Cơ hội mới
Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu dừa lớn trên thế giới, với diện tích trồng khoảng 175.000 ha, tập trung chủ yếu ở ĐBSCL.
Với việc mở cửa thị trường Trung Quốc, dự kiến kim ngạch xuất khẩu dừa tươi có thể tăng thêm 200 - 300 triệu USD trong năm 2024 và còn tăng trưởng mạnh trong các năm tiếp theo.
Ông Nguyễn Hữu Tài, người có hơn 1 ha trồng dừa tại huyện Giồng Trôm, Bến Tre cho biết ông rất vui vì thêm thị trường chấp nhận nhập dừa tươi Việt Nam.
“Thời gian qua, trái dừa khá bấp bênh về đầu ra, nên nhiều khi bị rớt giá thê thảm, người dân gặp khó. Tôi cũng dự định mở rộng diện tích trồng dừa, thì nay Trung Quốc mở cửa, nên thấy rất vui mừng vì thêm cơ hội”, ông Tài phấn khởi.
Chung niềm vui khi trái sầu riêng đông lạnh được xuất chính ngạch sang Trung Quốc, ông Lê Phước Tiến (Cai Lậy, Tiền Giang) cho biết, thời gian qua, sầu riêng tươi đã giúp nhiều người dân thoát nghèo. Nay thêm sầu đông lạnh được xuất khẩu nên niềm vui nhân đôi.
“Giá cơm sầu đông lạnh cao hơn 2-3 lần so với sầu tươi. Nhiều trái tươi do vỏ xấu không xuất được, nhưng cơm đạt chuẩn. Vì vậy, đây lại là cơ hội cho ngành sầu riêng”, ông Tiến lý giải.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dù cánh cửa cơ hội đã mở, nhưng Trung Quốc ngày càng siết chặt các tiêu chuẩn về thực vật, an toàn thực phẩm cũng như xuất xứ, bao bì, mẫu mã cũng là thách thức không nhỏ.
Ví dụ, để xuất khẩu dừa sang Trung Quốc, sản phẩm phải đáp ứng nhiều tiêu chí nhất là về kiểm dịch thực vật. Trước khi xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải lấy mẫu 2% dừa từ mỗi lô hàng xuất khẩu sang Trung Quốc để kiểm tra kiểm dịch thực vật. Nếu không có vấn đề kiểm dịch nào được phát hiện trong thời gian hai năm, lượng lấy mẫu sẽ giảm xuống còn 1%.
Nếu phát hiện có bất kỳ sinh vật sống nào của các loài gây hại kiểm dịch liên quan đến cành, lá, cuống quả hoặc đất, lô hàng sẽ không được xuất khẩu sang Trung Quốc và vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói có liên quan sẽ bị đình chỉ xuất khẩu dừa sang Trung Quốc. Khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tiến hành điều tra nguyên nhân và thực hiện các biện khắc phục cũng như lưu giữ hồ sơ không tuân thủ để cung cấp cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc theo yêu cầu.
Còn đối với sầu riêng, tuy có lợi thế và cơ hội lớn, song chuyên gia đầu ngành khuyên doanh nghiệp nếu muốn làm phân khúc sầu đông lạnh để tăng giá trị cần đầu tư bài bản và nghiên cứu kỹ về công nghệ để không bị tụt hậu so với các nước. Chi phí đầu tư máy móc, mặt bằng khu chứa hàng nguyên liệu, phế liệu với chi phí cao cũng là bài toán mà doanh nghiệp muốn đầu tư làm sầu đông lạnh phải tính toán.
Bởi theo chia sẻ của ông Gia Cát Đoàn, Chủ tịch Công ty cổ phần Gia Cát Consumer, thời gian qua, doanh nghiệp này cũng đã đầu tư chuẩn bị các khâu để xuất sầu cấp đông sang thị trường Trung Quốc, nhưng cũng vướng nhiều khó khăn, nhất là tiêu chuẩn chất lượng múi sầu, vốn đầu tư kho chứa cao.
Để tận dụng tối ưu lợi thế
Ông Trần Văn Đức, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre (BEINCO) nhận định, hiện nay chất lượng, mẫu mã dừa của Việt Nam chưa được đồng bộ về kích cỡ, độ ngọt, màu sắc…, khiến giá cả, giá trị không cao. Đây là nhược điểm của trái dừa trong cạnh tranh cả nội địa lẫn xuất khẩu.
“Do đó, các địa phương mạnh về dừa xiêm, dừa công nghiệp cần quy hoạch vùng trồng để có số lượng, chất lượng đồng bộ đáp ứng nhu cầu thị trường. Bởi hiện nay người dùng trong nước lẫn xuất khẩu bên cạnh chất lượng hữu cơ thì còn quan trọng vẻ bên ngoài. Thêm các vấn đề truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác…”, ông Đức chia sẻ.
Là địa phương có diện tích dừa lớn nhất cả nước, Bến Tre hiện có 133/134 vùng trồng cơ bản đáp ứng các điều kiện về sản xuất theo quy định hiện hành; đăng ký cấp mã số vùng trồng dừa tươi xuất khẩu với diện tích trên 8.000 ha và gần 13.000 hộ tham gia.
Tuy nhiên, theo ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre, thời gian tới, toàn ngành cần nâng cao tiêu chuẩn để xuất khẩu tốt hơn, chủ động về nguồn gốc xuất xứ. Bởi hiện nay diện tích dừa organic còn khá ít chỉ tập trung vào một số địa phương thuộc các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Bình Định…, nhưng chủ yếu còn nhỏ lẻ chỉ vài chục đến tối đa 100 cây/hộ. Việc cần làm là tuyên truyền, tập huấn thêm cho bà con cùng nhau nâng cao tiêu chuẩn cho dừa xuất khẩu.
Mục tiêu của “thủ phủ dừa" trong giai đoạn 2024 - 2025, sẽ phát triển ổn định diện tích dừa khoảng 79.000 ha. Xây dựng vùng sản xuất tập trung dừa, gắn với phát triển chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tuần hoàn và chế biến sâu các sản phẩm dừa.
Đặc biệt, tỉnh chủ trương phát triển thêm 1.500 ha dừa hữu cơ, diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng khoảng 2.000 ha. Cải tạo 1% vườn dừa kém hiệu quả, vườn dừa lão để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm dừa. Giá trị sản xuất ngành sản xuất chế biến dừa tăng bình quân từ 17,2%/năm. Kim ngạch xuất khẩu dừa tăng bình quân 23,58%/năm, đạt khoảng 1 tỷ USD.
Còn đối với sầu riêng, theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá lợi thế của hàng đông lạnh là có hạn sử dụng tối thiểu một năm, dùng làm nguyên liệu xuất khẩu hay chế biến sâu ở nội địa. Giá của sầu đông lạnh cũng cỡ 300.000 - 400.000 đồng/ký tuỳ thời điểm.
“Thời gian qua, Trung Quốc liên tục cảnh báo về việc phát hiện hàng loạt lô sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu vào quốc gia này không đạt tiêu chuẩn, thậm chí quyết định cấm xuất khẩu một số đơn vị”, ông Nguyên nhắc nhở.
Vì vậy, đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam cảnh báo rằng, trước những thông tin mới người nông dân cần hạn chế ồ ạt chạy đua trồng sầu riêng, không theo quy hoạch để cung vượt cầu. Thêm nữa, tránh hái hàng non, kém chất lượng ảnh hưởng chung đến hình ảnh nông sản Việt Nam đang vốn nhiều lợi thế.