Ảnh Internet
Điều này có phải đơn thuần xuất phát từ việc sản phẩm quỹ này còn quá mới, rất cần sự thận trọng trong nghiên cứu xây dựng khung pháp lý hay còn xuất phát từ những lý do “khó nói” khác của Bộ Tài chính?
Dễ gây nhầm lẫn
Trước khi Đề án hình thành và phát triển chương trình HTTN tại Việt Nam được phê duyệt đầu năm nay, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội (LĐTB&XH) và Bộ Tài chính song song nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, cũng như đề xuất mô hình triển khai chương trình này tại Việt Nam. Tuy nhiên, cuối cùng, đề án do Bộ Tài chính đề xuất đã được phê duyệt. Câu hỏi đặt ra là điều này có khiến Bộ Tài chính gặp khó trong phối hợp với các đơn vị liên quan, nhất là với Bộ LĐTB&XH trong xây dựng dự thảo Nghị định về Quỹ HTTN theo mô hình ủy thác, để trong năm 2014 trình Chính phủ như kế hoạch đã định hay không?
Sở dĩ một số công ty quản lý quỹ đặt ra câu hỏi trên, bởi thực tế kinh nghiệm thế giới cho thấy, việc triển khai chương trình HTTN cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan hoạch định chính sách về tiền lương, hưu trí, bảo hiểm xã hội với cơ quan hoạch định chính sách quản lý Quỹ HTTN theo mô hình ủy thác cũng như hoạt động đầu tư của Quỹ… Do đó, nếu sự phối hợp giữa Bộ Tài chính và Bộ LĐTB&XH thiếu kịp thời và hiệu quả, thì dễ làm chậm tiến độ đề xuất khung pháp lý cho triển khai chương trình HTTN theo mô hình ủy thác lần đầu tiên tại Việt Nam.
Mặt khác, trước khi Đề án hình thành và phát triển chương trình HTTN tại Việt Nam được phê duyệt, trong năm 2013, Bộ Tài chính đã xúc tiến triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí (bảo hiểm nhân thọ) theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010, bằng việc ban hành Thông tư 115/2013 hướng dẫn bảo hiểm hưu trí và Quỹ HTTN. Điều này khiến cho tên sản phẩm được quy định tại Đề án hình thành và phát triển chương trình HTTN và Thông tư 115/2013 đang có sự trùng lặp, dễ gây nhầm lẫn. Trong khi đó, theo phương án nghiên cứu của Bộ LĐTB&XH, tên của Đề án là chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Thông lệ quốc tế cho thấy, Quỹ HTTN được hình thành từ chương trình HTTN (sẽ triển khai khi Nghị định về Quỹ HTTN theo mô hình ủy thác được ban hành) có nhiều điểm khác biệt so với Quỹ HTTN hình thành theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Thông tư 115/2013. Theo đó, Quỹ HTTN được hình thành từ chương trình HTTN là sản phẩm phi thương mại, do người sử dụng lao động đứng ra tổ chức, còn Quỹ HTTN hình thành theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, là sản phẩm thương mại, do công ty bảo hiểm nhân thọ cung cấp. Việc quản lý đầu tư tài sản của Quỹ HTTN được hình thành từ chương trình HTTN, do công ty quản lý quỹ được người sử dụng lao động lựa chọn thực hiện. Trong khi đó, việc quản lý đầu tư tài sản của Quỹ HTTN hình thành theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, do công ty bảo hiểm nhân thọ cung cấp sản phẩm tự quản lý, hoặc thuê công ty quản lý quỹ thực hiện...
“Làm khó” cho thu ngân sách?
Theo quy định tại Nghị định 65/2013 quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập cá nhân, cho phép cá nhân có thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương tiền công được trừ ra khỏi thu nhập tính thuế đối với khoản đóng góp vào Quỹ HTTN theo mức tối đa không quá 1 triệu đồng/tháng (12 triệu đồng/năm), đồng thời miễn thuế đối với khoản tiền lương hưu mà cá nhân sẽ nhận được từ Quỹ HTTN chi trả hàng tháng… Quy định này tạo ra sự ưu đãi về thuế cho người lao động khi tham gia Quỹ HTTN theo quy định tại Thông tư 115/2013. Điều này đồng nghĩa với việc Nhà nước chấp nhận chia sẻ một phần nguồn thu vào ngân sách để khuyến khích DN, người lao động tham gia Quỹ HTTN.
Với chính sách ưu đãi thuế như trên, nếu thúc đẩy việc xây dựng, ban hành và áp dụng Nghị định về Quỹ HTTN theo mô hình ủy thác, thì Nhà nước sẽ lại thêm một lần nữa phải chia sẻ khoản thu vào ngân sách cho DN và người lao động, để khuyến khích họ tham gia Quỹ HTTN, nhằm góp phần cải thiện an sinh xã hội, đồng thời góp phần thúc đẩy thị trường vốn phát triển. Tuy nhiên, đó là nhìn về dài hạn, còn trước mắt, trong bối cảnh thu - chi ngân sách nhà nước đang phải chịu những áp lực lớn, thì theo nhìn nhận của các chuyên gia, Quỹ HTTN theo mô hình ủy thác chưa dễ sớm triển khai, nhất là khi Quốc hội đang có những quan ngại về sự thiếu bền vững của cán cân thu - chi ngân sách. Điều này thể hiện rõ nét tại Nghị quyết 57/2013/QH13 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2014. Theo đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ không ban hành, điều chỉnh chính sách làm giảm thu, tăng chi ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước và an ninh tài chính quốc gia...
Với hiện trạng trên, không dễ cho Bộ Tài chính trong việc khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định về Quỹ HTTN theo mô hình ủy thác, cũng như đưa ra các lý lẽ đủ thuyết phục để sớm triển khai chương trình HTTN lần đầu tiên tại Việt Nam.