"Mức lương này gấp nhiều lần lương Chủ tịch Quốc hội" đại biểu Lợi nói thêm.
Trước thực trạng Quỹ BHXH có nguy cơ đổ vỡ do bất hợp lý trong quan hệ đóng – hưởng, mức đóng ít, thời gian ngắn so với hưởng, Dự luật hướng tới tăng thu và giảm mức hưởng của người lao động
Theo đó, Dự luật lần này sẽ mở rộng đối tượng đóng bảo hiểm, thêm 3 nhóm gồm người lao động làm việc theo hợp đồng mùa vụ thời gian từ 1 – 3 tháng; cán bộ không chuyên trách ở cấp xã; đối tượng đóng bảo hiểm tự nguyện.
Mức đóng cũng được điều chỉnh theo hướng tăng lên. Phí bảo hiểm được tính theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương và tiền lương giờ đây sẽ bao gồm lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác có trong hợp đồng thay vì chỉ bao gồm lương như hiện hành.
Trong khi đó, mức lương hưu trí sẽ bị giảm đi với cách tính mới. Hiện có 2 phương án được đưa ra để thảo luận. Theo đó, phương án thứ nhất, điều chỉnh theo lộ trình, từ năm 2018, mức lương hưu hàng tháng bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH trong 15 năm với nữ và 20 năm với năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Phương án thứ hai, bắt đầu từ năm 2018, lương hưu được hưởng bằng 45% mức bình quân tiền lương đã đóng trong 16 năm, năm 2019 là 18 năm, 2020 là 19 năm... cho đến năm 2022 là 20 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ, mức tối đa bằng 75%.
Một nội dung đáng chú ý là chi phí quản lý Quỹ BHXH, dự luật đề ra phương án chi phí quản lý Quỹ được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư của quỹ. Mức cụ thể do Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định 3 năm một lần.
Nhận xét về dự luật này, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nói: “Với luật này, người lao động sẽ phải đóng nhiều hơn, mức hưởng hàng tháng giảm đi. Đây là điều không ai muốn, là người lao động tôi cũng không muốn. Nhưng có thực tế phải nhìn nhận, khả năng mất cân đối của Quỹ BHXH ngày càng hiển hiện. Với tình trạng hiện nay trong 10 – 15 năm nữa có thể sẽ vỡ quỹ”.
Ý kiến các đại biểu cơ bản đồng ý với những nội dung của dự luật tuy nhiên, các đại biểu cũng góp ý thêm một số vấn đề để làm sao đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người lao động. Chẳng hạn như với đối tượng là cán bộ không chuyên trách cấp xã, các đại biểu ủng hộ việc đóng bảo hiểm bắt buộc trong phạm vi hưu trí và tử tuất.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Phó chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, người đã tham gia thẩm tra dự luật này từ đầu đến nay, chia sẻ rằng nhiều ý kiến đại biểu rất đúng, sẽ xem xét, tiếp thu với tinh thần bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người lao động.
Về công thức tính lương hưu, đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng phương án tính của dự luật là để đảm bảo cân bằng quỹ. Đại biểu Lợi dẫn ví dụ về trường hợp ông Nguyễn Minh, nguyên Tổng giám đốc Nhà máy bia Huda (Huế) hiện đang hưởng lương hưu 65 triệu/tháng, cao hơn rất nhiều so với lương Chủ tịch Quốc hội.
“Nếu không tính theo nguyên tắc đóng hưởng để đảm bảo cân bằng quỹ thì rất khó khăn. Nhưng chúng tôi muốn kéo dãn lộ trình này để người về hưu trước và khi luật mới ban hành không có sự chênh nhau nhiều” – đại biểu Bùi Sỹ Lợi nói.