Trong các thập niên gần đây, các quy định về phòng chống tham nhũng có xu hướng tăng lên trên phạm vi toàn cầu như Luật Chống tham nhũng khi kinh doanh ở nước ngoài của Mỹ năm 1997, Luật Chống hối lộ của Anh năm 2010, Luật Chống tham nhũng của Trung Quốc...
Việt Nam cũng đã ban hành Luật Chống tham nhũng mới vào tháng 11/2018 và lần đầu tiên đề cập việc chống tham nhũng trong khu vực tư nhân. Những quy định này buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định pháp lý liên quan tại quốc gia mà họ kinh doanh, nếu không, doanh nghiệp đó có thể bị phạt nặng và gánh chịu rủi ro về thiệt hại danh tiếng.
Do đó, rủi ro về tham nhũng đang dần trở thành mối quan ngại cho các doanh nghiệp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có hoạt động trên phạm vi quốc tế. Đối với hoạt động M&A, những hoạt động xảy ra ở quá khứ của một công ty được mua lại có thể trở thành vấn đề trong tương lai của công ty thâu tóm.
Bà Đặng Thị Trúc Phương - Giám đốc Dịch vụ Tư vấn thương vụ, RSM Việt Nam.
Vì vậy, nhu cầu thẩm định tính liêm chính đã được phát triển và là một phần quan trọng hỗ trợ cho việc ra các quyết định về đầu tư và hợp tác với các đối tác kinh doanh mới trong các giao dịch M&A.
Thẩm định tính liêm chính là gì?
Cũng như bất kỳ cuộc thẩm định nào, mục tiêu của thẩm định tính liêm chính là sự am hiểu sâu hơn về đối tác kinh doanh tiềm năng, chủ yếu từ quan điểm quản lý rủi ro tham nhũng và để chủ động giảm thiểu rủi ro liêm chính.
Công tác thẩm định là việc thu thập các thông tin khách quan nhằm nắm bắt các rủi ro liêm chính và tham nhũng liên quan đến bên thứ ba cùng với các rủi ro tham nhũng trong nội bộ mà tổ chức có thể gặp phải. Việc thẩm định này là phương tiện giúp các công ty xác định rủi ro này và xác nhận thông tin được cung cấp từ bên thứ ba.
Công tác thẩm định sẽ rà soát các hoạt động của công ty mục tiêu để xác định các vấn đề có thể gây ra rủi ro lớn, nhưng không thể xác định, ảnh hưởng về tài chínhhoặc rủi ro về uy tín đối với bên mua. Các ví dụ về những điểm chính trong giai đoạn thẩm định này bao gồm:
Sự tồn tại của bất kỳ mối liên hệ nào giữa doanh nghiệp và các nhân vật chính trị, cũng như cách công ty tương tác với các cơ quan chức năng, các tổ chức chính phủ...;
Bản chất và điểm mạnh của bất kỳ mối liên hệ nào và liệu các mối liên hệ này có ảnh hưởng đến lợi ích của công ty hay không;
Quy mô, bản chất và độ đáng tin cậy của các cáo buộc chống lại công ty hay nguyên nhân chính liên quan đến hối lộ, tham nhũng, rửa tiền, trốn thuế quy mô lớn, lừa đảo hoặc chiếm đoạt tài sản;
Bất kỳ các mối liên hệ bị cáo buộc giữa công ty với các tổ chức tội phạm hoặc nhóm khủng bố hay rủi ro tai tiếng với các tổ chức này.
Một đặc điểm cơ bản của việc thẩm định tính liêm chính là tập trung vào việc đạt được sự hiểu biết về bất kỳ lợi ích ẩn nào có thể tồn tại bên trong công ty và không biểu hiện ra bên ngoài.
Công tác thẩm định tính liêm chính xem xét các vấn đề này trong bối cảnh phát triển của công ty, nhìn nhận vai trò lịch sử và hiện tại của các cổ đông sáng lập chính, cách thức mà chiến lược và nhận thức về thị trường của công ty phát triển theo thời gian.
Trong khi các vấn đề trên thường được phân tích trong suốt một dự án thẩm định tính liêm chính, phạm vi thẩm định cũng có thể được điều chỉnh để giải quyết các mối quan tâm cụ thể, như vấn đề lạm dụng lao động và việc làm, các vấn đề môi trường hoặc các vấn đề quan trọng khác đối với các bên.
Hơn nữa, thẩm định tính liêm chính không chỉ giới hạn riêng đối với công ty mục tiêu, mà còn có thể cung cấp một cuộc kiểm tra vĩ mô về những rủi ro vốn có khi kinh doanh tại một quốc gia cụ thể, điều này đặc biệt hữu ích khi doanh nghiệp lần đầu kinh doanh tại một thị trường mới.
