Quý I/2019, HPG đạt lợi nhuận 1.700 tỷ đồng, tương đương với quý trước đó, thời điểm Tập đoàn phải hạch toán nhiều chi phí như lương thưởng tháng thứ 13. Kết quả này cho thấy sự tương đồng với kế hoạch kinh doanh cả năm.
Trong thời gian này, giá nguyên vật liệu tăng trở lại và trên lý thuyết, khi giá nguyên vật liệu tăng thì doanh nghiệp thép sẽ hưởng lợi từ hàng tồn kho giá thấp, tỷ suất lợi nhuận sẽ tăng. Cụ thể, sau vụ vỡ đập của Tập đoàn Vale SA ở Brazil, tập đoàn khai thác mỏ lớn nhất thế giới, giá quặng thép tăng từ khoảng 63 - 65 USD/tấn lên 85 - 90 USD/tấn. Để sản xuất 1 tấn thép, Hòa Phát cần 1,6 tấn quặng, nên giá đầu vào tăng 800.000 đồng/tấn thép.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT HPG cho biết, lợi nhuận của doanh nghiệp giảm chủ yếu là do nguyên nhân khách quan từ thị trường. Giá đầu vào tăng, nhưng giá bán ra không tăng tương ứng, nên tỷ suất lợi nhuận giảm. Giá bán trong nước không tăng do cạnh tranh ở thị trường trong nước, cung vượt cầu. Nhiều nhà máy cán thép không hoạt động hết công suất.
Giá đầu vào tăng, nhưng giá bán ra không tăng tương ứng, nên tỷ suất lợi nhuận giảm.
Theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, yếu tố cơ bản khiến giá bán thép không tăng là do bị cạnh tranh bởi nguồn phôi thép có giá thấp được nhập khẩu từ Malaysia. Malaysia không có tên trong danh sách các nước bị áp thuế tự vệ mặt hàng thép khi xuất khẩu vào Việt Nam, do trước kia nước này không có hoạt động xuất khẩu. Nhưng một doanh nghiệp Trung Quốc vừa hoàn thành nhà máy sản xuất tại Malaysia với công suất ở mức khá, nên bắt đầu xuất khẩu phôi thép sang Việt Nam, với mức thuế 0%.
Nhiều doanh nghiệp thép cho biết, giá phôi từ Malaysia thực sự cạnh tranh với giá sản xuất trong nước. Đây là lý do quan trọng khiến giá thép trong nước không tăng, dù giá đầu vào tăng.
Ông Long chia sẻ thêm, nếu Tập đoàn Vale dần khôi phục lại hoạt động một số mỏ thì hy vọng giá quặng giảm trở lại, giá đầu vào của HPG sẽ giảm. Tỷ suất lợi nhuận của HPG sẽ được cải thiện, nhưng với điều kiện giá bán không thay đổi.
Ngoài yếu tố giá quặng thì chi phí lãi vay tăng từ 700 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng ảnh hưởng đến lợi nhuận của HPG. Năm nay, dự án Dung Quất đi vào hoạt động nên lãi vay vốn đầu tư dự án này sẽ phải tính vào chi phí, thay vì được vốn hóa như trước.
Giá điện tăng chỉ ảnh hưởng 0,2 - 0,3% giá thành thép của Hòa Phát, vì tập đoàn này tự chủ được 60% như cầu điện cho sản xuất.
Theo một số phân tích, với mức lợi nhuận 6.700 tỷ đồng, ở mức giá 32.000 đồng/cổ phiếu hiện nay, HPG đang được giao dịch ở mức P/E 2019 khoảng10 lần, không hấp dẫn so với mức định giá chỉ 7 hay 8 lần của các năm trước. Tuy nhiên, trong dài hạn, Hòa Phát có tiềm năng tăng trưởng mạnh về sản lượng và năng lực canh tranh, HPG vẫn là cổ phiếu tiềm năng.
Đại hội đồng cổ đông 2019 của Hòa Phát lấy chủ đề “Quan trọng là bền vững”. Chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Đình Long truyền đi thông điệp này khi xuất hiện trên trên backdrop bên cạnh đồng hồ đếm ngược thời gian 90 ngày kể từ ngày 20/3/2019 sẽ đưa lò cao số 1 của Dung Quất đi vào hoạt động.
“Sau đó, lần lượt 4 tháng có thêm 1 lò cao hoạt động, đến quý II sang năm, cả 4 lò cao sẽ hoàn thành”, ông Long nói. Theo ông Long, nếu triển khai dự án tốt, điều kiện thị trường thuận lợi, HPG phấn đấu đến năm 2025 sẽ nâng công suất dự án Dung Quất lên 10 triệu tấn.
Về khả năng tiêu thụ sản phẩm, ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc HPG chia sẻ, tự tin sẽ tiêu thụ hết sản phẩm của Dung Quất với năng lực cạnh tranh hiện nay.
Dự án Dung Quất của HPG có tổng mức đầu tư ban đầu là 40.000 tỷ đồng cho tài sản cố định, 12.000 tỷ đồng vốn ngắn hạn. Nhưng trong quá trình đầu tư, do tăng đầu tư các thiết bị của nhóm nước G7 và tăng đầu tư cho công nghệ xử lý môi trường, tổng vốn tăng lên 50.000 tỷ đồng cho tài sản cố định và 15.000 tỷ đồng vốn lưu động. Dự án đã giải ngân được khoảng 35.000 tỷ đồng, phần còn lại sử dụng vốn vay, hoặc lợi nhuận làm ra hàng năm để tái đầu tư.
Năm 2019, HPG dự kiến tiêu thụ khoảng 3,3 triệu tấn thép xây dựng (thép dài), thép ống khoảng 800.000 - 900.000 tấn và tôn mạ khoảng 200.000 tấn.