Lương, thưởng tiền tỷ
Mặc dù hoạt động của ngành ngân hàng trong những năm gần đây có khó khăn nhất định, song với nhân sự cấp cao trong ngành vẫn luôn được chào mời với mức lương, thưởng khá hấp dẫn. Lương CEO của không ít ngân hàng vẫn tính bằng tiền trăm triệu hàng tháng và tiền tỷ hàng năm. Ngoài ra, mức thưởng, phụ cấp cũng là điều đáng mơ ước của nhiều người. Đặc biệt, với các thành viên trong HĐQT của các nhà bằng, ngoài mức lương cố định, còn có thù lao được chi trả hàng năm lên đến hàng chục tỷ đồng.
Điều này cũng lý giải cho lý do vì sao một số chuyên gia đã trở thành thành viên HĐQT độc lập, thậm chí trở thành người làm thuê ngồi vào ghế “nóng” của các nhà băng. Xu hướng các ông chủ thực sự của nhà băng không ngồi ghế nóng, mà chỉ đứng sau hậu trường quan sát và chỉ đạo khi nhận thấy tình hình có nhiều biến chuyển, đang trở nên phổ biến. Chẳng hạn tại DongA Bank, HDBank, Sacombank…, người ngồi ghế Chủ tịch HĐQT không hẳn là ông chủ nhà băng, mà bóng dáng điều hành phía sau chính là những ông chủ không muốn lộ diện.
Chủ tịch HĐQT DongA Bank, TS. Cao Sỹ Kiêm trước khi được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng tại kỳ ĐHCĐ thường niên 2014 là thành viên HĐQT độc lập. Ông Kiêm cũng là một trong những người thuộc thế hệ đầu tiên sáng lập DongA Bank. Tương tự, tại Sacombank, Chủ tịch HĐQT đương nhiệm là ông Kiều Hữu Dũng trước khi được bầu vào ghế “nóng” cũng là thành viên HĐQT độc lập của Ngân hàng. Cả hai vị chủ tịch HĐQT trên đều là những người từng công tác tại Ngân hàng Nhà nước.
Hiện không ít người ngồi ghế “nóng” nhưng không đứng tên sở hữu cổ phiếu nào của nhà băng, như ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Kienlongbank. Trong khi con trai ông lại là cổ đông lớn của Kienlongbank khi nắm giữ 5% cổ phần.
Mặc dù không nắm cổ phiếu nào của nhà băng khi đang giữ vị trí ghế “nóng”, nhưng khoản thù lao mà các nhà băng chi trả cho HĐQT luôn ở mức “khủng”.
Tại SouthernBank, mặc dù lợi nhuận năm qua nhà băng này chỉ còn lại 1,2 tỷ đồng trước thuế (sau trích lập dự phòng rủi ro). Thế nhưng, thù lao của HĐQT, Ban kiểm soát vẫn được giữ nguyên mức trình ĐHCĐ năm trước là 13,7 tỷ đồng cho 10 người. Đáng chú ý hơn nữa, HĐQT nhà băng này vẫn trình ý kiến cổ đông thông qua mức thù lao trên 14 tỷ đồng cho các thành viên HĐQT, Ban kiểm soát trong năm 2015. Hay tại Sacombank, thù lao HĐQT, Ban kiểm soát năm rồi là 53,5 tỷ đồng…
Theo một nguồn tin đáng tin cậy, sở dĩ các chuyên gia kinh tế độc lập được mời vào “ghế” nóng hoặc cố vấn cấp cao cho các ngân hàng là do mức lương, thưởng các nhà băng đưa ra rất cao, khoảng 300 triệu đồng/tháng, đó là chưa kể thù lao cho các thành viên HĐQT được trích ít nhất 2% trên lợi nhuận thu về.
Vẫn chạy vòng quanh
Mặc dù lương, thưởng nhân sự cấp cao trong lĩnh vực ngân hàng luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm. Mức thưởng Tết của lãnh đạo ngân hàng cũng là đề tài được bàn tán nhiều nhất vào dịp cuối mỗi năm. Lương, thưởng tiền tỷ cũng chính là lực hút đối với lãnh đạo cấp cao của các nhà băng, thế nhưng, tình trạng thiếu hụt nhân sự cấp cao trong ngành ngân hàng vẫn chưa chấm dứt, đặc biệt là trong những năm gần đây khi làn sóng M&A ngày một nóng dần. Nhiều lãnh đạo cấp cao xoay chuyển liên tục chỉ trong một thời gian ngắn từ nhà băng này sang ngân hàng khác.
