Bất động sản vận hành được nhà đầu tư ngoại quan tâm. Ảnh: Dũng Minh

Bất động sản vận hành được nhà đầu tư ngoại quan tâm. Ảnh: Dũng Minh

M&A bất động sản: Cuộc tái thiết đang "chạy nước rút"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không còn là đồn đoán, các thương vụ M&A dự án lớn đã chính thức “lộ sáng” và kết quả thu được mang đến sự tin tưởng hơn vào việc thị trường sớm hoàn tất cuộc tái thiết để bước vào giai đoạn mới.

Hoàn tất các thương vụ “khủng”

UBND tỉnh Bình Dương mới có quyết định chấp thuận cho Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (Becamex IDC) chuyển nhượng toàn bộ dự án Khu đô thị - nhà ở phức hợp Tân Thành Bình Dương, phường Hoà Phú, TP. Thủ Dầu Một cho Công ty TNHH Sycamore (thuộc hệ sinh thái CapitaLand).

Dự án này có quy mô 18,9 ha, toạ lạc tại 7 lô đất thuộc Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương do Becamex IDC làm chủ đầu tư, giá trị chuyển nhượng là 5.085 tỷ đồng. Tổng diện tích xây dựng tại dự án Tân Thành Bình Dương là 539.000 m2 với 462 căn nhà thấp tầng và 3.300 căn hộ chung cư, tổng mức đầu tư lên tới hơn 13.600 tỷ đồng.

Trong một diễn biến khác, thông qua thương vụ thâu tóm Công ty Bất động sản Tâm Lực giá trị gần 316 triệu USD, Gamuda đã chính thức sở hữu dự án đắc địa tại TP. Thủ Đức, TPHCM. Gamuda dự định phát triển khu đất này thành một dự án cao tầng hỗn hợp bao gồm 1.968 căn hộ độc quyền, 12 căn penthouse, 51 cửa hàng tại khối đế và 21 căn shophouse ở cả 6 tòa tháp cao 40 tầng. Dự án dự kiến hoàn thiện và mở bán trong 5 năm.

Nhà đầu tư gốc Á tích cực “chớp thời cơ” mua lại những dự án phù hợp. Ảnh: Dũng Minh

Nhà đầu tư gốc Á tích cực “chớp thời cơ” mua lại những dự án phù hợp. Ảnh: Dũng Minh

Trước thời điểm bị thâu tóm, Công ty Bất động sản Tâm Lực là chủ đầu tư dự án với tên pháp lý là Khu nhà ở Tâm Lực, tên thương mại là The Riverdale, tổng giá trị phát triển được công bố là 1,1 tỷ USD. Hiện dự án được Gamuda đổi tên thành thành Eaton Park và động thổ vào ngày 8/12/2023 vừa qua.

Theo các đơn vị tư vấn đầu tư, thương vụ Gamuda thâu tóm Bất động sản Tâm Lực là thương vụ M&A lớn thứ hai trong lĩnh vực bất động sản và lớn thứ 4 trong nhóm các thương vụ M&A lớn nhất Việt Nam sau 10 tháng đầu năm 2023.

Bà Trang Lê - Giám đốc cấp cao Khối Nghiên cứu và tư vấn JLL Việt Nam đánh giá, dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào bất động sản giai đoạn vừa qua khá đa dạng, nếu như trước đây chủ yếu là bất động sản nhà ở và tập trung tại 2 khu vực chính là Hà Nội và TP.HCM, thì nay có nhiều loại hình bất động sản được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, bao gồm cả bất động sản vận hành (văn phòng, khu công nghiệp, nhà kho, nhà xưởng…) ở nhiều khu vực, nhiều địa phương khác nhau, hay trước đây vốn đổ vào phân khúc nhà ở chỉ là những dự án nhỏ lẻ, thì hiện nay sự quan tâm lại là mô hình đô thị.

Cũng theo đại diện JLL, thị trường Việt Nam vốn có độ mở lớn nên sự xuất hiện của các mô hình bất động sản mới cũng rất nhanh, đòi hỏi năng lực của nhà quản lý phải theo kịp cái mới, phải nhanh - mạnh để bắt kịp sự thay đổi của thị trường.

“Khi trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi thấy rằng, họ muốn chúng ta phải thay đổi nhanh hơn nữa. Vài tháng trở lại đây, họ thường nhìn vào các chỉ số kinh tế để so sánh với các quốc gia khác về cơ cấu kinh tế, nhân khẩu học…, thì Việt Nam luôn được quan tâm hàng đầu”, bà Trang Lê cho hay.

Dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục chảy mạnh

Theo bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Công ty Cushman & Wakefield Việt Nam, từ đầu năm 2023 tới nay, dù đối diện với nhiều thách thức, nhưng thị trường vẫn ghi nhận nhiều giao dịch đầu tư và M&A dự án nổi bật. Trong đó, các loại tài sản bất động sản chiếm tỷ lệ lớn nhất trong các lĩnh vực được giao dịch với 25 thương vụ. Tổng giá trị các giao dịch đầu tư và M&A bất động sản đã được công bố tạm tính từ đầu năm đến nay đạt 729 triệu USD. Các nhà đầu tư nước ngoài tích cực “chớp thời cơ” mua lại những dự án phù hợp, qua đó thúc đẩy số lượng giao dịch do nhà đầu ngoại thực hiện chiếm hơn 90% tổng số các giao dịch, chủ yếu là nhà đầu tư gốc Á đến từ Singapore, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.

“Cushman & Wakefield cũng nhận thấy các giao dịch đầu tư và M&A bất động sản trong năm 2023 tuy có tổng quy mô và giá trị nhỏ hơn năm 2022, nhưng vẫn cao hơn so với mức bình quân toàn thị trường”, bà Trang Bùi nói, đồng thời chia sẻ thêm, hiện là thời điểm phù hợp để các doanh nghiệp tăng cường các hoạt động thâu tóm hoặc liên kết hợp tác, đặc biệt là những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh. Bởi hiện nay, mặt bằng lãi suất đã giảm, nhiều quy định mới nhằm gỡ vướng cho dự án bất động sản đã được ban hành, bên cạnh nhiều giải pháp tích cực khác mà Chính phủ đang thực hiện để cải thiện tính minh bạch, sự thượng tôn pháp luật cũng như môi trường kinh doanh nói chung, từ đó giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc mở rộng thị trường và liên kết hợp tác.

Cushman & Wakefield dự báo sẽ có một lượng lớn nguồn vốn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024-2026, trong đó nhiều giao dịch đang trong quá trình đàm phán. Các mục tiêu đầu tư tiếp tục hướng đến tìm kiếm những quỹ đất sạch và có tiềm năng phát triển.

Theo các thành viên thị trường, năm 2023 trong mắt các nhà đầu tư được xem như giai đoạn “đề-pa”, chuẩn bị cho năm 2024 với nhiều bước chuyển mạnh mẽ.

Ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam cho rằng, mặc dù có áp lực ngắn hạn về lạm phát cũng như sự sụt giảm về sản xuất và xuất khẩu, thế nhưng triển vọng trung hạn của Việt Nam vẫn tích cực. Dòng vốn FDI vào Việt Nam đang cho thấy nhiều cơ hội hứa hẹn, các dự án mới đăng ký và vốn đăng ký mới đều tăng mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất. Những cải tiến về phát triển hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính và đầu tư vào trung tâm sáng tạo tại Việt Nam… đang góp phần giúp thị trường trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư quốc tế.

Theo đại diện Savills Việt Nam, với bối cảnh hiện tại, Việt Nam nổi lên trong bức tranh đầu tư toàn cầu về khả năng phục hồi cũng như sự thay đổi linh hoạt trước các xu hướng phát triển kinh tế. Savills Việt Nam ghi nhận có một số giao dịch M&A dự án giá trị lớn tại Việt Nam, chẳng hạn Công ty TNHH Everland Opportunity IX mua lại 3 khách sạn tại Việt Nam và Indonesia từ Công ty TNHH Strategy Hospitality Holdings Ltd (Việt Nam) với giá 106 triệu USD, bao gồm Khách sạn Ibis Saigon South (Việt Nam), Khách sạn Capri by Frasers (Việt Nam) và Khách sạn Pullman Jakarta Central Park (Indonesia); Tập đoàn Keppel và Quỹ Keppel Việt Nam mua lại 49% cổ phần trong 2 dự án khu dân cư với diện tích 11,8 ha từ Tập đoàn Khang Điền với giá 136 triệu USD; Công ty Phát triển THT đã chuyển nhượng khu đất 1,13 ha tại dự án Starlake City cho Tập đoàn Công nghệ CMC, được sử dụng để xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo của tập đoàn này, dự kiến nhận được khoản đầu tư 76 triệu USD…

Tin bài liên quan