Nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay, việc mua điện Trung Quốc đang được thực hiện qua cấp điện áp 220 kV với 2 hướng Lào Cai, Hà Giang và qua cấp điện áp 110 kV với 3 hướng Lào Cai, Hà Giang, Móng Cái. Các khu vực mua điện Trung Quốc đều vận hành độc lập nhau và độc lập với lưới điện Việt Nam.
Trước đó, việc nhập khẩu điện từ nước ngoài, mà cụ thể là từ 3 nước có đường biên giới chung là Trung Quốc, Lào, Campuchia đã được đặt ra trong Chiến lược Phát triển ngành điện tại Quyết định số 176/2004/QĐ-TTg ngày 5/10/2004. Thực hiện các hiệp định hợp tác năng lượng khu vực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã có trao đổi điện với cả 3 nước Trung Quốc, Lào, Campuchia. Hiện tại, ngoài mua điện của Trung Quốc và Lào, EVN cũng đang bán điện cho Campuchia.
Với Trung Quốc, hợp đồng mua điện đã được ký vào tháng 10/2005 với giá 4,5 UScent/kWh. Điện nhập khẩu từ Trung Quốc đang tham gia cấp cho 13 tỉnh ở miền Bắc. Do tỷ giá giữa VND và nhân dân tệ thay đổi, nên giá điện mua từ Trung Quốc đã được điều chỉnh lên mức 5,1 UScent/kWh vào ngày 1/1/2009 và lên mức 6,08 UScent/kWh trong năm 2012.
Dư luận cho rằng, giá điện mua của Trung Quốc lên tới hơn 6 UScent/kWh là cao hơn so với giá điện mua của các doanh nghiệp khác như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản hay Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Song trên thực tế, mức giá này vẫn thấp hơn so với giá bán điện của Nhà máy Điện Cà Mau 1 & 2 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khoảng 500 đồng/kWh.
Sở dĩ chọn Nhà máy Cà Mau 1&2 có tổng công suất 1.500 MW là bởi các nhà máy này sử dụng nguồn khí đầu vào để phát điện với mức giá khí theo thị trường quốc tế, được tính bằng công thức tương đương 0,46% giá dầu FO trên thị trường Plat’s Singapore.
Còn nếu so với điện mua của Nhà máy Điện Formosa Đồng Nai có nguồn đầu vào là than nhập khẩu từ Australia và Indonesia theo giá thị trường quốc tế, thì mua điện từ Trung Quốc “hời hơn” từ 100 đồng/kWh hồi năm 2006 và nay tiếp tục lợi hơn tới 570 đồng/kWh.
Nếu so với các nguồn điện đắt nhất từ các nhà máy điện Thủ Đức, Cần Thơ đang bán cho EVN ở mức 5.000 đồng/kWh hiện nay (do phải đổ dầu vào chạy để thay thế nguồn cung điện tại Cà Mau 1&2 giảm vì bảo dưỡng thiết bị của giàn khai thác khí từ ngày 7/7 đến 16/7/2014), thì nhập khẩu điện của Trung Quốc lợi hơn đến 3.800 đồng/kWh, tức là rẻ hơn tới trên 3 lần.
Tuy nhiên, dù giá hời như vậy, nhưng lượng điện mua từ Trung Quốc đang có xu hướng giảm trong vài năm trở lại đây. Đây cũng chính là thời điểm Nhà máy Thủy điện Sơn La bắt đầu vận hành tổ máy số 1 vào tháng 12/2010 và hoàn thành xây dựng toàn bộ vào tháng 12/2012.
Việc Nhà máy Thủy điện Sơn La, công suất 2.400 MW được đưa vào vận hành sớm hơn 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội đã khiến nguồn cung thủy điện ở khu vực miền Bắc trở nên dồi dào, bên cạnh điều kiện thủy văn thuận lợi. Chính vì vậy, lượng điện mua từ Trung Quốc đã giảm về mức tối thiểu.
Báo cáo vận hành thị trường điện của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) ghi nhận, từ đầu năm 2014 tới nay, lượng điện mua của Trung Quốc dao động bình quân trong mức 1-2% tổng lượng điện tiêu thụ của cả nước.
Trao đổi với báo giới, GS-TSKH. Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho hay, điều khoản buôn bán điện giữa Việt Nam với các nước Campuchia, Lào có sự khác nhau. Đơn cử, Lào đề nghị Việt Nam bán điện cho một số xã, huyện giáp biên giới Việt Nam, bởi lưới điện của Lào chưa phủ kín những nơi này, trong khi mua điện của Việt Nam lại thuận lợi vì đã có lưới điện kéo đến cho cư dân biên giới của phía Việt Nam.
Giá điện Việt Nam bán cho Campuchia cũng khác so với bán Lào tùy điều kiện cụ thể. Campuchia trước đây thiếu điện, chủ yếu phải dùng nguồn điện được sản xuất từ diezen với giá cao, nên nếu mua điện của Việt Nam, dù giá cao hơn so với mức giá mà Việt Nam bán cho Lào, thậm chí cao hơn giá mua từ Trung Quốc, nhưng đối với họ vẫn có lợi. Đây là hợp đồng kinh tế tùy thuộc vào điều kiện của các bên.