Lương tăng, giá có tăng?

Lương tăng, giá có tăng?

0:00 / 0:00
0:00
Sau 4 năm chờ đợi, cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đã chính thức được tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng kể từ ngày 1/7/2023. Lần gần nhất người lao động tăng lương cơ sở là ngày 1/7/2019.

Đây chắc chắn là tin mừng đối với hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức... Lương tăng, thu nhập người lao động cao hơn, cộng thêm việc hàng loạt chính sách miễn giảm thuế, phí, bao gồm giảm 2% thuế giá trị gia tăng… sẽ hỗ trợ tích cực cho tiêu dùng, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy vậy, một câu hỏi luôn được đặt ra. Đó là liệu lương tăng, thì giá có tăng? Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tăng trưởng đang chậm lại đáng kể, nếu giá cả hàng hóa tăng sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu kiềm chế lạm phát của Việt Nam.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, hiện tại, lạm phát của Việt Nam vẫn đang ở trong tầm kiểm soát. Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố cách đây ít ngày, Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2023 tăng 0,27% so với tháng trước đó, tăng 0,67% so với tháng 12/2022 và tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu tính bình quân, thì 6 tháng đầu năm nay, CPI tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước.

Tất cả các chỉ số này đều cho thấy, giá cả đã hạ nhiệt. CPI bình quân 6 tháng - chỉ số được lấy làm thước đo lạm phát của Việt Nam - đã ngày càng cách xa mục tiêu điều hành 4,5% trong năm nay.

Với mức tăng CPI bình quân hiện thời, nhiều khả năng, lạm phát năm nay sẽ được kiểm soát dưới 4,5%. Thậm chí, theo dự báo mới nhất của Ngân hàng HSBC, lạm phát của Việt Nam sẽ chỉ ở mức 2,6% trong năm nay.

Dù vậy, phía trước vẫn còn nhiều yếu tố tác động tới CPI, không thể lơ là trong điều hành. Có thể, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, cầu tiêu dùng không cao, thì sẽ khó có chuyện “té nước theo lương”, “té nước theo xăng” như trước đây đã từng. Nhưng việc tăng lương có thể cũng sẽ ảnh hưởng tới giá cả thị trường nói chung.

Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, khi tăng trưởng GDP chỉ ở mức 3,72% sau 6 tháng, trong khi lạm phát đang được kiểm soát tốt, Chính phủ sẽ ưu tiên hơn cho mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng. Chính sách tiền tệ có thể được nới lỏng hơn, các ngân khoản lớn dành cho Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, cũng như chương trình đầu tư công của Chính phủ… sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Khi nguồn tiền lớn được đổ ra thị trường, thì có thể cũng sẽ ảnh hưởng tới giá cả thị trường nói chung.

Và cũng rất có thể, trong bối cảnh lạm phát đang ở mức thấp, giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, ví dụ như giá điện, sẽ nhân cơ hội để điều chỉnh cho sát hơn với giá thị trường. Giá dịch vụ y tế, giáo dục… cũng có thể sẽ được điều chỉnh. Nếu vậy, cũng sẽ tác động tới giá cả hàng hóa nói chung.

Lạm phát đang ở mức thấp, có thể tạm yên tâm, nhưng có lẽ chưa vội mừng. Bởi lẽ, ngoài các vấn đề điều hành giá cả trong nước, thì CPI của Việt Nam còn chịu tác động của giá cả hàng hóa thế giới, mà hiện tại, giá các mặt hàng này, như xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào sản xuất… đều đang neo ở mức cao. Có thể không căng thẳng như năm trước, nhưng đó cũng là yếu tố sẽ ảnh hưởng tới lạm phát của Việt Nam.

Nhưng câu chuyện lớn hơn, đáng lo hơn đối với kinh tế Việt Nam hiện tại, đó là tăng trưởng GDP đang ở mức rất thấp. Hơn 10 năm qua, trong giai đoạn 2011-2023, tăng trưởng GDP của quý II và 6 tháng đầu năm nay đều chỉ cao hơn mỗi mức tăng trưởng của quý II và 6 tháng đầu năm 2020 - năm mà kinh tế Việt Nam chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19.

Nhiều kỳ vọng đang đặt vào quý III tới, vào những tháng cuối năm, khi nhiều dự báo cho thấy, các đơn hàng và hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp đang có xu hướng tăng trở lại. Tuy nhiên, khó khăn phía trước vẫn còn rất lớn. Bởi thế, bài toán điều hành hiện nay là làm sao vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa kiểm soát lạm phát và giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt là một số nền kinh tế toàn cầu đang bắt đầu đối mặt với nỗi lo “đình lạm”. Phải làm sao để câu chuyện đó không xảy ra với nền kinh tế Việt Nam!

Tin bài liên quan