Phiên thảo luận tại tổ 9.

Phiên thảo luận tại tổ 9.

Lương chưa kịp tăng, giá đã tăng thì không tạo ra được động lực gì cả

0:00 / 0:00
0:00
Đồng tình với đề xuất của Chính phủ về điều chỉnh tiền lương, song đại biểu Quốc hội còn nhiều băn khoăn, trong đó có nỗi lo lương chưa tăng, giá đã tăng.

Chiều 25/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024.

Đồng tình với đề xuất của Chính phủ, song đại biểu còn nhiều băn khoăn, trong đó có nỗi lo lương chưa tăng, giá đã tăng.

Thảo luận tại tổ 9, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng (Quảng Ninh) lưu ý, việc tăng lương phải đồng bộ với kiểm soát giá.

“Bởi vì, chưa kịp tăng lương thì đã tăng giá rồi. Mục tiêu nâng lương là để nâng cao đời sống người dân, cán bộ công nhân viên chức. Không cẩn thận tỷ lệ tăng giá lại vượt hơn tỷ lệ tăng lương, không cải thiện, tạo được động lực gì hết”, ông Thắng phát biểu.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Minh Nam (Hậu Giang) nói, để thực hiện mục tiêu cao nhất tăng lương lần này là cải thiện đời sống cho người hưởng lương, trợ cấp, tạo động lực năng suất lao động và hiệu quả làm việc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước cũng như thực hiện tiến bộ của công bằng xã hội, cần quan tâm một số vấn đề.

“Như chúng ta biết, mỗi lần tăng lương giá cả, lạm phát lại tăng. Vì vậy, khi Quốc hội thông qua việc tăng lương lần này thì Chính phủ cũng cần có giải pháp để hạn chế tác động tiêu cực, đặc biệt hạn chế thấp nhất tăng lương cũng tăng giá, làm giảm ý nghĩa của việc tăng lương”, ông Nam nói.

Trên cơ sở đó, vị đại biểu Hậu Giang đề nghị Chính phủ xem xét đánh giá các tác động như các lần tăng lương trước, nhất là các yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến yếu tố giá và lạm phát thì phải quan tâm thêm.

“Tăng tiền lương thì cũng tăng chi tiêu công, tăng thu nhập người lao động cũng làm tăng nhu cầu chi tiêu tiêu dùng, tác động tới cung cầu, làm tăng giá. Do đó, cần có giải pháp để hạn chế tăng giá”, ông Nam nói.

Đại biểu Nam cũng kiến nghị thực hiện nghiêm các quy định của luật giá, liên quan đến kê khai giá, công khai minh bạch thông tin giá tránh đầu cơ, trục lợi hoặc thực hiện không đúng quy định của Luật Giá. Mặt hàng nào không thể can thiệp bằng các công cụ pháp luật, phải vận hành theo cơ chế thị trường thì Nhà nước cũng phải có chính sách. Ngoài ra, cũng cần phải thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra để kiểm soát việc thực hiện về giá về vấn đề tuyên truyền phổ biến để giúp cho cái việc quản lý giá thời điểm này tích cực và đạt kết quả cao hơn.

Bên cạnh vấn đề giá, đại biểu còn băn khoăn về mức điều chỉnh. Theo đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh), Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cần làm rõ cơ sở đề xuất điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 30%, trong khi đó mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội tăng 15%...

Tham gia ý kiến về việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội có ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, đây là các đối tượng yếu thế trong xã hội, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, do đó, đề nghị điều chỉnh mức tăng cho các đối tượng này bằng mức tăng lương cơ sở.

Phát biểu tại thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, khoa học, đánh giá nhiều chiều tác động liên quan cả tích cực và tiêu cực, khó khăn khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương.

Bộ trưởng cho biết, thực tế khi đi vào thực hiện Nghị quyết 27 của Trung ương có gặp khó khăn, bất cập, lớn nhất là vấn đề thiết kế các bảng lương và cơ cấu, sắp xếp lại các nhóm phụ cấp.

Bởi, trong tương quan thì giữa các đối tượng chưa đảm bảo được công bằng, hợp lý, hài hoà khi có đối tượng có mức lương tăng cao trên 30%, nhưng nhiều đối tượng thấp hơn mức hiện hưởng. Hơn nữa, thực hiện cơ cấu lại phần phụ cấp thì sụt giảm, ảnh hưởng đến những đối tượng cần quan tâm như giáo viên vì phải sắp xếp phụ cấp và không còn phụ cấp thâm niên, đứng lớp, công tác vùng đặc biệt khó khăn...

Một bất cập nữa được Bộ trưởng đề cập là dù triển khai được một thời gian, cả hệ thống thực hiện nước rút hoàn thiện và phê duyệt đề án vị trí việc làm, nhưng nhìn chung chưa đảm bảo yêu cầu chất lượng; khó khăn với mô tả khung năng lực vị trí việc làm.

Bên cạnh đó, khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương phải hết sức coi trọng tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, song kết quả chưa như mong đợi.

“Thực hiện Nghị quyết 27 theo lộ trình hợp lý, từng bước, thận trọng, chắc chắn, khả thi và hiệu quả. Rõ đến đâu làm đến đó, cái gì khó khăn, vướng mắc, bất cập thì tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, không nóng vội, đảm bảo ổn định, không xáo trộn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đề cập đến đảm bảo nguồn cho cải cách tiền lương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định dù tổng nguồn rất lớn và có tăng so với phương án Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, song Chính phủ đánh giá đảm bảo được bằng các nguồn tích luỹ, nỗ lực tiết kiệm chi, tăng thu và các nguồn liên quan.

Nhiều ý kiến băn khoăn làm sao kiềm chế được lạm phát vì tâm lý tăng lương thường giá cả có dấu hiệu tăng. Bà Trà cho biết dù có tâm lý đó, nhưng như năm 2023, lương có tăng nhưng CPI tăng không đáng kể, trong ngưỡng Quốc hội cho phép.

“Chính phủ lên kịch bản chi tiết rồi. Ngoài ban hành Nghị quyết 93 để vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và nhiều công điện yêu cầu chủ động từ rất sớm. Làm sao đảm bảo giá trị của tăng lương”, bà Trà phát biểu.

Tin bài liên quan