Đúng với kỳ vọng của thị trường, các quỹ này đã mua ròng khá tốt, thể hiện ở khối lượng mua ròng mạnh của NĐT nước ngoài trong những phiên giao dịch cuối tuần. Trong hai ngày 19 và 20/6, khối ngoại đã mua ròng 500 tỷ đồng trên HOSE và 71,6 tỷ đồng trên HNX.
Tuy vậy, dường như các NĐT trong nước lại chờ đợi việc mua vào của các quỹ ETF để giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục. Chỉ số VN-Index giảm 1,16% vào ngày 20/6, đặc biệt các lệnh bán tập trung chủ yếu vào phiên giao dịch ATC. Số liệu thống kê sàn HOSE cho thấy, khối tự doanh cũng tăng mạnh việc bán ròng với giá trị bán ròng đạt gần 129 tỷ đồng, gấp nhiều lần so với giá trị bán bình quân mỗi phiên trong 10 phiên giao dịch trước đó.
Sự không đồng thuận của thị trường đã phủ nhận nỗ lực break-out của chỉ số VN-Index diễn ra trong tuần trước đó, tạo ra tín hiệu điều chỉnh ngắn hạn cho toàn thị trường khi chỉ số HNX-Index và VN30 đã không thành công trong việc vượt qua kháng cự mạnh của đường trung bình động 50 ngày (MA50). Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch giảm dần trên HNX, phân kỳ âm với sự tăng điểm của chỉ số HNX-Index cho thấy, dòng tiền đầu cơ chưa sẵn sàng cho một chu kỳ tăng giá mới.
Trong tuần qua, NHNN đã chính thức điều chỉnh tăng tỷ giá giữa VND và USD thêm 1%, tuy nhiên, chúng tôi không cho rằng đây là tác nhân chính khiến thị trường giảm điểm. Việc điều chỉnh tỷ giá lần này nằm trong biên độ điều chỉnh 2% theo kế hoạch của NHNN, được thực hiện trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát và chỉ số CDS - phản ảnh rủi ro quốc gia, đang ở mức thấp. Do đó, việc điều chỉnh tỷ giá mang nhiều ý nghĩa tích cực trong trung và dài hạn khi góp phần thúc đẩy xuất khẩu cũng như tăng dự trữ ngoại hối quốc gia.
Vì vậy, chúng tôi cho rằng, việc giảm điểm của thị trường chủ yếu là do các yếu tố nội tại của nền kinh tế chưa cho phép TTCK tăng trưởng quá mạnh ở thời điểm hiện tại, việc tăng tỷ giá chỉ mang tính chất là một hiệu ứng tâm lý ngắn hạn. Chúng tôi dự báo, VN-Index, đại diện cho xu hướng của TTCK, sẽ có xu hướng điều chỉnh giảm trong 1 - 3 tuần tới, trong quá trình điều chỉnh sẽ xuất hiện những phiên tăng, giảm điểm xen kẽ. Một cách tượng hình, VN-Index sẽ giảm điểm theo mô hình zic-zắc hướng xuống với ngưỡng hỗ trợ mạnh nằm tại vùng 535 - 540 điểm.
Phiên giảm điểm ngày 20/6 với khối lượng giao dịch khá cao, chỉ số VN-Index đã phá vỡ một số ngưỡng hỗ trợ quan trọng: thứ nhất, đường trung bình động trung hạn MA100 ngày, qua đó hình thành mẫu hình đảo chiều xu hướng Bearish Engulfing trên đồ thị tuần của chỉ số; hai là đường trung bình động ngắn hạn MA5 và MA10 ngày, qua đó phát ra tín hiệu điều chỉnh ngắn hạn của thị trường. Các đường trung bình động này hiện đang nằm tại vùng 566 - 570 điểm của chỉ số VN-Index và chúng tôi xác định, đây sẽ là kháng cự ngắn hạn đối với VN-Index. Bên cạnh đó, một sự phân kỳ âm giữa biến động của VN-Index và khối lượng giao dịch sẽ củng cố cho khả năng điều chỉnh giảm của chỉ số sàn HOSE. Đây vẫn là kịch bản có thể xảy ra dù 2 phiên đầu tuần này thị trường có sự tăng điểm khá tốt.
Hiện tại, có hai vùng hỗ trợ đối với chỉ số VN-Index: Vùng 550 điểm là vùng đã hỗ trợ cho nhịp tăng điểm của VN-Index từ đầu tháng 6 tới nay. Đây cũng là vùng được hỗ trợ bởi Fibonacci Retracement 38,2% tính cho cả đợt phục hồi từ đầu tháng 5. Vùng 535 điểm là vùng hỗ trợ cho xu hướng dài hạn của thị trường, tạo bởi đường trung bình động MA200 ngày. Đây cũng là vùng được hỗ trợ bởi Fibonacci Retracement 61,8% tính cho cả đợt phục hồi từ đầu tháng 5.
Với mặt bằng khối lượng giao dịch hiện tại, VN-Index khó có thể giảm mạnh, trừ khi có những thông tin bất thường tác động. Chúng tôi nghiêng về khả năng, chỉ số sẽ zic-zắc giảm điểm trong khoảng thời gian từ 1 - 3 tuần tới và lần lượt kiểm tra các vùng hỗ trợ nói trên.