Những vùng rủi ro có thể phát hiện khi thực hiện thẩm định tính liêm chính
Sau đây là một vài rủi ro mấu chốt mà công tác thẩm định có thể phát hiện:
Quyền sở hữu lợi ích bị che giấu;
Sự kiểm soát tiềm tàng, quyền sở hữu hoặc đòn bẩy được sử dụng trong doanh nghiệp bởi các quan chức thông qua sự bảo trợ chính trị mạnh mẽ;
Bán hết tài sản của công ty mục tiêu hoặc nhóm công ty mục tiêu;
Việc rò rỉ tài sản hoặc sản phẩm sở hữu trí tuệ dẫn đến sự xuất hiện của thị trường chợ đen và mạng lưới buôn lậu;
Thành viên hội đồng quản trị đóng vai trò đại diện cho các nhóm lợi ích bên ngoài;
Các dấu hiệu hoặc cáo buộc về việc quản lý sai lầm bởi những nhân vật chủ chốt của doanh nghiệp (thường là những người sáng lập của công ty và công ty này đã phát triển nhất định);
Những cáo buộc có căn cứ về các khoản hối lộ cho quan chức;
Cáo buộc về gian lận trong công ty hoặc những gian lận trước đây đã bị che đậy và không được xử lý đúng cách;
Quá phụ thuộc vào các mối quan hệ chính trị, dẫn đến công ty dễ chịu thiệt hại trong tương lai vì những thay đổi của chính phủ;
Các cáo buộc về sử dụng doanh nghiệp như một phương thức rửa tiền;
Sự tồn tại của các nhà đầu tư thiểu số có mối quan hệ tốt với nhau và có lịch sử không thực hiện các lời hứa đầu tư.
Dù danh sách các rủi ro trên dễ gây nản lòng các nhà đầu tư, nhưng việc bỏ qua chúng là điều không nên. Nếu không, doanh nghiệp có thể phải đối mặt với các hình phạt pháp lý đáng kể, thiệt hại danh tiếng, nguy cơ kiện tụng và tổn thất tài chính do gian lận. Hiểu được những rủi ro này trước khi kinh doanh trên phạm vi quốc tế và học cách phòng ngừa hoặc giảm thiểu những rủi ro này là vấn đề quan trọng hỗ trợ việc ra quyết định sáng suốt và hiệu quả liên quan tới thương vụ.
Hậu quả có thể xảy ra nếu không chủ động thực hiện thẩm định tính liêm chính
1. Thiệt hại danh tiếng
Giá trị của cổ đông có thể sụt giảm nhanh chóng;
Người mua có thể quay lưng với thương vụ mua lại tiềm năng.
2. Ảnh hưởng tới doanh thu và lợi nhuận bên mua
Bên mua nhận thấy rằng, sau thương vụ mua lại, công ty được mua lại phụ thuộc vào các khoản chi phí không chính thức để duy trì việc kinh doanh hoặc hợp đồng;
Những mối quan hệ đã có trước đó hoặc những hợp đồng tương ứng có nguy cơ bị hủy vì sự thay đổi chủ sở hữu;
Các vụ kiện tụng đối với công ty bị mua lại có thể xảy ra nếu các điều kiện ảnh hưởng đến doanh thu hoặc lợi nhuận của công ty được mua không được tiết lộ.
3. Những lỗ hổng và các quy trình tuân thủ không hiệu quả
Nếu bên bán không có quy trình tuân thủ quản lý rủi ro của bên thứ ba hoặc quy trình không hiệu quả, bên mua có thể không xác định được các hoạt động không phù hợp mà đối tác kinh doanh đang thực hiện;
Khi sự phức tạp của môi trường pháp lý của công ty tiếp tục tăng theo cấp số nhân, một số lỗ hổng nhất định có thể bị bỏ qua, các công ty có thể trở thành nạn nhân của các rủi ro uy tín nghiêm trọng và nguy cơ chịu phạt cao.
Công tác thẩm định tính liêm chính có thể giúp nhiều công ty giảm khả năng bị ảnh hưởng bởi nhiều rủi ro kinh doanh và pháp lý. Sau đây là một số lợi ích của việc thực hiện thẩm định tính liêm chính một cách kỹ càng:
Hỗ trợ các công ty trong quá trình ra quyết định về việc liệu họ có muốn tiến hành mua lại công ty khác hay không;
Hỗ trợ các công ty xác định các khu vực có khả năng xảy ra rủi ro tham nhũng tại công ty mục tiêu và thực hiện các thủ tục giảm thiểu rủi ro trước khi đầu tư vào công ty này;
Hỗ trợ các công ty nâng cao sự am hiểu về bối cảnh cạnh tranh khi họ tiến hành kinh doanh.
Một vấn đề rất quan trọng mà doanh nghiệp cần lưu ý khi mua lại một công ty khác là trong một số trường hợp, người mua có thể thừa kế các khoản nợ liên quan đến rủi ro uy tín và tham nhũng liên quan đến công ty bị mua lại. Công tác thẩm định tính liêm chính kỹ lưỡng có thể giúp doanh nghiệp đánh giá và giảm thiểu sớm những rủi ro này trong quá trình mua lại.