Ảnh Internet

Ảnh Internet

Lương không thể là nỗi sợ hãi của doanh nghiệp

Tốc độ tăng trưởng lương trung bình tiếp tục vượt quá tốc độ tăng năng suất lao động. Nhận định này vừa được Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP) nhắc lại trong Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2018 với chủ đề hiểu về thị trường lao động để tăng năng suất vừa công bố hôm đầu tuần.

Thực ra, nghịch lý này không mới, nhưng ngày càng rõ nét, nhất là từ năm 2009 trở lại đây và VERP cũng đã từng có nghiên cứu riêng về chủ đề này.

Nhưng lần nào bàn tới câu chuyện này, những tra vấn từ giới hoạch định chính sách về cách tính toán hay các mô hình mà VERP áp dụng có thực sự chuẩn luôn được đặt ra.

Trong khi đó, các doanh nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân không thôi lo lắng khi mỗi năm phải đối mặt với những thay đổi chóng mặt về chi phí tiền lương mà họ phải tuân thủ. 

Đặc biệt, tốc độ tăng lương tối thiểu liên tục trong giai đoạn vừa qua đã dẫn tới tăng lương trung bình và đương nhiên tác động trực tiếp tới tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp.

Cụ thể, nếu lương tối thiểu của doanh nghiệp tăng 1% thì lương trung bình tăng 0,32%, việc làm giảm 0,13%, chi phí cho bảo hiểm xã hội tăng 0,14%, còn lợi nhuận của doanh nghiệp giảm 2,3%.

Thậm chí, với cơ chế về tiền lương trong doanh nghiệp hiện hữu (gồm cả đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phí công đoàn… được tính dựa trên lương), chi phí tổi thiểu bình quân cho một người lao động mà doanh nghiệp Việt Nam phải gánh chịu gần chạm mức chi phí tương ứng của doanh nghiệp Thái Lan, cao hơn chi phí tương ứng tại Indonesia. 

Nhưng, điều mà các doanh nghiệp Việt Nam không nhận được một cách tương ứng, đó là việc tăng năng suất lao động qua cơ chế khuyến khích từ lương do phải tuân thủ những cơ chế khá cứng nhắc, không thực sự phù hợp với quy luật thị trường. 

Ở góc độ vĩ mô, đây phải là bài toán lớn đặt ra trong các đề án cải cách tiền lương cũng như các ưu tiên chính sách của Chính phủ.

Vì nếu không có sự cải thiện về năng suất, các nỗ lực tăng lương tối thiểu sẽ dẫn thủ tiêu sức cạnh tranh của nềnkinh tế, bào mòn các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh…

Nhưng, từ góc độ vi mô, hành vi ứng xử của các doanh nghiệp đơn giản nhưng lại đáng lo hơn rất nhiều. Nhiều doanh nghiệp tư nhân có khuynh hướng cắt giảm lao động chính thức, có đóng bảo hiểm, để đối phó. Số doanh nghiệp có quy mô lao động lớn hơn có tốc độ tăng tưởng việc làm giảm.

Lương tối thiểu tăng 1% thì tăng trưởng lao động giảm 0,2% với doanh nghiệp quy mô 100 lao động và 0,1% với doanh nghiệp quy mô 50 lao động. 

Thậm chí, có một “khoảng mờ chính sách” xuất hiện khi các khoản phải nộp liên quan tới lương quá lớn, không chỉ doanh nghiệp, mà cả người lao động cũng không sẵn sàng tuân thủ… Hệ quả là danh sách những doanh nghiệp nợ bảo hiểm, lẩn trách các nghĩa vụ nộp bảo hiểm ngày một dài hơn được công bố.

Có lẽ đã đến lúc, các quy định về lương trong doanh nghiệp, cơ chế chính sách về lương tối thiểu không thể là nỗi sợ hãi của doanh nghiệp như hiện tại.

Tiền lương phải đúng là giá cả sức lao động, hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động theo quy luật của quy luật cung - cầu, Nhà nước chỉ ban hành các nguyên tắc chung.

Tin bài liên quan