Các DN xuất khẩu có nguồn thu bằng USD sẽ được hưởng lợi khi tỷ giá VND/USD tăng

Các DN xuất khẩu có nguồn thu bằng USD sẽ được hưởng lợi khi tỷ giá VND/USD tăng

Lượng hóa tác động của tỷ giá đến các DN lớn

(ĐTCK) Việc đồng tiền Trung Quốc mất giá so với đồng USD và nỗi lo tỷ giá VND/USD tiếp tục tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhìn sâu vào bản chất hoạt động của các DN, có thể thấy, kết quả kinh doanh của nhiều DN năm nay sẽ không có nhiều thay đổi so với kỳ vọng trước đó. 

Nhiều DN niêm yết mà doanh thu chủ yếu từ thị trường nội địa đã khẳng định như vậy khi trao đổi với ĐTCK đầu tuần này.

Trong bản phân tích của một số công ty chứng khoán hàng đầu, hai DN ngành thép là CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) là tâm điểm chú ý do có khả năng sẽ chịu tác động khi đồng nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá so với USD. Cả 2 DN này có thể sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh lớn hơn ở thị trường nội địa khi thép xây dựng giá rẻ vào thị trường Việt Nam, hoặc cạnh tranh với hàng Việt Nam ở các thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng trên lý thuyết.

Với trường hợp của HPG, trao đổi với ĐTCK, DN này cho biết, giá bán sản phẩm của các DN Trung Quốc phải cộng với giá vận chuyển đến dự án ở trong nước, vì thế, các DN nội địa vẫn có lợi thế hơn khi tổ chức phân phối ở thị trường trong nước. Thực tế, không phải đến bây giờ HPG mới gặp áp lực cạnh tranh từ thép giá rẻ.

Việc thép Trung Quốc rẻ hơn một chút không có nghĩa việc đưa hàng vào thị trường Việt Nam tiêu thụ sẽ cạnh tranh được với sản phẩm có thương hiệu của Việt Nam.

Đối với HSG, các ý kiến phân tích từ một số CTCK lo ngại, tôn thép từ Trung Quốc sẽ cạnh tranh ở các thị trường xuất khẩu của DN này. Tuy nhiên, tại các thị trường xuất khẩu của HSG, hàng Trung Quốc đã bị đánh thuế chống bán phá giá với mức cao. Việc rẻ hơn vài phần trăm nhờ tỷ giá không giúp hàng tôn thép Trung Quốc có thể vào được các thị trường này và “đẩy” hàng của HSG ra khỏi thị trường vốn có.

Về giá nguyên liệu đầu vào, trong điều kiện sức cung lớn hơn sức cầu các nguyên vật liệu cơ bản hiện nay, việc chào mua của DN trong nước khá thuận lợi và không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi biến động tỷ giá nhân dân tệ và USD.

Các DN xuất khẩu có nguồn thu bằng USD đương nhiên được hưởng lợi khi mà tỷ giá VND/USD có xu hướng tăng lên. CTCP Đầu tư và thương mại DIC (DIC) cho biết, với diễn biến tỷ giá tăng lên, kỳ vọng DIC sẽ hoàn thành vượt kế hoạch năm 2015 bởi các hợp đồng xuất khẩu clinker tính theo USD đã chốt từ đầu năm.

Nhiều DN cho biết, kết quả kinh doanh cả năm 2015 sẽ không thay đổi nhiều trước biến động tỷ giá bất ngờ từ Trung Quốc, tác động đến tỷ giá VND/USD. VND dự kiến có thể mất giá so với USD và với diễn biến tỷ giá như hiện nay, dòng vốn đầu tư nước ngoài khó có thể mua ròng mạnh mẽ trên TTCK. Như vậy, tỷ giá tác động đến tương quan cung - cầu trên TTCK nhiều hơn là tác động đến kết quả kinh doanh của DN. Khi nguồn tiền vào TTCK dè dặt, mặt bằng giá các cổ phiếu có thể sẽ quanh mức P/E 8 - 9 lần, một mức khá phổ biến ở nhiều cổ phiếu cơ bản tốt hiện nay.

Sự thận trọng của nhà đầu tư khiến TTCK giảm điểm khá sâu, cách xa đỉnh thiết lập trước đó là 640 điểm. Tuy nhiên, có sự phân hóa ở các cổ phiếu. Hàng loạt cổ phiếu cơ bản, nhóm các DN sản xuất vẫn khá vững giá trong phiên 17/8, trong khi toàn TTCK mất đến 15 điểm. Cổ phiếu CII của CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM - DN gần như không chịu tác động từ tỷ giá, còn tăng trần với dư mua lớn khi bật lại từ mức giá đáy.

Mặc dù tỷ giá sẽ tác động đến tất cả các DN, nhưng trước sau gì các DN cũng sẽ có cách để thích nghi. Thực tế, tác động của tỷ giá là tác động ngắn hạn, còn tăng trưởng của DN mới là yếu tố tác động dài hạn đến mặt bằng giá cổ phiếu. Nhiều DN đã giữ vững đà tăng trưởng nhiều năm và đây chính là yếu tố căn bản để nhà đầu tư đặt niềm tin vào DN. Vấn đề tỷ giá có thể sẽ sớm bị lu mờ trước thông tin về TPP có thể nối lại vòng đàm phán vào tháng 9 này.

TTCK luôn có đầy cơ hội, nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Rủi ro trước mắt là khả năng các cổ phiếu ngân hàng như EIB sẽ bị cắt margin ở các công ty chứng khoán, từ đó có thể tác động lan sang các cổ phiếu khác khi nhà đầu tư buộc phải thu hẹp danh mục. Tuy nhiên, chính thời điểm rủi ro nhất lại là lúc các nhà đầu tư bình tĩnh có thể mua được cổ phiếu giá tốt và dễ kiếm tiền nhất.

Tin bài liên quan