Ông Bùi Quốc Dũng - Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ Ngân hàng Nhà nước.
Sau 3 tháng áp dụng cách thức điều hành tỷ giá trung tâm, lên xuống hằng ngày, ông đánh giá như thế nào về hoạt động của thị trường ngoại tệ?
Sau một quý áp dụng cách thức điều hành nói trên, tỷ giá giao dịch trên thị trường giảm nhanh xuống mặt bằng mới, thấp xa so với cuối năm 2015. Thanh khoản tốt và tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ cũng giảm mạnh. Ngân hàng Nhà nước mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung vào dự trữ ngoại hối. Tất cả các nhà băng mua ngoại tệ kỳ hạn của Ngân hàng Nhà nước ngày 31/12/2015 cũng đã hủy giao dịch để tự cân đối trên thị trường
Quan trọng hơn, điều này diễn ra trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới có nhiều biến động mạnh theo chiều hướng bất lợi, nhất là tỷ giá và chứng khoán Trung Quốc. Diễn biến này cho thấy cách thức điều hành mới đã giúp thị trường hấp thu tốt hơn các cú sốc bên ngoài, giảm thiểu tác động bất lợi tới tỷ giá. Việc này cũng làm giảm động cơ đầu cơ, găm giữ, khuyến khích tổ chức và cá nhân bán ngoại tệ ra lấy tiền đồng để hưởng lợi tức lớn hơn...
Như vậy thì cơ chế bán ngoại tệ can thiệp của Ngân hàng Nhà nước dưới hình thức kỳ hạn sẽ có ý nghĩa như thế nào trong cách thức điều hành này?
Cơ chế bán ngoại tệ kỳ hạn là mấu chốt để thực hiện cách điều hành tỷ giá mới. Việc kết hợp này kế thừa được điểm mạnh của cơ chế tỷ giá có cam kết là neo kỳ vọng thị trường, ổn định tâm lý trong khi vẫn cho phép tỷ giá phản ứng linh hoạt với các cú sốc vốn ngày càng liên tục với cường độ mạnh trên thị trường quốc tế.
Thực ra, một số ngân hàng trung ương trên thế giới can thiệp ngoại hối bằng hợp đồng kỳ hạn. Họ bán ngoại tệ kỳ hạn nhằm đối ứng cho hợp đồng bán kỳ hạn giữa ngân hàng thương mại với khách hàng. Tuy nhiên, cách thức can thiệp như vậy có thể khiến ngân hàng trung ương ở thế bị động, không có nhiều tác dụng trấn an tâm lý thị trường.
Khắc phục nhược điểm trên, cơ chế bán ngoại tệ kỳ hạn của Ngân hàng Nhà nước không phải để đối ứng hợp đồng kỳ hạn của ngân hàng thương mại mà để chủ động như một công cụ hỗ trợ và dẫn dắt thị trường. Nó không chỉ định hướng mức biến động tỷ giá tối đa trong từng thời kỳ và mà còn sẵn sàng dịch chuyển nguồn cung ngoại tệ tương lai về hiện tại để bổ sung thanh khoản cho hệ thống, ổn định tỷ giá. Việc này cũng cho phép tổ chức tín dụng tự cân đối một cách hiệu quả cung - cầu ngoại tệ vốn mang tính mùa vụ để phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Vậy sau một thời gian điều hành theo tỷ giá trung tâm, Ngân hàng Nhà nước đánh giá như thế nào về khả năng thả nổi hoàn toàn tỷ giá tại Việt Nam?
Cơ chế tỷ giá thả nổi hoàn toàn cho phép thị trường tự do quyết định mức tỷ giá hằng ngày. Tuy nhiên, cách này có thể khiến tỷ giá biến động mạnh trong ngắn hạn trước tác động của các yếu tố tâm lý, kỳ vọng hay cú sốc kinh tế - tài chính trong và ngoài nước.
Thực tế năm 2015 cho thấy tỷ giá nhiều nước đã biến động rất mạnh như ringit (Malaysia) mất giá 22% hay rupia (Indonesia) mất giá hơn 10%, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cân đối vĩ mô của các nước này.
Yếu tố tâm lý có thể khiến tỷ giá tăng cao hoặc giảm sâu một cách cực đoan mà không phản ánh đúng các cân đối vĩ mô của nền kinh tế trong một thời gian dài. Tỷ giá biến động mạnh sẽ gây khó khăn cho công tác lập kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến hiệu quả của nền kinh tế. Vì thế, chỉ có các nước có nền tài chính phát triển với đầy đủ các công cụ để doanh nghiệp có thể bảo hiểm rủi ro về tỷ giá mới áp dụng cơ chế này. Phần lớn các nước trên thế giới kể cả những nước có nền kinh tế tương đối phát triển như Singapore vẫn áp dụng cơ chế tỷ giá có quản lý.
Trong khi đó, việc điều hành tỷ giá quá cứng nhắc trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới có nhiều biến động phức tạp có thể gây áp lực lớn đối với kinh tế trong nước. Do đó, cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý hiện nay là một lựa chọn phù hợp với một nền kinh tế mới nổi như Việt Nam.
Với việc tham gia vào một loạt các hiệp định thương mại tự do trong năm 2016, Việt Nam đang hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới hơn bao giờ hết. Cơ chế tỷ giá hiện nay cho phép thích ứng với những thay đổi về tỷ giá của các đối tác, do đó đảm bảo được sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Khi thị trường tài chính của Việt Nam thực sự phát triển hơn và doanh nghiệp có đầy đủ các công cụ để bảo hiểm thì tỷ giá có thể thả nổi hoàn toàn cho thị trường quyết định.