Lượng hàng tồn kho cá tra của Mỹ đã hết, kỳ vọng tích cực cho ngành thủy sản

Lượng hàng tồn kho cá tra của Mỹ đã hết, kỳ vọng tích cực cho ngành thủy sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bên cạnh lượng tồn kho đã hết, hoạt động nuôi cá da trơn bản địa giảm mạnh về sản lượng, đã khiến các doanh nghiệp Mỹ buộc phải gia tăng lượng cá tra nhập khẩu từ Việt Nam để bù đắp cho thiếu hụt này.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) dự báo, xuất khẩu thủy sản trong quý II/2021 sẽ tiếp đà tăng trưởng khoảng 10% và đạt kim ngạch khoảng 2,1 tỷ USD. Trong đó, mặt hàng tôm được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan 10%, đạt 980 triệu USD.

Riêng ngành cá tra, trong quý I/2021, tổng giá trị xuất khẩu đạt 344,2 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu là các thị trường tiềm năng Mỹ, Trung Quốc, Brazil, Mexico, Thái Lan, Clombia, Nga và UAE.

Thông tin mới nhất từ VASEP cho biết, tính tới nửa đầu tháng 5/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đạt 113,5 triệu USD, tăng 44,1% so với cùng kỳ năm trước.

Cho tới nay, giá trị xuất khẩu cá tra qua 5 tháng sang thị trường Mỹ đang tăng trưởng dần đều và có nhiều dấu hiệu hồi sinh tích cực nhập khẩu sản phẩm cá tra của Mỹ.

Giá xuất khẩu cá tra trung bình sang thị trường Mỹ năm 2020 mặc dù thấp hơn so với năm 2019, nhưng trong quý I/2021, giá cá tra phile đông lạnh trung bình xuất khẩu sang Mỹ tăng lên mức 2,87 USD/kg. Mức giá này thấp hơn so với giá xuất khẩu trung bình của hai năm trở lại đây.

Trong khi đó, theo thống kê mới nhất của ITC, tổng giá trị nhập khẩu cá thịt trắng của Mỹ trong 3 tháng đầu năm nay tăng không đáng kể, nhưng tổng giá trị nhập khẩu cá tra phile đông lạnh từ Việt Nam đã tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Trung Quốc và Việt Nam là hai nguồn cung cá thịt trắng lớn nhất của thị trường Mỹ trong thời gian này. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục giữ thị phần lớn hơn tại Mỹ với sản phẩm cá rô phi là thế mạnh, chiếm 33 - 48% tổng nhập khẩu cá thịt trắng. Kể từ tháng 2/2021, nhập khẩu cá rô phi của Mỹ từ Trung Quốc giảm mạnh từ 20 - 24% so với năm 2020.

3 tháng đầu năm nay, tổng khối lượng nhập khẩu cá tra đông lạnh của Mỹ tăng 8%; tổng giá trị nhập khẩu tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ cũng nhập khẩu cá tra từ hai nguồn chính là Việt Nam và Trung Quốc, trong đó, lượng nhập khẩu cá tra đông lạnh từ Trung Quốc giảm mạnh tới 41% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam là thị trường nguồn cung chủ yếu, chiếm tới gần 89,5% tổng nhập khẩu cá da trơn của Mỹ.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết, nửa đầu năm nay, nước này cũng nhập khẩu sản phẩm cá trê, cá chình, cá lóc, cá rô phi đông lạnh từ Brazil, El Salvador, Nauy, Hàn Quốc, Guinea, Sierra Leone, Nigeria, Burma và Ghana.

Theo Vasep, năm 2020, thị trường Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, các doanh nghiệp nhập khẩu gặp nhiều khó khăn vì gián đoạn, lượng tồn kho nhiều. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2021, lượng tồn kho của Mỹ đã hết từ cuối tháng 2/2021. Thêm vào đó, hoạt động nuôi cá da trơn bản địa giảm mạnh về sản lượng. Điều này khiến cho các doanh nghiệp nhập khẩu Mỹ buộc phải gia tăng lượng cá tra nhập khẩu từ Việt Nam để bù đắp cho thiếu hụt này.

Chính vì vậy, nhiều công ty chứng khoán dự báo, năm 2021, nhu cầu các thị trường lớn như Mỹ, EU sẽ hồi phục mạnh sau hơn 1 năm bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid -19.

Trong phiên giao dịch hôm nay ngày 10/6, hàng loạt cổ phiếu thủy sản đã đua nhau khoe sắc tím như VHC, ANV, CMX, FMC, ACL, IDI…; các mã khác như MPC, ASM cũng tăng mạnh.

Quý I/2021, có 9 doanh nghiệp cá tra xuất khẩu sang thị trường Mỹ, trong đó, 3 doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất là: VINH HOAN Corp; BIEN DONG SEAFOOD Corp và VAN DUC TG FOOD.

Tin bài liên quan