Xuất nhập khẩu nửa đầu năm khởi sắc, nhưng TP.HCM, "đầu tàu" kinh tế của cả nước lại hụt thu ngân sách xuất nhập khẩu so với cùng kỳ gần 5.000 tỷ đồng.
Theo Cục Hải quan TP.HCM, số thu ngân sách của 6 tháng đầu năm 2024 đạt 58.747 tỷ đồng, bằng 44,91% dự toán được giao (130.800 tỷ đồng), giảm 7,67%, tương ứng giảm 4.882 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023.
Tình hình kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn TP.HCM đang phục hồi rõ nét, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 55,8 tỷ USD, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2023. Nhưng số thu ngân sách hải quan lại giảm, xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Cục Hải quan TP.HCM lý giải, tuy kim ngạch xuất nhập khẩu các mặt hàng chủ lực tăng so với cùng kỳ, nhưng mặt hàng ô tô nguyên chiếc các loại, vốn chiếm tỷ trọng khoảng 13% cơ cấu số thu ngân sách lại có kim ngạch giảm sâu, giảm 19,3% về lượng và giảm 35,4% về trị giá, dẫn đến số thuế phải thu giảm gần 45% (tương ứng khoảng gần 6.000 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2023.
Nguyên nhân khiến xe ô tô nhập khẩu giảm chủ yếu là do cung cầu thị trường và sức mua yếu, lượng xe hơi tồn tại cảng còn rất lớn.
Thêm nữa, nhiều mặt hàng nhập khẩu có thuế suất cao bị cắt giảm thuế, và sẽ còn giảm sâu hơn trong các năm sau theo lộ trình cắt giảm thuế quan đã cam kết trong các Hiệp định FTA.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng chịu ảnh hưởng của chính sách giảm thuế GTGT (từ 10% đến 8%) theo Nghị quyết 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 cũng tác động đến công tác thu ngân sách của Cục Hải quan TP.HCM.
6 tháng đầu năm 2024, 10 cục hải quan có số thu ngân sách lớn nhất cả nước, hầu hết nguồn thu đều tăng đáng kể. Trong đó, thu ngân sách của Cục Hải quan Hải Phòng đạt gần 34.500 tỷ đồng (tăng 4,01%), Hải quan Hà Nội gần 14.800 tỷ đồng (tăng 5,11%), Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 10.600 tỷ đồng, tăng gần 26%, Hải quan Đồng Nai đạt gần 10.500 tỷ đồng (tăng 13.7%); Thanh Hóa tăng 31,6%; Quảng Ninh tăng 21,2%...
Ngoài ra, hệ thống logistics trên địa bàn TP.HCM cũng không thuận lợi. Chẳng hạn, hệ thống giao thông bị ùn tắc và hoạt động thi công các dự án cơ sở hạ tầng xung quanh địa bàn cảng Cái Lái, ICD Phước Long Hiệp Phước làm tăng chi phí vận tải của doanh nghiệp.
Trong khi đó các tỉnh lân cận, như: Bà Rịa- Vũng Tàu, Long An, Đồng Nai đẩy mạnh việc phát triển các cảng và các chính sách tạo thuận lợi làm giảm vai trò trung tâm logistics của TP.HCM, tiềm ẩn việc dịch chuyển hàng hoá trên địa bàn thành phố sang các tỉnh, thành phố lân cận.
6 tháng đầu năm, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa khởi sắc đã giúp thu ngân sách toàn ngành hải quan đạt 200.460 tỷ đồng, bằng 53% dự toán, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Mặc dù số thu ngân sách của ngành hải quan từ đầu năm đến nay đạt được kết quả tích cực, tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực vẫn còn nhiều tác động tiêu cực cần phải lưu ý, trong đó có việc thực hiện chính sách giảm thuế GTGT đã tác động làm giảm số thu 6 tháng 2024 khoảng 9.000 tỷ đồng.
Theo Tổng cục Hải quan, nửa cuối năm nay, chính sách giảm thuế GTGT tiếp tục được thực hiện, dự kiến làm giảm thu khoảng 18.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngành Hải quan thực hiện kỳ hoàn thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô cũng sẽ làm giảm tổng thu khoảng 6.000 tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu hoàn thành dự toán thu 375.000 tỷ đồng trong cả năm 2024, theo ông Nông Phi Quảng, Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan, các đơn vị trong toàn ngành xây dựng dự toán sát với tình hình thực tế; quản lý, rà soát các khoản nợ, đặc biệt khoản nợ của các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.