Lực mua gia tăng, VN-Index bật mạnh cả về điểm số lẫn thanh khoản

Lực mua gia tăng, VN-Index bật mạnh cả về điểm số lẫn thanh khoản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không còn lưỡng lự như phiên sáng nay, các nhà đầu tư đã đẩy mạnh mua vào trong phiên chiều và dòng tiền lan tỏa ở nhiều nhóm cổ phiếu, giúp VN-Index bật tăng hơn 14 điểm đi kèm thanh khoản tăng mạnh.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay 28/5, dòng tiền không quá tập trung, mà mở rộng ra nhiều nhóm cổ phiếu khác để tìm kiếm cơ hội. Giao dịch có phần thận trọng với phần lớn chỉ đến từ lực mua thăm dò, nhóm bluechip hoạt động cầm chừng, vì thế VN-Index chưa thể xác định rõ xu hướng tăng, mà chủ yếu rung lắc nhẹ trên mốc tham chiếu. Dù vậy, bảng điện tử diễn biến khá tích cực với sắc xanh chiếm ưu thế khi dòng tiền mở rộng tìm kiếm cơ hội ở các nhóm ngành.

Tuy nhiên, ngay sau giờ nghỉ trưa, tâm lý thận trọng đã được cởi bỏ. Nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào và dòng tiền lan tỏa ở nhiều nhóm ngành, từ nhóm cổ phiếu trụ như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản…, đến các nhóm khác như điện, nhựa, bảo hiểm, hàng không, bán lẻ…, giúp VN-Index bật mạnh cả về điểm số lẫn thanh khoản.

Đóng cửa, với 342 mã tăng và 87 mã giảm, VN-Index tăng 14,05 điểm (+0,38%), lên 1.272,47 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 868,58 triệu đơn vị, giá trị 22.062,37 tỷ đồng, tăng 20% về khối lượng và 25% về giá trị so với phiên trước đó. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 124,49 triệu đơn vị, giá trị 2.903,2 tỷ đồng.

Nhóm bluechip có sự đồng thuận cao khi hầu hết đều tăng điểm, dù mức tăng không quá mạnh. Ngoại trừ một số mã như SAB +3,1% lên 61.000 đồng, FPT +3,16% lên 137.000 đồng, MWG +2,5% lên 61.500 đồng, MSN +2,7% lên 75.500 đồng…, các cổ phiếu còn lại đều tăng trên dưới 1%.

Trong đó, POW tiếp tục là tâm điểm khi vượt qua CTG để dẫn đầu thanh khoản của rổ VN30 cũng như toàn sàn HOSE với 25,3 triệu đơn vị khớp lệnh, tăng 2,89% lên 12.450 đồng.

Các cổ phiếu ngân hàng hầu hết giữ sắc xanh, nhưng LPB mới là mã hút tiền mạnh nhất khi tăng trần 6,8% lên 25.050 đồng, khớp lệnh 14,97 triệu đơn vị. Các mã có thanh khoản cao khác có SHB, MBB, ACB, VPB, TCB, HDB với lượng khớp từ 6-14 triệu đơn vị, tăng từ 0,2-1,4%.

CTG phiên này giảm 0,62% xuống 32.200 đồng, khớp lệnh 24,68 triệu đơn vị, đứng thứ 3 sàn HOSE. Mã này bị khối ngoại bán ròng mạnh hơn 14,5 triệu đơn vị.

Tương tự, nhóm chứng khoán có VDS giữ vững sắc tím khi tăng gần 6,8% lên 24.400 đồng và khớp hơn 4 triệu đơn vị. Các mã VND, VIX, SSI, ORS, HCM, VCI đều tăng điểm, trong đó VND khớp lệnh 24,78 triệu đơn vị, đứng thứ 2 sàn HOSE và tăng 0,74% lên 20.400 đồng, còn ORS tăng mạnh nhất 5,3% lên 15.900 đồng và khớp 9,11 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ với những cái tên ở nhóm bất động sản, nguyên vật liệu, vận tải, duy trì được sức hút có HDG, CCL, VIP, APH đứng vững ở mức giá trần, trong đó HDG khớp lệnh hơn 12 triệu đơn vị (+6,9% lên 34.850 đồng), APH khớp lệnh 10,6 triệu đơn vị (+6,6% lên 10.500 đồng)

Ngoài ra, một số mã như HVN, SZC cũng tăng trần trong phiên. HVN khớp lệnh 9,3 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, diễn biến khá tương đồng so với sàn HOSE, song có phần rung lắc mạnh hơn.

Đóng cửa, với 120 mã tăng và 57 mã giảm, HNX-Index tăng 2,75 điểm (+1,13%) lên 245,58 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 84,61 triệu đơn vị, giá trị 1.833,15 tỷ đồng, tăng 30% về khối lượng và 48% về giá trị so với phiên trước đó. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 9,4 triệu đơn vị, giá trị hơn 371 tỷ đồng.

Sự hoạt động mạnh của nhóm cổ phiếu APEC là điểm nhấn trên sàn HNX khi các mã APS, IDJ và API đều tăng kịch trần, trong đó IDJ tăng 9,59% lên 8.000 đồng và khớp 3,1 triệu đơn vị.

Các mã nhỏ khác như AAV, TXM cũng tăng trần lên 7.000 đồng (+9,38%) và 6.300 đồng, trong đó AAV khớp 3,53 triệu đơn vị.

Nhiều cổ phiếu lớn cũng tăng điểm trong phiên này, với SHS +1,62% lên 18.800 đồng, MBS +4,9% lên 34.200 đồng, BVS +4,75% lên 46.300 đồng… Trong đó, SHS khớp 9,4 triệu đơn vị và MBS khớp 7,59 triệu đơn vị - là 2 mã có thanh khoản cao nhất sàn.

Trên UPCoM, chỉ số UPCoM-Index rung lắc mạnh, nhưng cũng như 2 chỉ số chính kết phiên ở mức cao nhất ngày.

Đóng cửa, với 213 mã tăng và 104 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,75 điểm (+0,79%) lên 95,62 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 63,48 triệu đơn vị, giá trị 1.105,47 tỷ đồng, tăng 27% về khối lượng và 31% về giá trị so với phiên trước đó. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,94 triệu đơn vị, giá trị gần 77 tỷ đồng.

Hầu hết các mã thanh khoản cao nhất đều tăng, trong đó VHG và HHG đều tăng trên 9%. Cổ phiếu MCM tăng trần +14,94% lên 50.000 đồng.

Mã khớp lệnh cao nhất là BSR với 11,73 triệu đơn vị và tăng 3,56% lên 23.300 đồng. Kế đến là VGT với 4,99 triệu đơn vị và tăng 3,9% lên 16.000 đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng điểm, trong đó hợp đồng VN30F2406 đáo hạn gần nhất tăng 1,28% lên 1.292,5 điểm, khớp 208.216 đơn vị, khối lượng mở 51.273 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, phiên này sắc xanh phủ rộng, trong đó mã CHPG2332 khớp lệnh cao nhất với hơn 3,295 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4,17% lên 1.000 đồng/cq, theo sau là CSTB2327 với hơn 3,243 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 5% lên 210 đồng/cq.

Tin bài liên quan