Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng Covid-19 tại bang Selangor (Malaysia), ngày 25/7/2021. Ảnh: Tân Hoa xã.

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng Covid-19 tại bang Selangor (Malaysia), ngày 25/7/2021. Ảnh: Tân Hoa xã.

Lý do Malaysia vẫn lập kỷ lục buồn dù tốc độ tiêm chủng Covid-19 nhanh nhất thế giới

0:00 / 0:00
0:00
Là một trong những quốc gia có tốc độ tiêm chủng nhanh nhất thế giới nhưng Malaysia vẫn đang phải chứng kiến đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 với số ca mắc và số ca tử vong tăng cao kỷ lục.

Kể từ khi Malaysia tiếp nhận lô vaccine đầu tiên vào cuối tháng 2/2021, Chương trình Tiêm chủng Covid-19 quốc gia (NCIP) của nước này đã đạt được nhiều thành công. NCIP được chia thành nhiều giai đoạn, bắt đầu bằng việc tiêm chủng cho các nhân viên y tế và nhân viên an ninh tuyến đầu.

Nhờ có nguồn cung ổn định, việc tiêm chủng tại Malaysia đã được đẩy mạnh trên khắp đất nước, liên tiếp phá kỷ lục về số liều được tiêm trong ngày.

Trong bài phát biểu trước Quốc hội ngày 26/7, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin cho biết, tăng cường năng lực tiêm chủng là cách hiệu quả nhất để Malaysia thoát khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19. Ông nói thêm, chính phủ nước này đã đặt mục tiêu tiêm vaccine đầy đủ cho 100% người trưởng thành đến tháng 10/2021.

Tuy vậy, Malaysia vẫn ghi nhận số ca mắc và số ca tử vong tăng cao kỷ lục trong thời gian gần đây. Nhiều người đặt câu hỏi liệu tiêm chủng có phải “viên đạn bạc” để chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Malaysia?

Các chuyên gia cho rằng, dù vaccine vẫn được coi là công cụ chính nhưng nước này phải thực hiện thêm các biện pháp kiểm soát khác.

Nỗ lực tăng tốc chiến dịch tiêm chủng

Theo CNBC, đợt bùng phát dịch Covid-19 mới tại Malaysia đã trở thành một trong những đợt bùng phát tồi tệ nhất trên thế giới.

Dữ liệu của Our World in Data cho biết, trung bình trong 7 ngày qua tính đến ngày 28/7, Malaysia đã ghi nhận 483,72 ca mắc trên 1 triệu người - cao thứ 8 trên thế giới và đứng đầu châu Á.

Trong khi đó số ca tử vong ghi nhận hàng ngày là khoảng 4,90 trên 1 triệu người, cao thứ 19 trên toàn cầu và thứ 3 châu Á. Đến thời điểm hiện tại, Malaysia đã có hơn 1 triệu ca mắc và hơn 8.700 ca tử vong. Kuala Lumpur và Selangor là hai khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Hiện chương trình tiêm chủng quốc gia của Malaysia đang sử dụng phổ biến 3 loại vaccine Pfizer-BioNTech, AstraZeneca và Sinovac. Nước này cũng cấp phép sử dụng khẩn cấp các loại vaccine khác như CanSino, Sinopharm và Janssen, đồng thời mua Sputnik V của Nga. Malaysia dự kiến sẽ tiếp nhận vaccine Novavax trong cơ chế COVAX.

Nước này đã phân bổ 1,36 tỷ USD để thực hiện chương trình tiêm chủng, nhằm mua đủ số liều để bao phủ 130% dân số. Hiện Malaysia có 2.313 trung tâm phân phối vaccine, trong đó có phòng khám tư nhân và dịch vụ chăm sóc cứu thương.

Thêm vào đó, một số bang và vùng lãnh thổ liên bang còn triển khai các chuyến xe tiêm vaccine lưu động nhằm tăng tốc độ tiêm chủng.

Ngoài ra, Malaysia cũng sẽ tiến hành tiêm cho những người nhập cư bất hợp pháp hay người tị nạn. Các tổ chức phi chính phủ chẳng hạn như Trăng lưỡi liềm đỏ sẽ tham gia vào hoạt động này.

