Chỉ số phái sinh biến động mạnh khi dòng tiền đổ vào
Chỉ trong 13 phiên giao dịch gần đây (tính tới ngày 11/5/2022), thanh khoản của các hợp đồng phái sinh đáo hạn tháng 5 và tháng 6 có dấu hiệu tăng mạnh. Trong khi đó, các hợp đồng phái sinh đáo hạn tháng 9 và tháng 12 có dấu hiệu biến động không đáng kể.
Cụ thể, tại hợp đồng phái sinh đáo hạn tháng 6/2022, khối lượng hợp đồng giao dịch trong 13 phiên dao động từ 720 đến hơn 1.600 hợp đồng/phiên, cao hơn mức trung bình trước đây khoảng 50 - 100 hợp đồng/phiên. Tương tự, với hợp đồng phái sinh đáo hạn tháng 5/2022, thanh khoản duy trì từ 211.000 - 384.000 hợp đồng/phiên trong thời gian này, tăng vọt so với mức dưới 20.000 hợp đồng/phiên được duy trì một thời gian dài trước đó.
Ngoài ra, khối lượng hợp đồng mở (OI) cũng có dấu hiệu tăng mạnh. Cụ thể, tại hợp đồng phái sinh đáo hạn tháng 5/2022, nếu như ngày 19/4/2022 chỉ có 3.069 hợp đồng mở thì tới ngày 11/5/2022 đã tăng lên 38.111 hợp đồng mở, gấp 11,4 lần. Tương tự, với hợp đồng phái sinh đáo hạn tháng 6/2022, ngày 19/4/2022, số lượng hợp đồng mở là 745 hợp đồng thì tới 11/5/2022 đã là 975 hợp đồng, tăng 31%.
Nhìn chung, thanh khoản và lượng hợp đồng mở mới trên thị trường phái sinh đều có xu hướng tăng đột biến trong thời gian qua. Đây là giai đoạn sau khi thị trường trải qua chuỗi bán tháo liên tục từ 7/4 đến 25/4 và sau đó có dấu hiệu biến động với biên độ tương đối lớn.
Riêng hợp đồng VN30F2205 có thanh khoản cao nhất, trong giai đoạn dòng tiền đổ mạnh vào chỉ số phái sinh, biến động chỉ số trong phiên dao động từ 16,4 - 64,4 điểm/phiên.
Trong đó, riêng phiên giao dịch ngày 26/4/2022 biến động 64,4 điểm, phiên ngày 9/5 biến động 57,5 điểm, phiên 27/4 biến động 53 điểm, phiên 10/5 biến động 47,5 điểm, phiên 11/5 biến động 29,8 điểm… Ngược lại, giai đoạn thị trường ổn định, chỉ số phái sinh chỉ biến động khoảng 10 - 15 điểm/phiên.
Biểu đồ chỉ số VN30F2206. |
Chính vì biên độ biến động của chứng khoán phái sinh quá lớn, có một số nhà đầu tư đã phải cắt lỗ mặc dù “Short” đúng xu hướng, do thị trường có nhiều phiên hồi phục mạnh trước khi giảm điểm trở lại, đặc biệt là khi các nhà đầu tư đều sử dụng đòn bẩy cao vì đa phần đang kẹp tiền trên thị trường cơ sở.
Không dễ cho nhà đầu tư mới
Trên lý thuyết, thị trường chứng khoán phái sinh được phát triển nhằm giúp nhà đầu tư có thêm công cụ phòng hộ rủi ro trước các kịch bản biến động mạnh của thị trường cơ sở; có thêm kênh đầu tư khi thị trường bước vào giai đoạn sóng giảm kéo dài bằng việc thực hiện mở vị thế bán (Short).
Tuy nhiên, thực tế trong giai đoạn đầu phát triển thị trường chứng khoán phái sinh ở Việt Nam, hiện tượng chỉ số phái sinh lên xuống thất thường, đặc biệt gần ngày đáo hạn liên tục diễn ra.
Trong đó, việc hạch toán lãi/lỗ theo ngày, cũng như giao dịch T+0 dẫn tới sự biến động tương đối mạnh trong phiên giao dịch, hiện tượng chỉ số phái sinh vượt vùng kháng cự sau đó mới giảm mạnh, hay gãy vùng hỗ trợ sau đó mới bật tăng mạnh liên tục diễn ra, gây khó khăn cho nhà đầu tư.
Đặc biệt, với tỷ lệ đòn bẩy duy trì ở mức cao là điểm rủi ro cho nhà đầu tư. Cụ thể, khảo sát một công ty chứng khoán có thị phần Top 5 trên sàn chứng khoán, tỷ lệ ký quỹ ban đầu là 13%.
Nếu tỷ lệ sử dụng tài sản dao động từ 85 - 90%, nhà đầu tư có 1 ngày làm việc để bổ sung ký quỹ. Sau thời gian này, công ty chứng khoán sẽ tự động chuyển tiền hoặc đóng vị thế của khách hàng để về tỷ lệ an toàn 75%. Nếu tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ xử lý trên 90%, công ty chứng khoán ngay lập tức sẽ tự động chuyển tiền của khách hàng, hoặc đóng vị thế để đưa về tỷ lệ an toàn 75%.
Ngoài ra, ở một số công ty chứng khoán có hiện tượng “xây kho” cho nhà đầu tư thực hiện giao dịch chứng khoán phái sinh, với tỷ lệ ký quỹ ban đầu thấp hơn nhiều so với con số 13%. Điều này sẽ tăng rủi ro khi chỉ số phái sinh biến động mạnh trong phiên, dẫn tới hiện tượng phải bổ sung ký quỹ hoặc bị bắt buộc đóng vị thế.
Hiện tượng chỉ số phái sinh vượt vùng kháng cự sau đó mới giảm mạnh, hay gãy vùng hỗ trợ sau đó mới bật tăng mạnh liên tục diễn ra, gây khó khăn cho nhà đầu tư.
Chính vì tỷ lệ sử dụng đòn bẩy lớn, hiện tượng các nhà đầu tư tham gia đầu tư phái sinh phải đóng vị thế hoặc nộp tiền bổ sung vị thế liên tục diễn ra do biến động lớn của các chỉ số trong phiên.
Có thể thấy, khi thua lỗ trên thị trường cơ sở, nhà đầu tư sẽ có mong muốn gỡ lỗ trên thị trường phái sinh và điều này đã thôi thúc một lượng không nhỏ nhà đầu tư dịch chuyển sang đầu tư phái sinh. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng có thể tham gia được thị trường tài chính bậc cao này.
Việc lạm dụng đòn bẩy quá lớn khi tham gia đầu tư phái sinh đang và tiếp tục là rủi ro cho nhà đầu tư, mặc dù dự báo đúng xu hướng, nhưng vẫn phải đóng vị thế do biến động qua ngưỡng chịu đựng của nhà đầu tư.
Để vận dụng kênh chứng khoán phái sinh hiệu quả, điều này đòi hỏi nhà đầu tư phải có kiến thức và kinh nghiệm bên cạnh một mức độ “may mắn”, vì bên cạnh dự đoán đúng xu hướng để mở vị thế thì nhà đầu tư còn phải “chịu đựng” mức độ biến động liên tục mà thị trường chứng khoán phái sinh mang lại.
Việc tiếp tục “Short” khi thị trường đã giảm sâu sẽ dễ dẫn tới rủi ro thị trường đảo chiều hồi phục và nhà đầu tư thua lỗ kép khi vừa cắt lỗ cơ sở chuyển sang “Short” phái sinh.