Lương hưu từ 2015 sẽ không còn là bình quân 10 năm trước khi nghỉ

Lương hưu từ 2015 sẽ không còn là bình quân 10 năm trước khi nghỉ

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết, với cách tính mới, phần trăm lương hưu bình quân có thể giảm. 

Một trong những nội dung của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi chuẩn bị trình Quốc hội tới đây được dư luận rất quan tâm là việc lương hưu đối với công chức, viên chức có thể giảm theo cách tính mới. Ông có thể cho biết cụ thể về điều này?

Hiện nay, lao động ngoài nhà nước chịu thiệt thòi hơn khi lương hưu của họ được tính theo bình quân tiền lương toàn bộ thời gian đóng BHXH. Vì vậy, theo đề nghị của Ban soạn thảo Luật BHXH sửa đổi, mức bình quân lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu đối với công chức, viên chức tham gia BHXH từ ngày 1/1/2015 sẽ được tính theo tiền lương bình quân toàn bộ thời gian đóng BHXH, thay vì bình quân 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu như hiện nay. Điều này nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng tham gia BHXH, cũng như đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng, loại bỏ tình trạng đóng ít, hưởng nhiều gây mất cân đối thu - chi của Quỹ BHXH như hiện nay.

Nhưng cách tính mới sẽ gây thiệt thòi cho các cán bộ, công chức tham gia BHXH từ ngày 1/1/2015 khi mà tiền lương hưu sẽ giảm?

Nếu quy định trên áp dụng với những người bắt đầu tham gia BHXH từ tháng 1/2015, thì sớm nhất cũng phải đến năm 2035 mới có người nghỉ hưu được tính theo cách mới. Theo đó, bình quân tiền lương toàn bộ thời gian đóng BHXH sẽ thấp hơn bình quân tiền lương của 10 năm cuối, vì chúng ta đang áp dụng nguyên tắc tăng lương theo thâm niên. Tuy nhiên, phần trăm lương bình quân có thể giảm đi, nhưng trên nền lương cao hơn, vì từ nay đến năm 2035, đương nhiên lương cơ bản sẽ tăng lên nhiều so với hiện nay.

Tất nhiên, vẫn không tránh khỏi một chút thiệt thòi cho những người tham gia BHXH từ tháng 1/2015. Thế nhưng, giải quyết những thiếu sót từ cái nền của chính sách cũ về BHXH là vấn đề cực kỳ phức tạp. Vì vậy, để hạn chế tối đa ảnh hưởng khi sửa đổi, Ban soạn thảo chỉ kiến nghị sửa đổi cách tính đối với những người tham gia mới, sau thời gian dự kiến Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực (từ ngày 1/1/2015). Như vậy, toàn bộ những đối tượng đã tham gia BHXH trước đó không hề bị ảnh hưởng.

Phía Tổng liên đoàn Lao động có ý kiến rằng, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, chỉ nên thay đổi cách tính lương hưu khi mức đóng BHXH được tính trên tiền lương thực lĩnh (bao gồm cả phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác), thay vì chỉ tính trên lương ghi trong hợp đồng lao động như hiện nay. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Để cân đối thu - chi của quỹ BHXH, có nhiều giải pháp mà chúng ta đang tiến tới thực hiện, chứ không phải chỉ có một cách thay đổi cách tính lương hưu, như việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH, tăng dần tuổi lao động. Giải pháp mà Tổng liên đoàn Lao động đưa ra là ngoài mức đóng BHXH 22% của tiền lương ghi trên hợp đồng thì đóng thêm % thấp hơn của các loại phụ cấp ngoài lương.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đang tính toán lộ trình cho việc này, nhưng chưa thể làm ngay được. Bởi mở rộng mức đóng BHXH trên cả phụ cấp ngoài lương sẽ khiến doanh nghiệp mất thêm khá nhiều chi phí, đặc biệt là khi lương tối thiểu cũng đang trong lộ trình tăng liên tục. Điều này đồng nghĩa với việc giảm sức hút đầu tư của nền kinh tế, doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng do mất sức cạnh tranh khi phải tăng chi phí đầu vào. Chúng tôi đang tính lộ trình áp dụng cách tính này từ năm 2018 hoặc từ năm 2020 sau khi trình Quốc hội xem xét.

Dự kiến, Dự thảo Luật BHXH sửa đổi sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua vào thời gian nào, thưa ông?

Dự thảo sẽ được trình Quốc hội xem xét, thảo luận vào kỳ họp tháng 5 tới đây và dự kiến sẽ được bỏ phiếu thông qua vào kỳ họp tháng 10. Tuy nhiên, hiện vẫn có khá nhiều ý kiến trái chiều, nên chưa thể biết trước được điều gì khi chưa thảo luận tại Quốc hội.

Tin bài liên quan