Lúng túng ra hướng dẫn xã hội hóa đầu tư đường truyền tải

0:00 / 0:00
0:00
Dù Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số luật đã cho phép thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải, nhưng việc ra được các hướng dẫn cụ thể lại đang là thách thức.
Năm 2022, giá truyền tải điện ở Việt Nam quy định là 75 đồng/kWh

Năm 2022, giá truyền tải điện ở Việt Nam quy định là 75 đồng/kWh

Nhiều khó khăn

Chia sẻ tại Tọa đàm “Đa dạng hóa nguồn đầu tư xây dựng và vận hành lưới điện truyền tải” mới đây, ông Bùi Quốc Hùng, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho biết, Bộ Công thương đang triển khai xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số luật với phần việc về xã hội hóa đường dây truyền tải. Tuy nhiên, có rất nhiều vấn đề đặt ra trong quá trình luật hóa các quy định để áp dụng chung cho việc đầu tư vào truyền tải giai đoạn sắp tới.

Luật Điện lực trước đây quy định, Nhà nước độc quyền về truyền tải, vì thế, các hoạt động đầu tư lưới truyền tải vẫn do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đơn vị thành viên là Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) thực hiện chủ yếu. Một số thành phần kinh tế khác cũng tham gia đầu tư lưới phân phối ở các khu đô thị, khu công nghiệp hay phạm vi xã, nhưng quy mô và cấp điện áp rất nhỏ.

Cũng có một số tư nhân đầu tư các đường dây truyền tải ở cấp điện áp dưới 220 kV, nhưng là để nối các nhà máy của mình vào lưới điện quốc gia. Việc đầu tư một số trạm biến áp 500 kV ở các trung tâm điện lực như Sông Hậu, Vũng Áng, Long Phú là do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thực hiện.

Tuy nhiên, sang giai đoạn 2019-2020, đã có một số tập đoàn tư nhân như Trung Nam, Xuân Thiện được phép đầu tư đường dây và trạm biến áp 220/500 kV - là cấp điện áp quan trọng, trong đó có nhiều công trình đường dây 500 kV được bảo vệ an toàn cấp quốc gia. Tuy nhiên, các đường dây và trạm biến áp tư nhân đầu tư này mới phục vụ truyền tải điện từ nhà máy của họ là chính tới điểm đấu nối của EVN.

Khó khăn được ông Hùng nhắc tới là Quy hoạch điện VIII đang chờ phê duyệt cũng chỉ mới đưa ra danh mục các dự án lưới điện cần đầu tư, chứ chưa xác định rõ dự án nào do EVN là chủ đầu tư, dự án nào do nhà đầu tư ngoài EVN thực hiện. Dự thảo có đưa nhiều công trình truyền tải như lưới và trạm biến áp. Các trạm 500 kV này có vị trí cụ thể và thời gian vào hoạt động, nhưng chắc chắn là không có tư nhân nào đầu tư, bởi không có lợi ích gì.

Ngay cả với một số đường dây cũ do các đơn vị của EVN đầu tư trước đây sẽ tiến hành cải tạo, nâng cấp công suất, thì các nhà đầu tư tư nhân cũng không lao vào. Nhưng dù vậy, các dự án như trên cũng phải có tiêu chí chọn nhà đầu tư, chứ không phải nghiễm nhiên EVN hay EVNNPT được làm”, ông Hùng nhận xét.

Nút thắt giá điện thị trường

Năm 2022, giá truyền tải điện ở Việt Nam quy định là 75 đồng/kWh và năm nào cao cũng chỉ là 100 đồng/kWh, bằng 25-30% giá truyền tải tại nhiều nước, nên cơ hội thu hút đầu tư là không nhiều. Luật Đầu tư cũng quy định, muốn tham gia đầu tư thì phải đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư, nhưng với mức giá truyền tải như trên thì khó tính được hiệu quả của dự án.

Một yếu tố khác cũng được nhắc tới trong việc tư nhân không dễ tham gia lĩnh vực truyền tải còn là giá truyền tải đang quy định thống nhất một mức trên cả nước. Trong khi đó, các công trình khác nhau, ở các địa hình khác nhau, thì giá xây dựng sẽ khác nhau. Chưa kể, các đường dây truyền tải mà tư nhân muốn tham gia đầu tư sẽ chỉ hiệu quả khi gắn với các nhà máy, công trình có sản lượng. Khi đường dây không gắn với nhà máy cụ thể, thì không có sản lượng truyền tải và cũng không biết tính chi phí thế nào để thu hồi vốn đầu tư.

Ông Đặng Huy Cường, thành viên Hội đồng Thành viên EVN cũng nhận xét, Bộ Công thương đã có thông tư quy định phương pháp tính giá truyền tải và áp dụng cho tất cả các nhà đầu tư tham gia rất rõ ràng. Vấn đề được đặt ra là giá đầu vào cho truyền tải đã có, nhưng các nhà đầu tư tư nhân muốn được trả tiền truyền tải ấy thì ký hợp đồng với ai?

“Nếu tư nhân đầu tư đường dây cùng nhà máy điện của mình để giải toả công suất, thì thu hồi được chi phí đầu tư truyền tải thông qua hợp đồng bán điện cho EVN hoặc từ các nhà đầu tư thuê truyền tải điện của mình tới điểm kết nối để lên lưới quốc gia. Tuy nhiên, nếu chỉ là dự án tăng cường ổn định truyền tải lưới điện thì ai sẽ là bên trả tiền cho nhà đầu tư vì EVN thì không rồi”, ông Cường nhận xét.

Theo ông Tài Anh, Phó tổng giám đốc EVN, giá truyền tải ở Việt Nam hiện rất thấp, nhưng đây là nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao, nên dù lợi nhuận bằng 0%, hay tầm 3%, EVN vẫn phải cố. Nhưng tư nhân thì không dễ chấp nhận mức tỷ suất lợi nhuận này vì có rất nhiều việc khác để làm với tỷ suất lợi nhuận cao hơn.

Hiện tỷ suất sinh lời kỳ vọng của chủ đầu tư (EVNNPT) rất thấp (3%/năm) so với chi phí vốn trên thị trường. Tỷ suất sinh lời kỳ vọng thấp như vậy là bất hợp lý và gây ảnh hưởng đến hiệu quả thật sự của dự án. Tỷ suất này cần phải tăng lên ít nhất tương đương lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại trong nước (9%/năm). Khi đó, để đảm bảo tính khả thi của dự án, thì phí truyền tải cần tăng 23,69% so với mức dự kiến của phương án cơ sở tại Dự thảo Quy hoạch điện VIII, nghĩa là 170,61 đồng/kWh vào năm 2025, gấp khoảng 2,27 lần mức phí truyền tải của năm 2022.

Tin bài liên quan