Ông Michael DC Choi, Phó tổng giám đốc Cơ quan xúc tiến đầu tư, thương mại Hàn Quốc (Kotra) cho biết, Hàn Quốc có 5 ngân hàng hiện diện tại Việt Nam và dòng vốn từ Hàn Quốc muốn tìm cơ hội trong nhiều lĩnh vực khác.
Mở lối kết nối cung - cầu M&A
Phát biểu tại buổi họp báo giới thiệu Diễn đàn M&A 2019 ngày 23/7, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao Ban tổ chức Diễn đàn M&A 2019 đã chọn chủ đề của Diễn đàn thường niên M&A Việt Nam năm nay “Thay đổi để bứt phá” và tin tưởng rằng, Diễn đàn năm nay sẽ tập trung đánh giá, phân tích và tìm ra các giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động M&A, đảm bảo cho thị trường M&A phát triển. Diễn đàn cũng sẽ là cầu nối giữa các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tạo điều kiện thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Việt Nam đang thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) gắn với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực như: vận tải, hạ tầng, lương thực, thực phẩm, nông nghiệp, viễn thông, thương mại, dịch vụ, du lịch, xây dựng... Đây sẽ là cơ hội lớn để các nhà đầu tư, doanh nghiệp quốc tế trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển.
Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam 2019, ông Lê Trọng Minh cho biết, trong 10 năm qua, kể từ khi tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam thường niên vào năm 2009, hoạt động M&A đã phát triển mạnh mẽ về số lượng, quy mô thương vụ, trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần làm đa dạng hóa các kênh thu hút vốn cho nền kinh tế Việt Nam. Sau một thập niên tăng trưởng mạnh mẽ với hàng ngàn giao dịch và tổng giá trị giao dịch đạt gần 50 tỷ USD, thị trường M&A Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội mới.
Theo thống kê chưa đầy đủ, ước tính tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt gần 5,43 tỷ USD, trong đó bao gồm gần 2,8 tỷ USD từ các thương vụ M&A được công bố tại Việt Nam và khoảng 2,64 tỷ USD nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần trong các doanh nghiệp Việt Nam.
Các lĩnh vực sôi động nhất trong giai đoạn 2018 - 2019 tập trung vào khai thác thị trường hơn 96 triệu dân của Việt Nam, bao gồm sản xuất hàng tiêu dùng và bất động sản. Các thương vụ đáng chú ý cũng tập trung trong ngành tài chính tiêu dùng, bán lẻ, thủy sản, logistic, giáo dục…
Nếu như 2017 là năm ghi nhận vốn từ Thái Lan vào M&A đạt kỷ lục thì năm 2018 đánh dấu sự khởi sắc của dòng vốn từ Hàn Quốc. Cùng với đó, các nhà đầu tư từ Singapore, Hong Kong, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản đang đóng vai trò quan trọng trong hoạt động M&A tại Việt Nam.
Dự báo năm 2019, giá trị M&A có thể đạt mốc 6,7 tỷ USD, bằng 88,16% so với 2018. Tuy nhiên, để đạt mốc 10 tỷ USD thì sẽ cần sự nỗ lực lớn hơn.
Thay đổi để bứt phá
Trước sự quan tâm ngày càng rõ nét của dòng vốn ngoại và những xu hướng mới đang nổi lên trên thị trường M&A, Diễn đàn M&A 2019 tổ chức ngày 6/8 tới đây dự báo sẽ chia sẻ nhiều góc nhìn giá trị. Trưởng ban Tổ chức Diễn đàn cho biết, các nhà quản lý, chuyên gia đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và lãnh đạo các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ cùng nhau phân tích để trả lời nhiều câu hỏi, trong đó quan trọng nhất là cần tạo ra những thay đổi gì để thị trường M&A bứt phá mạnh mẽ hơn? Nhà đầu tư và doanh nghiệp cần có những động thái như thế nào trước những thay đổi trong thời gian tới?
Hàng loạt chuyển động chính sách gần đây như dự thảo sửa đổi, bổ sung một số luật quan trọng (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán), Nghị quyết về thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới lần đầu tiên dự kiến được Bộ Chính trị ban hành, việc ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA… được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội lớn để Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có dòng vốn đầu tư thông qua hình thức M&A.
“Song để thị trường bứt phá đòi hỏi Chính phủ và các bên liên quan phải có sự quyết tâm và thay đổi mạnh mẽ nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư - kinh doanh, khơi thông dòng vốn chảy trong nước và quốc tế vào lĩnh vực M&A”, ông Lê Trọng Minh nói.
Liên quan đến dòng vốn Hàn Quốc, Phó tổng giám đốc Kotra chia sẻ, dòng vốn Hàn Quốc vào Việt Nam trực tiếp và gián tiếp thông qua M&A có sự gia tăng đáng kể trong 1 thập kỷ vừa qua. Hiện nay, khoảng 35% vốn Hàn Quốc vào Việt Nam thông qua M&A. Doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm nhiều M&A trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, thực phẩm, logistic, dịch vụ tài chính… Ông tin tưởng trong thời gian tới, bức tranh M&A của Việt Nam thay đổi đáng kể.
Bên cạnh các thương vụ M&A được công bố công khai và ghi nhận trên thương trường, thông tin từ ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc AVM cho biết, có rất nhiều thương vụ nhỏ hơn, được thực hiện theo hình thức M&A âm thầm giữa người nước ngoài và doanh nghiệp Việt. Theo AVM, nền tảng pháp lý tới đây cần sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy thu hút dòng vốn chuyên nghiệp chảy vào Việt Nam, đồng thời với việc minh bạch hóa hoạt động M&A để các nhà đầu tư nhận diện đầy đủ, rõ nét về câu chuyện M&A tại Việt Nam.
Ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư
6 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng GDP ước đạt 6,76%. Con số này tuy thấp hơn tốc độ tăng trưởng của cùng kỳ năm trước, nhưng cao hơn mức tăng trưởng của 6 tháng các năm từ 2011 - 2017. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều yếu tố bất định, tăng trưởng GDP của nhiều nền kinh tế có dấu hiệu giảm tốc, thì đây vẫn là một mức tăng trưởng khá. Việt Nam vẫn thuộc top đầu các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao trong nửa đầu năm 2019.
Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Năm nay là năm đầu tiên, Nghị quyết số 02 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 được ban hành đồng thời với Nghị quyết số 01/NQ-CP về các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô.
Đây là một nghị quyết quan trọng, có ý nghĩa then chốt tác động đến hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế, cũng như góp phần quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có đầu tư theo hình thức M&A. Bên cạnh đó, việc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 và Hiệp định FTA, IPA Việt Nam - EU (EVFTA) vừa được ký kết cũng đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư nước ngoài.
Ngoài việc đưa ra các định hướng chiến lược mới trong thu hút đầu tư nước ngoài, chủ trương của Chính phủ Việt Nam là tới đây, sẽ áp dụng các hình thức đầu tư mới, đầu tư xuyên biên giới không góp vốn (NEM), mở rộng phương thức mua bán và sáp nhập (M&A). Tất cả những yếu tố trên đang mở ra những cơ hội rộng mở để thị trường M&A Việt Nam có bước đột phá.