Với quy luật "nước chảy về chỗ trũng" thì dòng tiền vẫn đổ vào chứng khoán khi tỷ suất sinh lợi trở nên hấp dẫn - Ảnh minh họa: Hoài Nam

Với quy luật "nước chảy về chỗ trũng" thì dòng tiền vẫn đổ vào chứng khoán khi tỷ suất sinh lợi trở nên hấp dẫn - Ảnh minh họa: Hoài Nam

Lượng hóa tác động của Thông tư 13 đến TTCK

(ĐTCK-online) VN-Index "bốc hơi" 7,3% chỉ trong 4 phiên giao dịch của tuần trước (từ 9 - 12/8), một kỷ lục kể từ cuối năm ngoái. Một trong những nguyên nhân được "đổ lỗi" cho sự sụt giảm mạnh là Thông tư 13/2010/TT-NHNN quy định tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, có hiệu lực thực hiện từ ngày 1/10/2010.

Thực chất, Thông tư 13 có "nguy hiểm" như nhiều người lo sợ và đây có phải là lực cản chặn dòng tiền vào TTCK? ĐTCK xin giới thiệu bài viết của ông Hồ Bá Tình, Trưởng nhóm vĩ mô và thị trường, Công ty Vietstock, nhằm điểm lại các điều khoản chủ yếu của Thông tư 13 và đánh giá ở góc độ ảnh hưởng đến TTCK trong thời gian tới.

>> Thông tư 13 và hệ thống tài chính Việt Nam

 

Nội dung chính của Thông tư 13

Thứ nhất, tỷ lệ an toàn vốn CAR (riêng lẻ và hợp nhất) được nâng từ 8% lên 9%. Về cơ bản, chỉ có hai cách để tăng tỷ lệ CAR, đó là tăng tử số "vốn tự có" và giảm mẫu số "tổng tài sản có rủi ro". Để thực hiện điều này, chúng tôi cho rằng, các ngân hàng quy mô nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Tuy vậy, với một lộ trình tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng vào cuối năm 2010 đã được thông báo cách đây vài năm, việc "kêu khó" của một số ngân hàng gần đây có thể là không hợp lý và tác động tiêu cực lên tâm lý trên TTCK.

Việc nâng CAR từ 8% lên 9% cao hơn theo yêu cầu của Basel II là 8%. Mặc dù vậy, tỷ lệ 9% cũng không phải là quá cao đối với các ngân hàng trên thế giới. Về lâu dài, việc nâng tỷ lệ CAR có thể giúp hệ thống ngân hàng Việt Nam cải thiện chất lượng, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế.

Thứ hai, hệ số rủi ro đối với tài sản có. Đối với mẫu số "tổng tài sản có" rủi ro, chỉ có hai thay đổi cơ bản trong Thông tư 13 so với quy định trước đây. Đó là: (1) Các khoản vay đối với công ty con, công ty liên doanh, công ty liên kết sẽ có hệ số rủi ro điều chỉnh tăng từ 100% lên 150%; (2) Các khoản vay kinh doanh bất động sản và các khoản vay đối với CTCK có hệ số rủi ro nâng từ 100% lên 250%. Hệ số rủi ro của khoản cho vay đầu tư chứng khoán vẫn giữ nguyên ở mức 250%, như Quyết định số 03/2008/QĐ-NHNN.

Có thể Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang "nhất cử lưỡng tiện" khi quy định điều khoản này. Việc gia tăng hệ số rủi ro đối với lĩnh vực bất động sản, đầu tư chứng khoán và cho vay CTCK về lâu dài có thể giúp hệ thống ngân hàng vững chắc hơn trước các biến động của nền kinh tế. Điều này có thể nhận thấy rất rõ qua cuộc khủng hoảng trên thị trường địa ốc và tài chính của Mỹ trong năm 2008 - 2009. Việc thực hiện Thông tư 13 ngay từ ngày 1/10/2010 cũng có thể giúp ích ở khía cạnh chính sách tiền tệ năm 2010 của NHNN. Điều này phù hợp với các chỉ dấu gần đây là Chính phủ sẽ hướng dòng tiền vào khu vực sản xuất, đặc biệt là nông thôn và sản xuất xuất khẩu, phòng ngừa nguy cơ bong bóng tài sản (bất động sản và tài chính) gây bất ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ ba, tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động giới hạn ở mức 80%. Điểm đáng lưu ý ở Thông tư 13 là các khoản huy động được tính lại không bao gồm: tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức kinh tế, tiền của kho bạc nhà nước và tiền vay của các tổ chức tín dụng trong nước.

Thoạt nhìn, tỷ lệ 80% có vẻ cao, nhưng với quy định này thì nguồn vốn mà các ngân hàng thương mại (NHTM) có thể cho vay sẽ thấp hơn nhiều so với 80% số vốn huy động được. Do đó, tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới có thể bị ảnh hưởng.

Tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức kinh tế, kho bạc nhà nước, bảo hiểm xã hội là nguồn vốn khá ổn định, hiện chiếm 15 - 20% tổng nguồn vốn huy động của hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, vốn chủ sở hữu của nhiều ngân hàng cũng chiếm một tỷ lệ không nhỏ, nhưng lại không được dùng để cho vay.

Thứ tư, việc thực thi Thông tư 13. Tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực bất động sản và chứng khoán có thể bị chậm lại, nếu các điều khoản liên quan đến tổng tài sản có rủi ro được thực hiện một cách nghiêm chỉnh. Tuy vậy, mặt tích cực về lâu dài là hoạt động của ngân hàng sẽ được cải thiện bền vững hơn và hạn chế được bong bóng tài sản.

Nếu việc thực thi không như mong đợi, hệ thống ngân hàng có thể sẽ không có cải thiện về thực chất, với hoạt động cho vay bất động sản, chứng khoán dưới hình thức "vay tiêu dùng" hay cho vay CTCK qua trung gian.

 

Kịch bản cho dòng tiền vào TTCK cuối năm

Nhìn chung, nếu thực hiện đúng quy định của Thông tư 13, các ngân hàng sẽ phải cẩn trọng hơn trong việc cho vay ở khu vực phi sản xuất, đặc biệt là kinh doanh bất động sản và chứng khoán. Nguồn cung tín dụng cũng bị thu hẹp do ngân hàng bị hạn chế tỷ lệ cho vay. Nguồn cung tín dụng cho CTCK hỗ trợ nhà đầu tư vì thế bị hạn chế.

Vậy đâu là cơ hội để TTCK có thể bứt phá trong nửa cuối năm 2010? Chúng tôi cho rằng, mấu chốt đang nằm ở mặt bằng lãi suất.

Trong những tháng cuối năm, nhiều khả năng NHNN tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng (một cách thận trọng). Điều này là hoàn toàn có cơ sở khi trong 7 tháng đầu năm, tăng trưởng huy động đã cao hơn cho vay. Ngoài ra, lạm phát cũng không còn là một mối lo ngại quá mức.

Chúng tôi cho rằng, mặt bằng lãi suất sẽ dần được giảm xuống mức 12 - 13% đối với cho vay và quanh 10% đối với huy động vào cuối quý III/2010. Với quy luật "nước chảy về chỗ trũng" thì dòng tiền vẫn đổ vào chứng khoán khi tỷ suất sinh lợi trở nên hấp dẫn. Đây là một yếu tố thúc đẩy TTCK.