Tuy nhiên, lượng khách sụt giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái do phương tiện cá nhân gia tăng, ùn tắc giao thông và giá xăng dầu liên tục giảm thấp làm cho giá vé xe buýt không còn hấp dẫn so với các loại hình vận tải khác như taxi, xe ôm, xe điện...
Theo báo cáo quý I/2016 của Transerco, doanh thu toàn Tổng công ty đạt 888,5 tỷ đồng, đạt 102,4 % kế hoạch, tăng trên 1,9%; lợi nhuận đạt trên 14 tỷ đồng, hiệu quả (khấu hao+ lợi nhuận) đạt 62,6 tỷ đồng, vượt 8% so với kế hoạch, tăng trên 10% so với cùng kỳ năm 2015.
Tổng công ty đã phối hợp với cơ quan quản lý thực hiện điều chỉnh lộ trình của 11 tuyến xe buýt phục vụ phân luồng tổ chức giao thông và mở rộng vùng phục vụ 2 tuyến buýt tới các xã Tân Dân và Phú Túc (huyện Phú Xuyên); triển khai thí điểm niêm yết thông tin giờ xe xuất bến tại các pano đầu bến và 23 điểm dừng cho 5 nhánh của tuyến 06 để hành khách nắm được thời gian chạy xe. Trong thời gian tới, Transerco sẽ đánh giá hiệu quả và nhân rộng cho các tuyến khác.
Ngoài ra, Transerco tiến hành khảo sát toàn mạng xe buýt thành phố với 1.927 điểm dừng đỗ và 74 điểm đầu cuối để chuẩn bị phương án chỉnh trang, phát triển nhà chờ xe buýt đồng thời đã tổ chức thi tuyển rộng rãi để lựa chọn thiết kế kiến trúc nhà chờ xe buýt sử dụng thống nhất trên địa bàn Hà Nội.
Hiện nay, Tổng công ty cũng đang nghiên cứu phương án đầu tư thí điểm xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch, trong đó định hướng sử dụng công nghệ CNG đã được chạy thí điểm ở một số tỉnh thành phía Nam, phấn đấu đầu tư thí điểm 1-2 tuyến xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch trong năm nay và đang triển khai dự án thí điểm trang bị thẻ vé điện tử trên các tuyến xe buýt để đưa vào sử dụng ngay trong năm 2016.
Về dự án xe buýt nhanh BRT, Tổng công ty đang phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông Vận tải trong công tác chuẩn bị bàn giao tiếp nhận quản lý vận hành tuyến xe buýt nhanh BRT dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2016.