Vibaco tiền thân là Nhà máy Ắc quy Vĩnh Phúc, được thành lập vào năm 1978. Trước năm 2000, Vibaco đứng đầu các nhà máy sản xuất ắc quy trong Tổng cục Hóa chất (nay là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Vinachem). Tuy nhiên, từ năm 2004, Công ty rơi vào tình trạng thua lỗ nhiều năm liên tiếp. Từ năm 2005, Công ty được cổ phần hóa, trong đó phần vốn nhà nước do Vinachem đại diện là 36%.
Năm 2012, Vibaco đã kiện toàn lại Hội đồng quản trị và Ban điều hành. Hoạt động kinh doanh dần khôi phục, song tình trạng này không kéo dài. Đến năm 2015, Vibaco liên tục trải qua sóng gió khi ông Lê Văn Chính, Tổng giám đốc Công ty cùng một số cán bộ bị bắt vì liên quan đến hành vi mua bán hóa đơn trái phép. Vibaco buộc phải bầu lại ban lãnh đạo. Tuy nhiên, cuộc bầu bán này vướng những lùm xùm khi cổ đơn gửi đơn khởi kiện ra tòa án.
Theo đơn khởi kiện của cổ đông cá nhân, lợi dụng việc Tổng giám đốc bị tạm giữ hình sự, một số thành viên Hội đồng quản trị tự ý tiến hành hai cuộc họp Hội đồng quản trị vào ngày 16/10/2015 và 3/11/2015, bầu ông Đào Hữu Uyên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Nguyễn Trần Hiệp làm Tổng giám đốc. Trên cơ sở kết quả các cuộc họp này, ngày 1/12/2015, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ đã chấp nhận hồ sơ để cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (thay đổi lần thứ 7) để thay đổi người đại diện doanh nghiệp.
Cổ đông cho rằng, hai cuộc họp trên đều không đúng trình tự, nội dung quy định pháp luật. Theo Luật Doanh nghiệp và Điều lệ Công ty quy định, Hội đồng quản trị sẽ tiến hành họp định kỳ hoặc bất thường theo đề nghị của Chủ tịch hoặc có ít nhất 2 thành viên Hội đồng quản trị.
Tuy nhiên, cuộc họp ngày 16/10/2015 được tổ chức khi có 3 giấy đề nghị họp độc lập nên không đảm bảo tư cách triệu tập của người chủ trì, triệu tập. Các nghị quyết Hội đồng quản trị ban hành bị lạm quyền, không đảm bảo tính khách quan và có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, giấy tờ. Cổ đông này khởi kiện ra tòa án, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ hủy giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Trước ý kiến của cổ đông, lãnh đạo Vibaco cho rằng, ngày 4/9/2014, Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ ra quyết định “cấm Hội đồng quản trị tiến hành Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) từ ngày tòa án ra quyết định này cho đến khi tòa án giải quyết xong vụ án”. Tuy nhiên, trong quyết định trên không cấm Hội đồng quản trị Công ty hoạt động.
Sau Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2014, Hội đồng quản trị đã triệu tập nhiều cuộc họp, song ông Lê Văn Chính chỉ tham gia một lần. Sau khi ông Chính bị tạm giữ ngày 4/11/2015, Hội đồng quản trị Công ty thay thế ông Nguyễn Trần Hiệp là người đại diện pháp luật để ổn định Công ty, phục hồi sản xuất - kinh doanh.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ khẳng định, hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung kinh doanh của Vibaco đầy đủ theo quy định pháp luật, nên không có cơ sở thu hồi lại theo đơn khiếu nại của cổ đông.
Tại phiên tòa phúc thẩm hồi cuối tháng 12/2017, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội căn cứ vào khoản 2, Điều 4, Nghị định 43/2010/NĐ-CP của Chính phủ và khoản 7, Điều 8, Luật Doanh nghiệp 2014 (doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp) đã bác đơn khởi kiện của cổ đông.
Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng được bổ nhiệm, tháng 10/2016, ông Nguyễn Trần Hiệp có đơn xin thôi việc. Hiện tại, ông Đào Hữu Uyên giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Vibaco.
Do xáo trộn về nhân sự, những năm gần đây, tình hình kinh doanh của Vibaco rất ảm đạm. Năm 2015, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 51,3 tỷ đồng, song do chi phí lãi vay, quản lý doanh nghiệp và bán hàng cao, Công ty lỗ 10,7 tỷ đồng. Tương tự, năm 2016, lợi nhuận trước thuế của Công ty âm 15,4 tỷ đồng. Khoản lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2016 là 56,3 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu âm 32,3 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn 45,8 tỷ đồng.
Được biết, Vinachem có kế hoạch thoái vốn khỏi Vibaco từ năm 2016, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.