Lương thưởng lãnh đạo thêm minh bạch hóa

Lương thưởng lãnh đạo thêm minh bạch hóa

(ĐTCK) Nghị định 71/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/8/2017 đã quy định rất rõ về cách thức công bố thu nhập của Hội đồng quản trị, Ban điều hành và đặc biệt là Giám đốc (Tổng giám đốc) doanh nghiệp. Đây vốn là thông tin không mấy khi được các doanh nghiệp công bố rõ ràng.

Cụ thể, Nghị định 71 quy định, tiền lương của Giám đốc (Tổng giám đốc) và người quản lý khác phải được thể hiện thành mục riêng trong Báo cáo tài chính hàng năm của công ty và phải báo cáo Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp thường niên.

Hiện nay, các doanh nghiệp niêm yết hay doanh nghiệp đại chúng phần lớn chỉ công bố tổng thù lao của Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát, trong khi Ban điều hành hầu như vắng bóng. Thù lao lớn nhất thường thuộc về các ngân hàng, nhất là các ngân hàng tư nhân quy mô lớn, với mức dao động khoảng 16-20 tỷ đồng/năm cho 9-11 thành viên.

Rất ít doanh nghiệp tự nguyện công bố thu nhập của Ban điều hành. Chẳng hạn, nếu như cách đây vài năm, Báo cáo thường niên của Vinamilk không đưa chi tiết, nhưng có đề cập đến quỹ lương thưởng cho Ban điều hành vào khoảng vài chục tỷ đồng, thì nay, Vinamilk không công bố chi tiết.

FPT có công bố thu nhập của Ban điều hành, nhưng chỉ chi tiết đến lương chiếm bao nhiều phần trăm, thưởng bao nhiêu phần trăm đối với các ông Trương Gia Bình, Bùi Quang Ngọc… và không có con số cụ thể cho mỗi lãnh đạo.

Nhựa Bình Minh có chi tiết thu nhập của Hội đồng quản trị và mức thuế thu nhập họ đã nộp trong năm. Đơn cử, với các ông Lê Quang Doanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, đạt khoảng 1,2 tỷ đồng/năm; ông Nguyễn Hoàng Ngân, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, đạt trên 2 tỷ đồng/năm…

Với quy định mới, có lẽ năm sau, giới truyền thông và phân tích của các công ty chứng khoán sẽ có thêm một bảng xếp hạng mới về những lãnh đạo doanh nghiệp có thu nhập nhiều nhất trên thị trường chứng khoán, bên cạnh các bảng xếp hạng về người giàu trên sàn như hiện nay.

Chuyện công khai lương thưởng của Ban lãnh đạo, Ban điều hành doanh nghiệp sẽ góp phần gia tăng sự minh bạch trong hoạt động doanh nghiệp và trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, nếu không có những cơ chế giám sát đồng bộ, điều này không có nhiều ý nghĩa.

Ở nhiều doanh nghiệp đại chúng hiện nay, lãnh đạo doanh nghiệp có thể nhận thù lao tượng trưng, rất thấp, nhưng bù lại có những nguồn thu nhập “kín đáo” hơn. Chẳng hạn, giao dịch với các bên có liên quan thế hệ cháu, chắt; áp phương thức bán hàng, nhất là các sản phẩm có giá trị lớn như bất động sản có tiền chênh, hay chỉ đơn giản là để số dư tiền mặt lớn không chia…

Tin bài liên quan