Lực lượng Đặc nhiệm Tiêm chủng Covid-19 (CITF) của Malaysia thông báo, việc tiêm chủng mở rộng cho Selangor và Kuala Lumpur có thể diễn ra từ ngày 1/8 trở đi đối với những người bị bỏ sót và chưa có lịch hẹn.

Bộ trưởng điều phối chương trình tiêm chủng quốc gia Khairy Jamaluddin cho biết, tính đến ngày 27/7 đã có 38,2% dân số Malaysia tương đương 12,49 triệu người được tiêm ít nhất 1 liều vaccine và hơn 5,9 triệu người tương đương 18.1% được tiêm đầy đủ 2 liều. Đối với nhóm người trưởng thành, 25,2% được tiêm phòng đầy đỷ.

Malaysia – với dân số 32 triệu người, là một trong những quốc gia có tốc độ tiêm chủng nhanh nhất thế giới, ông Muhyiddin cho biết.

“Trên thực tế, tốc độ này nhanh hơn mức trung bình của thế giới (13,23% được tiêm phòng đầy đủ) và mức trung bình của châu Á (9,81%)”, chuyên gia nghiên cứu y tế Lim Chee Han đánh giá.

Vaccine không phải là “viên đạn bạc”

Đối với những người đã tiêm cả hai liều vaccine, họ sẽ được dỡ bỏ bớt các hạn chế phòng chống dịch.

Trước đó, vào ngày 24/7, ông Muhyiddin cho biết, những người tiêm phòng đầy đủ có thể hưởng một số đặc quyền như tham gia các hoạt động thể thao và xã hội. Malaysia đã chứng kiến các đợt phong tỏa dưới nhiều hình thức khác nhau kể từ khi Lệnh hạn chế di chuyển (MCO) được áp dụng vào ngày 18/3/2020.

Sự xuất hiện của biến thể Denta tại bang Sarawak, với 93 trường hợp được phát hiện cho đến ngày 25/ 7 và ở nhiều bang khác đã khiến Malaysia phải đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng.

Tổng Thư ký của Bộ Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah đã kêu gọi người dân đi tiêm phòng với lý do những người đã tiêm chủng có ít nguy cơ lây nhiễm hơn và bệnh khó diễn tiến nặng.

Ông Noor Hisham chỉ ra rằng mặc dù 2.779 nhân viên y tế đã bị mắc bệnh sau khi được tiêm phòng đầy đủ, hầu hết đều không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Tuy vậy, các chuyên gia y tế cho rằng vaccine không phải là “viên đạn bạc”.

Lý giải nhận định này, nhà nghiên cứu Lim Chee Han cho biết: “Nhìn từ góc độ khoa học đời sống và sức khỏe cộng đồng, các loại vaccine hiện tại của chúng ta không phải là viên đạn bạc. Chúng không thể loại bỏ khả năng lây truyền bệnh, mặc dù được kỳ vọng sẽ làm giảm đáng kể số ca mắc và ca nhập viện”.

Tác động tích cực của việc tiêm phòng vẫn chưa được đánh giá đầy đủ vì có một bộ phận lớn dân số chưa được tiêm phòng và số lượng người được tiêm đầy đủ vẫn còn quá ít để làm giảm xu hướng lây lan của dịch bệnh.

Theo đánh giá của chuyên gia này, ngay cả khi Malaysia có 50% dân số được tiêm phòng đầy đủ thì đây vẫn không phải là “con số kỳ diệu” để ngăn chặn dịch bệnh. Nếu chính phủ không điều chỉnh lại các biện pháp phòng tỏa và hạn chế sẽ có thêm nhiều ca mắc và ca tử vong, ông Lim cảnh báo.

Đối với nhà nghiên cứu kinh tế và sức khỏe cộng đồng Nazihah Muhamad Noor tại Viện nghiên cứu Khazanah, vaccine có thể là “chìa khòa” để chấm dứt đại dịch, nhưng việc tiêm chủng phải đi kèm với thực thi các biện pháp phòng ngừa như xét nghiệm, truy vết tiếp xúc, giãn cách xã hội, cách ly và đeo khẩu trang.

Tin bài liên quan