Bộ GTVT vừa có công văn phúc đáp văn bản số 2134/KH&ĐT-NNS ngày 24/4/2019 của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội về việc đề nghị hướng dẫn thủ tục thực hiện hồ sơ chủ trương đầu tư Dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp giai đoạn 2021-2025 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines).
Theo Bộ GTVT, tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 110/2011/NĐ-CP ngày 5/12/2011 của Chính phủ về quản lý hoạt động thuê, mua tàu bay, động cơ, phụ tùng vật tư và dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay, động cơ, phụ tùng vật tư tàu bay quy định: “Việc lập, trình, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư và tổ chức thực hiện dự án đầu tư tàu bay thực hiện theo các quy định hiện hành về đầu tư”.
Do đó, Bộ GTVT đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về đầu tư tại Việt Nam) đối với hồ sơ, trình tự, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư.
Được biết, vào cuối tháng 4/2019, Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội đã gửi công văn tới Bộ GTVT và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị hai bộ xem xét, hướng dẫn trình tự, thủ tục; thẩm quyền và nội dung hồ sơ dự án.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội cho biết, cơ quan này nhận được đề nghị thực hiện Dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp giai đoạn 2021 – 2025 của Vietnam Airlines giai đoạn 2021 – 2025. Dự án này có mục tiêu đầu tư đội bay để vận chuyển khách và hàng hóa bằng đường hàng không với quy mô 50 tàu bay thân hẹp và 10 động cơ dự phòng, tổng vốn đầu tư là 3,73 tỷ USD; tiến độ thực hiện bắt đầu tư tháng 6/2019.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ trước đến nay, các doanh nghiệp mua sắm máy bay nhiều, tuy nhiên, Thành phố Hà Nội chưa từng thụ lý hồ sơ nào về dự án mua sắm máy bay nên không có cơ sở hướng dẫn Vietnam Airlines hoàn thiện hồ sơ dự án để trình phê duyệt Dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp giai đoạn 2021 – 2025 theo đúng quy định của pháp luật.
Theo quy định của Luật Đầu tư, các doanh nghiệp sẽ trình Dự án đầu tư cho cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư trên địa bàn đăng ký kinh doanh thẩm định và phê duyệt, thay vì các bộ quản lý chuyên ngành như trước đây.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019, HĐQT Vietnam Airlines đã thông qua kế hoạch bổ sung 50 máy bay thân hẹp mới và 10 động cơ dự phòng giai đoạn 2021 – 2025.
Hãng dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 3,73 tỷ USD, trong đó vốn huy động 1,35 tỷ USD, vốn chủ sở hữu 474 triệu USD, nguồn chi phí sản xuất kinh doanh hàng năm 1,93 tỷ USD. Ngoài việc bổ sung tàu bay, Vietnam Airlines có kế hoạch bán 5 tàu bay A321 CEO sản xuất năm 2004, 2005. Định hướng của hãng là đổi mới đội tàu bay trên cơ sở thay thế dần các tàu bay trên 12 năm tuổi.