Xu Yechuyi, sinh viên tại Thượng Hải, bước ra khỏi cửa hàng bán điện thoại cũ, trên tay cầm iPhone 6s. Cô định mua máy vào năm ngoái nhưng không đủ tiền. Giờ cô đã có nó với giá chưa đến một phần ba hàng chính hãng.
Yechuyi nằm trong số những người sẵn sàng mua iPhone đời cũ thay vì phiên bản mới nhất. Họ không chọn các hệ thống phân phối chính hãng Apple hoặc Apple Store, mà tìm đến thị trường điện thoại cũ đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc. "Tôi nghĩ điện thoại cũ phù hơn với người tiêu dùng có điều kiện kinh tế khó khăn", Yechuyi chia sẻ.
Một nhân viên cửa hàng tân trang điện thoại nằm trong khu công nghệ phía tây Bắc Kinh cho hay, lượng người mua hoặc nâng cấp iPhone cũ đang tăng nhanh thời gian qua. Một số tìm cách làm mới iPhone cũ như thay vỏ, thay pin và cập nhật lên iOS 12 để thiết bị "trông như mới".
Công ty phân tích iiMedia của Trung Quốc dự báo, sẽ có khoảng 144 triệu người dùng điện thoại thông minh đã qua sử dụng vào năm 2019, tăng một phần ba so với năm ngoái.
Tất nhiên, Apple không kiếm được đồng nào trong những giao dịch này. Trung Quốc là thị trường quan trọng bậc nhất, nhưng công ty Mỹ đang đối mặt với tình hình kinh doanh ngày một khó khăn và xu hướng trên chỉ là một phần.
Trở lại 10 năm trước, vào 2009, những chiếc iPhone đầu tiên bán ở Trung Quốc mang về lợi nhuận kỷ lục cho Apple. Nhưng sự ra mắt của iPhone XS năm ngoái với giá cao nhất lên đến 9.599 nhân dân tệ (1.394 USD), cộng thêm căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đa số người dùng chẳng còn nghĩ đến iPhone - chiếc điện thoại xa xỉ. Trong khi đó, họ có nhiều lựa chọn khác từ thương hiệu trong nước với tính năng không hề thua kém và giá mềm hơn nhiều lần.
"Những kẻ ngốc mua iPhone đắt tiền. Người sáng suốt ưu tiên chất lượng và giá rẻ lên hàng đầu", một người đăng status lên Weibo và lập tức nhận được hàng trăm bình luận ủng hộ.
Theo Reuters, 2018 được xem là năm mà khuynh hướng yêu nước của người dân Trung Quốc thể hiện rõ thông qua điện thoại. Họ quay sang ủng hộ sản phẩm trong nước, như của Huawei, Xiaomi, Oppo... đồng thời kêu gọi tẩy chay Apple - thương hiệu đại diện cho Mỹ - trên mạng xã hội. Cuộc chiến thương mại và vụ bắt Giám đốc tài chính của Huawei là mồi lửa làm bùng cháy chiến dịch đó, khi hàng loạt công ty cũng cấm nhân viên dùng iPhone.
Apple bắt đầu năm 2018 với thị phần 15% tại Trung Quốc. Nhưng đến quý III, tỷ lệ này giảm gần một nửa (9%), trong khi Huawei tăng từ 20% lên 23%. Chính Tim Cook trong thư gửi các nhà đầu tư cũng thừa nhận, doanh số iPhone mới thấp hơn dự đoán tại Trung Quốc là nguyên nhân chính khiến công ty phải vật lộn với sự sụt giảm.