Đơn cử tại VietA Bank, trong 2 năm qua, tình trạng thay đổi nhân sự xảy ra liên tục. Một phó tổng giám đốc của VietA Bank chuyển sang công tác tại OCB là ông Hoàng Ngọc Minh Toàn. Trong khi đó, ông Phạm Linh từng công tác tại OCB, với vị trí Phó tổng giám đốc chuyển sang VietA Bank với vị trí tương đương. Trong năm qua, VietA Bank cũng có một phó tổng giám đốc mới là ông Trịnh Minh Thảo được chuyển về từ Techcombank (nguyên là Phó tổng giám đốc Techcombank).
Đáng chú ý ở vị trí cấp cao hơn là vai trò CEO, với mức lương, thưởng cao, nhưng không ít người đã nhanh chóng rời ghế CEO chỉ sau một thời gian ngắn nắm giữ.
Điển hình như trường hợp của VIB, bà Đàm Bích Thủy vốn là một lãnh đạo ngân hàng kỳ cựu (nguyên CEO ANZ Việt Nam) đã về làm CEO VIB từ tháng 3/2013 và được NHNN chấp thuận hồi tháng 5/2013. Tuy nhiên, đến đầu tháng 9/2013, bà Thủy đã từ nhiệm vị trí ghế nóng sau một thời gian làm việc rất ngắn ngủi, chưa đủ để làm quen công việc tại tổ chức mới. Với quyết định này, những tham vọng của bà Thủy với VIB coi như chấm dứt cho dù trước đó, giới đầu tư khá xôn xao về việc VIB quyết định bổ nhiệm bà Thủy đảm nhiệm vị trí CEO. Nhiều người cho rằng, với trình độ, kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và từng đảm nhận chức vụ CEO và Phó chủ tịch khu vực Mekong của Ngân hàng ANZ, bà Thủy sẽ đem đến một vóc dáng mới cho VIB.
Trước đó không lâu cũng ở VIB vào cuối tháng 1/2013, giới tài chính đã chứng kiến một CEO nữ khác là bà Dương Thị Mai Hoa từ nhiệm. Bà Hoa sinh năm 1969 và cũng có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý tài chính, kế toán tại các công ty 100% vốn nước ngoài, chi nhánh của các tập đoàn đa quốc gia, chi nhánh của các ngân hàng quốc tế lớn đang hoạt động tại Việt Nam. Nhưng cũng như bà Thủy, bà Mai Hoa chỉ ngồi “ghế nóng” CEO của VIB trong một khoảng thời gian rất ngắn, từ tháng 9/2011 tới cuối tháng 1/2013. Bà Dương Thị Mai Hoa từ nhiệm vị trí CEO của VIB với lý do cá nhân và đã chuyển qua làm việc ở một ngân hàng khác…
Thực tế cho thấy, tình trạng nhân sự cấp cao trong ngành ngân hàng chạy vòng quanh và khó yên vị lâu đã không còn là chuyện mới và vẫn chưa có dấu hiệu dừng. Mức lương thưởng cao tạo sức hút thu hút nhân sự, nhưng áp lực công việc, cộng thêm sức ép khi ngành này đang trong giai đoạn tái cấu trúc, khiến không ít lãnh đạo cấp cao nhà băng rời sang lĩnh vực khác.
Một trong những trường hợp có thể kể đến là ông Lưu Đức Khánh, xuất thân từ ngân hàng ngoại HSBC, sau đó được biệt phái sau Techcombank kể từ khi HSBC mua lại cổ phần của nhà băng này. Kế đến, ông Khánh chuyển qua công tác tại ABBank, với vị trí điều hành CEO. Trong hơn 2 năm ở ABBank, ông đã đưa thương hiệu của ngân hàng này đến nhiều người. Thế nhưng, trước khó khăn của ngành tài chính những năm 2010 - 2011, ông Khánh đã rời lĩnh vực ngân hàng để chuyển sang kinh doanh hàng điện máy. Tuy nhiên, cũng chỉ được một thời gian ngắn, ông quay lại làm Phó chủ tịch HĐQT HDBank. Mặc dù vậy, ông Khánh lại được biết đến nhiều hơn khi điều hành VietjetAir ở vị trí CEO điều hành, còn vai trò Phó chủ tịch HĐQT HDBank khá mờ nhạt.
Nhận định về xu hướng này, TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa quản trị và kinh doanh - Trường đại học Ngân hàng TP. HCM cho rằng, làn sóng biến động nhân sự trong ngành tài chính sẽ chưa dừng lại khi quá trình tái cấu trúc ngành vẫn đang đẩy mạnh.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là hiện không ít lãnh đạo cấp cao ngồi ghế “nóng” của nhà băng cũng tỏ ra lo ngại khi tình hình kinh tế khó khăn, nợ xấu tăng khiến không ít lãnh đạo cấp cao của ngân hàng phải đối mặt với vòng lao lý nếu không kiểm soát được rủi ro. Điển hình như vụ việc của Chủ tịch OceanBank, VNCB mới đây hay với ACB trước đó.