Hiện tại, mức tăng trưởng trung bình của khu vực doanh nghiệp tư nhân hơn 7,5%/năm. Nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra cho khối doanh nghiệp tư nhân là “tăng tỷ trọng đóng góp vào GDP từ xấp xỉ 49% hiện nay lên 60%”, theo nhận xét của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bên lề Diễn đàn VPSF, thực sự cần nỗ lực rất lớn.
Khảo sát tại Diễn đàn cho thấy, chỉ có 38% doanh nghiệp nhận định, tăng trưởng GDP năm 2017 có thể đạt 6,5 - 6,7%. Đặc biệt, 65% doanh nghiệp đã chọn “hành động” khi được hỏi về mong muốn ưu tiên nào trong Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động.
Hành động, theo mong muốn của ông Trịnh Minh Giang, Tổng giám đốc VMCG, là hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp tìm vốn và các yếu tố khác. Hiện chưa có hỗ trợ nào về lĩnh vực này với doanh nghiệp khởi nghiệp.
Ông Giang lấy ví dụ, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp không gian làm việc cho khởi nghiệp hiện phải theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, như yêu cầu phải có vốn điều lệ tối thiểu 20 tỷ đồng. Doanh nhân này đề xuất, Chính phủ xem xét miễn thuế cho khối tư nhân với các hoạt động khởi nghiệp.
Chia sẻ tâm tư về chủ đề gọi vốn cho hoạt động khởi nghiệp, bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP. HCM nói, từ 1/1/2018, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ có hiệu lực, theo đó cộng đồng doanh nghiệp rất mong có những văn bản hướng dẫn việc hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Từ nay cho đến khi Luật có hiệu lực, cũng như các văn bản hướng dẫn Luật được ban hành, Chính phủ nên cho thí điểm hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm. Hiện tại, theo quy định, việc thành lập các quỹ như vậy phải tuân thủ Luật Chứng khoán, với hàng loạt thủ tục phức tạp dành cho các công ty quản lý quỹ.
“Nếu áp dụng theo Luật Chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm khó có thể ra đời và hoạt động”, bà Phi nhận định.
Lĩnh vực nông nghiệp, vốn là thế mạnh của Việt Nam, nhưng theo ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Giống cây trồng Thái Bình, rất nhiều quy định oái ăm đang níu chân doanh nghiệp. Ông đề nghị bỏ hạn mức xuất khẩu nông sản và khuyến khích xuất khẩu bằng cách áp thuế VAT với xuất khẩu nông sản bằng 0%.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Viettravel bức xúc nói rằng, dư địa cho các doanh nghiệp du lịch tăng trưởng là rất lớn, nhưng nhìn thấy cơ hội mà đành để nó trôi qua. Nguyên do, du lịch sử dụng hạ tầng để phát triển, chịu nhiều tác động từ các lĩnh vực khác đem lại, chẳng hạn việc giữ gìn môi trường, cảnh quan tự nhiên, sản phẩm tại các điểm đến, tình hình an ninh trật tự và cả an toàn giao thông.
Nếu không có chương trình hành động quyết liệt, mục tiêu doanh thu 35 tỷ USD của ngành du lịch vào năm 2020 khó có thể đạt được.
Ông Kỳ cho biết, doanh nghiệp sẵn sàng đóng góp vào quỹ quảng bá du lịch, nhưng cần có cơ chế miễn thuế cho hoạt động này.
Càng mở rộng kinh doanh, càng đặt mục tiêu tăng trưởng cao, doanh nghiệp tư nhân càng vất vả, thậm chí luôn phải duy trì tinh thần khởi nghiệp cả đời như chia sẻ của ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco. Vị doanh nhân này khẳng định, tăng trưởng hai con số cho khu vực doanh nghiệp tư nhân chỉ có thể đạt được khi những đề xuất của doanh nghiệp được ghi nhận, được xử lý và thực thi mạnh mẽ.
Gần một nửa số doanh nghiệp tham gia khảo sát của VPSF về Chỉ số niềm tin doanh nhân (CEO.CI) cho rằng, họ đã từng lỡ cơ hội kinh doanh bởi các quy định chồng chéo, không rõ ràng trong cơ chế, chính sách. Một tỷ lệ lớn doanh nghiệp chưa muốn nghĩ đến việc mở rộng hoạt động bởi chi phí hoạt động kinh doanh quá tốn kém, bao gồm cả các khoản chính thức và không chính thức.
Mỗi ngành nghề đều có những vấn đề riêng, song tựu trung có các vấn đề chính mà tất cả đều gặp phải gồm hệ thống thủ tục hành chính phức tạp; tiếp cần nguồn tài chính khó khăn.