Hoạt động M&A sẽ tiếp tục sôi động
Ông Nguyễn Đức Hoàn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBVS)
Năm 2018 và những năm tiếp theo, hoạt động M&A tại Việt Nam dự báo tiếp tục sôi động, sức hấp dẫn đến từ kỳ vọng tăng trưởng kinh tế ổn định, đặc biệt là quá trình cổ phần hóa DNNN được đẩy mạnh. Các thương vụ M&A nhiều khả năng tập trung vào lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản. Ngoài ra, lĩnh vực viễn thông, năng lượng, hạ tầng, dược phẩm, giáo dục được kỳ vọng sẽ đóng góp giá trị đáng kể vào hoạt động M&A tại Việt Nam. Cùng với sự ra đời của các quỹ mở và các sản phẩm chứng khoán phái sinh, các giao dịch M&A có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú hơn, cho phép các bên có nhiều sự lựa chọn hơn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao về sự phát triển vượt bậc của thành phần kinh tế tư nhân, một trong những động lực để họ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.
Hoạt động M&A hiện được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật khác nhau, dưới nhiều góc độ khác nhau, nhiều khi thiếu đồng bộ và cụ thể.
Ví dụ, xác định thị phần khi M&A theo Luật Cạnh tranh, doanh nghiệp phải dựa vào cơ sở số liệu nào về tổng doanh thu ngành để tính thị phần?
Hay việc M&A giữa các doanh nghiệp chưa chắc đã tạo ra thị phần kết hợp là tổng thị phần của các bên liên quan, mà có thể nhỏ hơn hoặc lớn hơn, tùy từng giao dịch cụ thể.
Do đó, để hoạt động M&A diễn ra thuận lợi, không chỉ cần tháo gỡ các vướng mắc cụ thể, mà cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, tổ chức liên quan. Bên cạnh đó, tháo gỡ các nút thắt trong quy định về chuyển nhượng vốn.
Cần chú ý tránh thất thoát vốn nhà nước
Ông Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế
M&A tại Việt Nam sẽ ngày càng sôi động, nhất là trong 3 lĩnh vực: thứ nhất là các ngân hàng mà Nhà nước thoái vốn, sẽ thu hút dòng tiền lớn từ các tập đoàn tài chính nước ngoài; thứ hai là cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có quỹ đất tốt; thứ ba là thoái vốn khỏi các doanh nghiệp trong ngành hàng thực phẩm tiêu dùng, kỳ vọng tạo ra những thương vụ lớn như Sabeco,
Vinamilk trong năm 2017.
M&A trong thời gian tới cần chú ý tránh thất thoát vốn nhà nước. Việc định giá tài sản khi mua bán - sáp nhập, kiểm toán tài sản cần được chú trọng hơn trong các thương vụ M&A.
Các công ty chứng khoán có cơ hội lớn từ thị trường M&A
Ông Trần Hải Hà. Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán MB (MBS)
Theo số liệu thống kê thị trường và các ước tính sơ bộ của chúng tôi, tổng số lượng và giá trị các thương vụ mua bán - sáp nhập tại Việt Nam tăng trưởng trung bình lần lượt là khoảng 22% và 15% trong giai đoạn 2007 -2017. Tổng giá trị M&A năm 2016 đạt 5,8 tỷ USD, năm 2017 ước tính đạt khoảng 8 tỷ USD và dự báo năm 2018 có thể vượt năm 2017.
Về mặt dài hạn, kết quả tích cực từ kinh tế vĩ mô, sự cam kết đổi mới và tính thị trường của nền kinh tế, các cơ chế chính sách của Chính phủ ngày càng tạo điều kiện thu hút các dòng vốn ngoại, cải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nước thông qua cổ phần hóa sẽ góp phần tạo động lực cho làn sóng M&A trong nước và quốc tế tại Việt Nam.
Trong vai trò là tổ chức trung gian, các công ty chứng khoán đang đón nhận cơ hội rất lớn từ thị trường để tham gia thực hiện tư vấn các thương vụ M&A xuất phát từ các tiềm năng và xu hướng M&A tại Việt Nam, xu hướng đầu tư và dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ mạnh vào thị trường Việt Nam.
