần minh bạch”, ông Marc nói.
Hiện thị trường bất động sản Việt Nam được đánh giá là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài với dự báo mức sinh lời sẽ tốt hơn thị trường Nhật Bản, Singapore…, do nhu cầu về nhà ở của giới trẻ Việt Nam còn rất lớn. Tuy nhiên, điều mà Chính phủ cần làm, theo ông Marc, là cần tạo hàng lang pháp lý, các thông tư hướng dẫn đối với nhà dầu tư nước ngoài cũng cần được minh bạch, rõ ràng, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào Việt Nam thông qua hoạt động M&A.
Nếu Việt Nam cải cách sự minh bạch và có khung pháp lý nhất quán, hoạt động M&A được nhận định sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng mới, với tổng giá trị các thương vụ năm 2016 có thể đạt mức 6 tỷ USD.