Lý do khiến hàng tiêu dùng thiết yếu ‘sạch bách’ tại nhiều siêu thị Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
Biến thể Omicron lây lan nhanh cùng với tình cảnh thiếu hụt nhân công, thời tiết khắc nghiệt đã làm cho căng thẳng chuỗi cung ứng tại Mỹ ngày một tệ.
Khoang bán thịt hết hàng ở một siêu thị tại Miami, bang Florida, Mỹ. Ảnh: Getty Images.

Khoang bán thịt hết hàng ở một siêu thị tại Miami, bang Florida, Mỹ. Ảnh: Getty Images.

Kệ hàng bán đồ thực phẩm tại nhiều cửa hàng, siêu thị ở Mỹ đã sạch trơn, gợi lại những ký ức khan hiếm đồ dùng thiết yếu từng xảy ra tại Mỹ hồi mùa xuân năm 2020. Nhiều chuỗi cửa hàng lớn như Aldi đã phải công bố thông tin xin lỗi khách hàng vì thiếu hụt nguồn hàng cung ứng.

Các chuyên gia trong ngành thực phẩm tiêu dùng cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, gồm cả những nhân tố từng gây ảnh hưởng đến các nhà cung cấp, bán lẻ từ thời điểm dịch bắt đầu xuất hiện, cho tới những thách thức mới lộ diện gần đây. “Chúng ta đang thực sự đứng trước một cơ bãn hoàn hảo”, Phil Lempert, tổng biên tập mạng tin SupermarketGuru.com, chia sẻ.

Tuy nhiên, Nate Rose, Giám đốc truyền thông Hiệp hội các nhà thực phẩm California, cho rằng việc so sánh thiếu hụt nguồn cung hiện nay với thời điểm tháng 3/2020 có thể không thật chính xác và đầy đủ. Đúng là có vấn đề với nguồn hàng dự trữ, nhưng thiếu hụt ở thời điểm này lại mang tình cảnh cục bộ, không liên tục. Khách hàng có thể thấy hết hàng khi đi chợ, siêu thị vào tối Thứ Ba, nhưng hàng lại có trên kệ nếu quay trở lại vào ngày Thứ Tư.

Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra thiếu hụt nguồn cung hàng hóa, nhất là hàng thực phẩm, tại nhiều địa phương ở Mỹ.

Lây nhiễm Omicron: Biến thể có mức lây lan nhanh Omicron đương nhiên là một trong những nhân tố lớn nhất tác động tới ngành chế biến, cung ứng thực phẩm. Nhân công làm việc tại các cửa hiệu thực phẩm nhiễm Omicron ngày một nhiều, khiến các siêu thị, cửa hàng thiếu nhân công, không thể có hàng bày biện trên kệ. Chính các cửa hàng cũng gặp khó khăn lớn hơn trong việc tìm kiếm nguồn cung do biến thể mới gây ra.

Vivek Sankaran, Giám đốc điều hành chuỗi siêu thị Albertson, cho biết công ty từng kỳ vọng sẽ hồi phục được trước những bất cập về chuỗi cung. Nhưng Omicron đã xóa đi hy vọng đó. “Ngày càng có nhiều thách thức đối với cung ứng và chúng tôi cho rằng khó khăn còn tăng lên trong quãng thời gian từ 4-6 tuần tới”, ông Sankaran nói.

Khó khăn về nhân công xảy ra trong cả ngành sản xuất, cung ứng thực phẩm, chứ không bó hẹp ở chuỗi cửa hàng, siêu thị. Nhiều người mắc COVID-19, bị ốm, phải ở nhà, ảnh hưởng đến toàn bộ chu trình sản xuất, chế biến, vận chuyển và phân phối thực phẩm.

Thiếu hụt lao động: Ngoài số công nhân phải nghỉ làm do nhiễm COVID-19, cũng xuất hiện tình trạng bỏ việc trong ngành. Theo Lempert, đại dịch đã biến siêu thị, cửa hàng thành “chiến trường chống dịch”. Nhân viên được yêu cầu phải đi làm trực tiếp giữa đại dịch, giải thích tình trạng thiếu hụt hàng hóa và hướng dẫn biện pháp bảo đảm y tế với khách hàng, đồng thời phải giữ cho bản thân an toàn trong boàn bộ quá trình đó.

Nguồn sữa tại nhiều cửa hàng, siêu thị ở Mỹ gặp phải tình trạng khan hiếm. Ảnh: Reuters
Nguồn sữa tại nhiều cửa hàng, siêu thị ở Mỹ gặp phải tình trạng khan hiếm. Ảnh: Reuters

Hệ quả là nhiều người có ý định và lên kế hoạch bỏ việc, không muốn làm việc ở những nơi này. Khảo sát do Hiệp hội các nhà thực phẩm quốc gia Mỹ (NGA) thực hiện mới đây cho thấy nhiều thành viên bán lẻ, bán sỉ thuộc hiệp hội hoạt động với lượng nhân công chỉ bằng 50% so với mức bình thường.

Ách tắc vận tải hàng hóa: Số lượng lái xe tải cũng thiếu hụt nghiêm trọng. Các công ty vận tải đường bộ hiện đang phải mời chào mức thù lao cao để giữ chân và thu hút lái xe. Nhưng lượng nhân công vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu vận tải đường bộ.

Chính quyền liên bang cũng đã phải can thiệp để giải quyết tắc nghẽn này. Trong tháng 12 vừa qua, Nhà Trắng công bố kế hoạch thúc đẩy, tăng cường năng lực ngành vận tải hàng hóa bằng đường bộ. Nổi bật là giải pháp đơn giản hóa, giúp lái xe lấy được bằng lái xe thương mại (CDL) dễ dàng hơn.

Trước đại dịch, ngành vận tải đường bộ Mỹ đã thiếu hụt khoảng 80.000 lái xe tải, khi đây là vấn đề tồn tại trong nhiều năm qua. Tình cảnh hiện nay lại càng tệ, đó là vừa thiếu lái xe, vừa thiếu nhân viên bốc xếp hàng hóa tại các cảng và nhà kho, khiến thời hạn nhận, giao hàng bị trì hoãn, kéo dài.

Thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu: Biến đổi khí hậu không phải là vấn đề mới, nhưng vẫn có ảnh hưởng dai dẳng đến ngành thực phẩm. Các đợt thời tiết cực đoan xuất hiện với tần suất ngày một nhiều trên toàn thế giới, khi trái đất tiếp tục nóng lên.

Theo ông Lempert, người nông dân hiện thu hoạch ít ngô, đậu tương hơn, trong khi đây là nguyên liệu đầu vào cho chăn nuôi công nghiệp. Chính điều đó đã gây tác động hạ nguồn, ảnh hưởng đến giá cả cũng như nguồn hàng về thịt, trứng, sữa… Như tại Brazil, các trận mưa lớn làm hủy hoại năng suất, sản lượng cà phê.

Thời tiết cực đoan cũng khiến việc vận chuyển hàng hóa khó khăn hơn. Trận bão tuyết gần đây ở miền đông bắc nước Mỹ đã khiến nhiều tuyến đường buộc phải đóng cửa, làm chậm việc vận chuyển thực phẩm tới Alaska.

Tin bài liên quan