Tổng vốn điều lệ của 12 ngân hàng nhóm cuối là 40.000 tỷ đồng, chỉ hơn vốn điều lệ của VietinBank khoảng 3.000 tỷ đồng

Tổng vốn điều lệ của 12 ngân hàng nhóm cuối là 40.000 tỷ đồng, chỉ hơn vốn điều lệ của VietinBank khoảng 3.000 tỷ đồng

M&A, con đường ngắn nhất tái cơ cấu tổ chức tín dụng

(ĐTCK) Một lãnh đạo cao cấp NHNN cho biết, riêng trong 6 tháng đầu năm 2015, NHNN tiếp tục đẩy mạnh chủ trương sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD với sự tham gia của các NHTM nhà nước và một số NHTM cổ phần lớn nhằm tăng quy mô của các NHTM, đặc biệt là xử lý NHTM cổ phần yếu kém… 
 

Đồng thời, tích cực triển khai các trường hợp sáp nhập, hợp nhất, mua lại giữa các TCTD khác gắn với việc triển khai thực hiện các giải pháp thoái vốn… Do đó, từ năm 2011 đến 15/6/2015, toàn hệ thống đã giảm 15 TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo đánh giá của Moody’s, việc tăng cường sáp nhập các ngân hàng của Việt Nam là một tín hiệu tích cực, bởi nó giúp loại bỏ một số ngân hàng yếu kém, trong đó có những ngân hàng yếu nhất trong hệ thống.

“Một vài trong số các ngân hàng này là những TCTD có quy mô nhỏ và thiếu vốn, việc giảm số lượng các ngân hàng này sẽ giúp tránh lây lan nguy cơ rủi ro cho toàn hệ thống”, Moody’s nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế phân tích, quá trình M&A giúp rút ngắn chặng đường phát triển của một ngân hàng. Cụ thể, theo ông Hiếu, một ngân hàng có hai quá trình tăng trưởng: tăng trưởng sinh học, đó là hoạt động có lợi nhuận, phát triển chi nhánh, tăng vốn, mở rộng mạng lưới, khách hàng… Đây là quá trình phát triển rất lâu dài, có thể phải đến 10 năm mới đạt được mục tiêu đặt ra; tăng trưởng qua M&A, số lượng giao dịch khách hàng, mạng lưới, vốn… với thời gian có thể nhanh gấp đôi với những công việc đáng nhẽ phải thực hiện từ 5 - 10 năm.

“Hiện hệ thống ngân hàng hiện còn khoảng 30 TCTD. Mục tiêu tái cơ cấu sẽ đưa hệ thống còn khoảng 17 ngân hàng tới năm 2018, như vậy trong 2 năm tới, mỗi năm sẽ phải xóa sổ 5 ngân hàng. Rõ ràng, M&A là con đường nhanh nhất để thực hiện việc này”, TS. Hiếu nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc E&Y Việt Nam cho biết, sau 3 năm tái cơ cấu, thông qua các thương vụ M&A, thị trường ngân hàng đã dần được sắp xếp lại theo một trật tự mới xét theo quy mô vốn điều lệ. Cụ thể, có 7 ngân hàng đạt số vốn điều lệ lớn hơn 10.000 tỷ đồng, 11 ngân hàng có số vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng đến 10.000 tỷ đồng và 12 ngân hàng có số vốn điều lệ dưới 5.000 tỷ đồng (không tính Southern Bank và 3 ngân hàng được NHNN mua lại với giá 0 đồng).

“Tổng vốn điều lệ của 12 ngân hàng nhóm cuối là 40.000 tỷ đồng, chỉ hơn vốn điều lệ của VietinBank khoảng 3.000 tỷ đồng. Điều này dẫn tới dự báo về yêu cầu sáp nhập vẫn chưa dừng lại”, bà Dương nói.

Thực tế cho thấy, với quy mô vốn tương đối hạn hẹp, nhóm các ngân hàng nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực cạnh tranh để phát triển. Do đó, tương lai phía trước của nhóm ngân hàng này vẫn là sự dịch chuyển mạnh mẽ thông qua các thương vụ sáp nhập. “Như vậy, có thể thấy, ‘liên minh’ sẽ là xu hướng dịch chuyển tất yếu của tương lai, khi mà ‘sân chơi’ dày kín các gã khổng lồ với sức mạnh vượt trội và mức độ bao phủ rộng lớn”, bà Dương nói.

Về phía các ngân hàng Top đầu không phải chịu áp lực về vốn như các nhóm khác, nhưng lại phải chịu sức ép định hướng thị trường, tiên phong trong việc hỗ trợ hệ thống phát triển an toàn và bền vững, đúng như vai trò của những ngân hàng dẫn đầu. Đối với các NHTM có vốn nhà nước chi phối, trong thời gian tới, nếu một số thương vụ M&A vẫn diễn ra, thì mục đích chủ yếu chắc chắn vẫn là hỗ trợ NHNN nhằm sắp xếp và củng cố lại thị trường.

Bà Dương cho rằng, M&A rõ ràng sẽ là phương án tốt cho các TCTD trong việc tăng quy mô, vì điều này sẽ giúp cho việc đầu tư vào công nghệ mạnh hơn khi quy mô ngân hàng đủ lớn. Thông thường, các giải pháp lớn, tốt thường dành cho ngân hàng quy mô lớn và M&A giúp cho quy mô tăng lên, tập trung được nhân lực của cả hai tổ chức, công nghệ, vốn… Đây cũng là quy luật vận động và phát triển tất yếu của bất kỳ nền kinh tế nào.

“Tuy nhiên, tăng trưởng về quy mô phải là tăng trưởng thực chất về vốn, không bỏ qua việc cân nhắc đến tình trạng nợ xấu hoặc những tài sản không sinh lời. Các ông chủ ngân hàng cần tỉnh táo, bởi M&A có thể là con đường ngắn nhất để sống nhưng cũng có thể là con đường ngắn nhất để chết”, bà Dương khuyến nghị.   

Tin bài liên quan