Trận động đất cường độ lớn tại khu vực Tohuku, Nhật Bản, kèm theo sóng thần đã phá hủy 600 km bờ biển nước này vào ngày 11/3 vừa qua, làm gia tăng lo ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế mới. Đặc biệt, sóng thần đã phá hủy các máy phát điện tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, làm hỏng thiết bị làm mát và dẫn đến hiện tượng rò rỉ phóng xạ. Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng cấp quốc gia.
Hoạt động tái xây dựng và kiến thiết đất nước chỉ có thể bắt đầu khi các thiệt hại được đánh giá một cách chính xác. Trong khi cuộc khủng hoảng vẫn đang diễn ra, sự không chắc chắn về tương lai đã tác động đến hầu hết các khía cạnh của nền kinh tế. Hiện vẫn còn quá sớm để ước tính cụ thể tổng thiệt hại lên nền kinh tế, đặc biệt trong tình hình các nhà máy hạt nhân bị hư hỏng vẫn chưa được khắc phục, gây thiếu nguồn cung cấp điện.
Tác động kinh tế của thảm họa này đang dần rõ nét khi việc đóng cửa sản xuất của cường quốc kinh tế Nhật Bản sẽ sớm ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới. Rất nhiều sản phẩm sử dụng hàng ngày được sản xuất trên nhiều quốc gia, nhưng việc ngừng sản xuất ở Nhật Bản, dù chỉ là một vài ngày, cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của các quốc gia khác.
Có thể nói, sự suy thoái trên toàn thế giới là không tránh khỏi, vì tầm ảnh hưởng của Nhật Bản lên chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu là quá lớn. Các nhà sản xuất chip cho xe hơi đã đưa ra cảnh báo và cắt giảm hoạt động, vì vai trò cung ứng quan trọng của Nhật Bản có thể khiến thương mại toàn cầu suy giảm nghiêm trọng. Các nhà sản xuất ô tô của Mỹ đã phải giảm sản lượng, vì sự ngưng trệ trong sản xuất các linh kiện từ Nhật Bản. Hiện nay, với việc nắm giữ khoảng 1/5 thị trường bán dẫn toàn thế giới, khó khăn của Nhật Bản chắc chắn sẽ gây áp lực không nhỏ lên ngành công nghệ toàn cầu.
Một trong những lý do khiến thị trường toàn cầu liên tục sụt giảm trong những ngày gần đây là do các nhà đầu tư đang cố gắng ước đoán mức độ nghiêm trọng của thảm họa này. Các khu vực dân cư sẽ phải di tản ở quy mô lớn như thế nào? Sự đình trệ sản xuất sẽ kéo dài trong bao lâu? Khi nào thì sản lượng sản xuất của Nhật Bản sẽ khôi phục trở lại?
Thảm họa tại Nhật Bản có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam như thế nào là một câu hỏi rất khó trả lời vào thời điểm này. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, sẽ không có những tác động tiêu cực về lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam, nếu cuộc khủng hoảng hạt nhân hiện nay được kiểm soát trong vài tháng tới.
Trong năm 2010, Nhật Bản trực tiếp giải ngân vào Việt Nam 0,79 tỷ USD, chiếm 7,2% tổng vốn FDI thực hiện. Trong 5 năm qua, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư trực tiếp vào Việt Nam khoảng 4,1 tỷ USD. Có thể các khoản đầu tư vào Việt Nam này sẽ bị ảnh hưởng, nhưng nó chỉ chiếm một phần nhỏ trong các khoản đầu tư của Nhật Bản trong khu vực (xem bảng).
Đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á năm 2010
Tên
|
Giá trị
(tỷ USD)
|
Tỷ trọng
|
Trung Quốc
|
7,16
|
33,1%
|
Singapore
|
3,73
|
17,2%
|
Ấn Độ
|
2,74
|
12,7%
|
Thái Lan
|
2,25
|
10,4%
|
Hông Kông
|
1,96
|
9,1%
|
Nam Triều Tiên
|
1,07
|
4,9%
|
Malaysia
|
1,03
|
4,8%
|
Việt Nam
|
0,73
|
3,4%
|
Philippines
|
0,49
|
2,3%
|
Indonesia
|
0,47
|
2,2%
|
Cộng
|
21,62
|
100,0%
|
Nguồn: CEIC, Bank of Japan
Về mặt thương mại, Việt Nam xuất khẩu 7,7 tỷ USD hàng hóa sang Nhật Bản, tương đương 10,8% tổng xuất khẩu hay 7,4% GDP của Việt Nam. Nhật Bản rõ ràng là một đối tác thương mại quan trọng và việc gia giảm nhu cầu hàng hóa từ Nhật Bản có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2011. Tuy nhiên, hơn một nửa hàng hóa xuất khẩu sang Nhật Bản là thực phẩm, dầu hỏa hoặc sản phẩm chế biến (xem biểu đồ), nên nhu cầu có thể sẽ không bị ảnh hưởng nhiều trong dài hạn. Đồng thời, khi quá trình tái thiết bắt đầu, nhu cầu từ Nhật Bản sẽ tăng trở lại, đặc biệt là đối với nhóm hàng nguyên vật liệu và dầu hỏa.
Cơ cấu xuất khẩu các mặt hàng chính của Việt Nam vào Nhật Bản
(% tổng giá trị xuất khẩu vào Nhật Bản trong năm 2010) |
Nhật Bản hiện là nước viện trợ lớn ở châu Á. Song song với các cam kết của Nhật Bản đóng góp vào các tổ chức như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) thì họ cũng đóng góp các khoản viện trợ quốc tế thông qua Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). JICA quản lý một ngân sách hàng năm lên đến 10 tỷ USD, tương tự như Ngân hàng Phát triển châu Á. JICA hỗ trợ dưới dạng hợp tác kỹ thuật, viện trợ ODA và viện trợ không hoàn lại. Việt Nam là một trong những nước nhận các nguồn viện trợ này trong nhiều năm qua. Nhật Bản là nước viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam và chiếm 22,3% tổng nguồn vốn ODA cam kết cho Việt Nam trong năm 2011.
Do nguồn vốn ODA từ Nhật Bản có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam, nên chúng tôi nghĩ rằng, lượng vốn này nếu có giảm sút cũng sẽ không xảy ra ở mức độ nghiêm trọng. Bởi lẽ, để đáp ứng nguồn vốn cho việc tái thiết đất nước, Chính phủ Nhật Bản có thể sử dụng các nguồn quỹ dự trữ khẩn cấp hoặc cắt giảm bớt các khoản chi tiêu công khác. Ngoài ra, việc phát hành trái phiếu cũng là một giải pháp khả thi.
Trái phiếu chính phủ Nhật Bản thường được mua bởi các tổ chức tài chính hoặc cá nhân trong nước mà không cần đến các tổ chức nước ngoài, cho nên có mức giá phát hành khá cao. Thực tế, lợi suất của trái phiếu chính phủ Nhật Bản thường là thấp nhất trong số các quốc gia phát triển, thậm chí thấp hơn cả Thụy Sĩ. Bên cạnh đó, Nhật Bản đang sở hữu một khối tài sản nước ngoài đồ sộ trị giá khoảng 57% GDP, trong đó khoảng 900 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ và hơn 1.000 tỷ USD giá trị cổ phiếu ở Mỹ. Do đó, họ có thể sử dụng nguồn tiền này để tài trợ cho nhu cầu tái thiết đất nước, mà không nhất thiết phải cắt giảm viện trợ ODA và các nguồn FDI khác.
Nhìn chung, chúng tôi nghĩ rằng, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản có nhiều sự lựa chọn khác để phục vụ cho việc khắc phục hậu quả động đất và sóng thần tại vùng Tohuku, mà không nhất thiết phải cắt giảm các nguồn FDI và ODA dành cho Việt Nam. Vì thế, chúng tôi tin rằng, các suy đoán về hệ quả của trận động đất tại Nhật Bản dẫn đến việc sụt giảm nghiêm trọng nguồn vốn ODA và thoái vốn ồ ạt ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là không có cơ sở. Mặc dù nhu cầu hàng hóa tại Nhật Bản sụt giảm trong ngắn hạn, nhưng thương mại song phương giữa hai quốc gia chắc chắn sẽ phục hồi trong dài hạn, đặc biệt là khi các hoạt động tái thiết đất nước tại Nhật Bản diễn ra...