Không chỉ tham gia vào các giao dịch M&A thông qua việc cung cấp và thực hiện dịch vụ tư vấn tài chính doanh nghiệp và tư vấn M&A, với lợi thế là công ty chứng khoán địa phương, các công ty chứng khoán có độ am hiểu văn hóa doanh nghiệp, có sự kết nối sâu rộng với các doanh nghiệp trong nước cũng như am hiểu thị trường, am hiểu các quy định pháp luật hiện hành để có thể hỗ trợ và tư vấn thành công cho các doanh nghiệp khi triển khai M&A.
M&A lĩnh vực tài chính sẽ được tăng cường
Ông Nguyễn Trí Hiếu. Chuyên gia tài chính - ngân hàng
Riêng lĩnh vực tài chính, trong năm nay, hoạt động M&A nhiều khả năng trầm lắng, nhưng những năm tới sẽ được tăng cường. Thứ nhất, các ngân hàng phải tăng vốn để phù hợp với yêu cầu của Basel II. Thứ hai, các ngân hàng có vốn nhà nước muốn tiếp tục xu hướng thoái vốn của Chính phủ và bán vốn cho tư nhân sẽ thúc đẩy hoạt động M&A, bởi đây đều là ngân hàng lớn và sẽ bán ra số lượng cổ phần với tỷ lệ cao.
Nhìn chung, thị trường M&A sẽ nở rộ nhiều thương vụ trong thập kỷ tới khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập vào kinh tế toàn cầu, cùng với đó là các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến các doanh nghiệp nội, M&A sẽ thu hút được nhiều vốn ngoại. Ngân hàng, thực phẩm tiêu dùng và bất động sản sẽ là các lĩnh vực đầu tàu dẫn dắt thị trường M&A.
Các thương vụ M&A sẽ ngày càng lớn bởi các doanh nghiệp đang ngày càng phát triển và thu hút đầu tư nhiều hơn. Việt Nam cũng sẽ ngày càng tiếp nhận các nhà đầu tư tầm cỡ nước ngoài.
M&A sẽ đi vào chiều sâu
Ông Trương Thanh Đức. Trọng tài viên VIAC, Chủ tịch Công ty Luật BASICO
Hoạt động M&A sẽ diễn ra ngày càng sôi động bởi đây là một trong những cách mở rộng quy mô và thâu tóm doanh nghiệp mà cả 2 bên đều mong muốn, đặc biệt là phía nước ngoài. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nội đang chủ động hơn trong vị thế mua như VinFast mua lại hoạt động sản xuất và phân phối của GM tại Việt Nam. Trước đây, nhiều chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp ngoại, nhưng hiện nay đã bình đẳng hơn với cả doanh nghiệp trong và ngoài nước, môi trường này sẽ tăng cường hơn vai trò của doanh nghiệp nội trong M&A.
Đáng chú ý, M&A trước đây diễn ra với đầy đủ “thể loại” khác nhau, có khi chỉ vì nhà đất hoặc những lợi ích đơn giản nhất, nhưng các thương vụ mua bán - sáp nhập gần đây đã đi vào chiều sâu chất lượng nhiều hơn, với chiến lược và mục tiêu rõ rệt. M&A trong tương lai sẽ đi theo hướng thực chất hơn, quy mô số giao dịch, giá trị giao dịch sẽ tiếp tục tăng lên.
Mặc dù pháp lý chưa có yếu tố nào mới để hỗ trợ cho M&A, hầu hết đều là những quy định chung chung, nhưng quy trình đã thuận hơn bởi khi M&A diễn ra thường xuyên thì cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, thị trường đã hình thành cách làm, cách ứng xử tương đối nhuần nhuyễn, không còn bỡ ngỡ, khó khăn như trước. Nếu có những quy định rõ ràng, chi tiết hơn từ thủ tục cho đến thuế, giải quyết những vướng mắc, bất cập thì sẽ hỗ trợ tốt hơn cho tiến trình M&A.
Tôi cho rằng, M&A là cách thức để thị trường điều chỉnh, nên đây vẫn là lựa chọn tốt nhất để các doanh nghiệp khẳng định mình, cạnh tranh để vươn lên. Do đó, thị trường M&A sẽ được quan tâm và sôi động hơn nhiều trong tương lai.