Lực đỡ từ nhóm cổ phiếu lớn

Lực đỡ từ nhóm cổ phiếu lớn

(ĐTCK-online) Xu hướng thị trường hiện tại đang được hỗ trợ bởi lực đỡ từ nhóm cổ phiếu lớn. Nhóm cổ phiếu tài chính - ngân hàng, bất động sản như STB, BVH, SJS, DXG… có dấu hiệu tăng giá khá vững trong hai phiên cuối tuần. ĐTCK giới thiệu một số nhận định của các CTCK về tuần giao dịch 17/5- 21/5:

Phòng Phân tích, CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI):

Sau đợt tăng “nóng”, nhiều mã cổ phiếu nhỏ cho lợi nhuận rất cao, nên khi thị trường có thông tin tiêu cực, các mã này bị bán tháo để chốt lãi. Cuối tuần qua, lực cầu bắt đáy ở nhiều mã xuất hiện, nhưng nhìn chung, rủi ro bắt đáy vẫn ở mức cao, bởi quá trình phân phối khá ngắn và lượng phân phối thấp.

Hiện tại, nhiều mã cổ phiếu có giá trị cơ bản tốt cũng chịu ảnh hưởng của xu thế chung và đang ở mức giá hấp dẫn. Chúng tôi nhìn thấy cơ hội mua và nắm giữ đối với nhiều mã blue-chip thuộc lĩnh vực dầu khí, hàng tiêu dùng, bất động sản, vận tải và logistic. Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư có thể chỉ có với kỳ đầu tư trung hạn.

Trong phiên cuối tuần, VN-Index phục hồi nhẹ sau khi chạm khu vực 515 điểm (đây là dải dưới của bollinger bands và đường kháng cự trung hạn). Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, thị trường sẽ đi ngang hoặc giảm điểm trong thời gian tới. Khả năng giảm điểm cao hơn, nhưng VN-Index được hỗ trợ khá vững tại 505 điểm (Fibonacci 38,2%). NĐT có thể từ từ mua vào tại các phiên giảm điểm. Lưu ý, sự vội vàng thường là một sai lầm khi xu hướng đi xuống chưa khẳng định chấm dứt và thị trường thế giới còn có thể có những tác động tiêu cực. Tuần này sẽ có con số lạm phát tháng 5, dự đoán khoảng 0,3%. Theo chúng tôi, lạm phát khoảng 0,5%/tháng sẽ tác động tiêu cực, khoảng 0,1%/tháng sẽ là tin tốt đối với TTCK.

Theo lý thuyết sóng Elliot, VN-Index đang trong sóng điều chỉnh giảm số 2. Theo đó, sóng 2 thường xuất phát từ tâm lý hoảng loạn và làn sóng chốt lời ngắn hạn của NĐT. Do đó, độ dài sóng 2 thông thường khá ngắn và dễ kết thúc.

Sử dụng chỉ báo Fibonacci Retracement để xác định mức điểm mục tiêu của VN-Index, khả năng đáy ngắn hạn của chỉ số sẽ hình thành trong khoảng 505 - 520 điểm.

 

Phòng Phân tích, CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS):

Tuần qua, nhóm cổ phiếu nhỏ vẫn chịu áp lực bán ra mạnh, trong khi dòng tiền mới chưa vào thị trường, nhóm cổ phiếu lớn chưa thu hút được nhiều sự quan tâm của NĐT. Tuy nhiên, thị trường đã có hai phiên ổn định tâm lý và tích luỹ vào cuối tuần, dù thanh khoản ở mức thấp. Xu hướng thị trường hiện tại đang được hỗ trợ bởi một số yếu tố sau:

- Lực đỡ từ nhóm cổ phiếu lớn. Qua giai đoạn tích luỹ khá dài, nhóm cổ phiếu lớn bắt đầu được nhiều NĐT quan tâm. Nhóm cổ phiếu tài chính - ngân hàng, bất động sản như STB, BVH, SJS, DXG… có dấu hiệu tăng giá khá vững trong hai phiên cuối tuần.

- Áp lực bán ra giảm dần. Khối lượng giao dịch giảm mạnh, nhưng thể hiện áp lực bán ra đang có xu hướng giảm dần, NĐT không còn chấp nhận bán ra bằng mọi giá, nhất là hai phiên cuối tuần qua.

- Thông tin vĩ mô tiếp tục ổn định. Trong tuần qua, vấn đề lãi suất liên ngân hàng tăng và tỷ giá USD/VND biến động khiến NĐT thận trọng về sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, theo SHS, vấn đề lãi suất ở thị trường liên ngân hàng tăng không phản ánh căng thẳng nguồn tiền của hệ thống ngân hàng. Bởi lẽ, chênh lệch lãi suất huy động khá lớn, các NHTM có thể tận dụng nguồn lãi suất huy động trên thị trường liên ngân hàng nhằm giảm giá vốn. Trong khi đó, lãi suất cho vay đang giảm dần, tín dụng ngân hàng được dự báo sẽ tăng mạnh hơn trong thời gian tới. Ngoài ra, thị trường ngoại hối đã ổn định hơn sau quyết tâm giữ ổn định tỷ giá của NHNN.

Trước những thông tin vĩ mô ổn định và xu hướng bán ra cổ phiếu giảm mạnh do giá đã giảm khá sâu, chúng tôi cho rằng, tuần giao dịch này thích hợp hơn với các NĐT có nhu cầu mua vào, mặc dù thị trường nhiều khả năng theo xu hướng tích luỹ, với VN-Index dao động trong khoảng 503 - 520 điểm và HNX-Index là 165 - 175 điểm. NĐT nên chú ý nhiều hơn đến nhóm cổ phiếu đã giảm giá sâu trong giai đoạn vừa qua.

 

Phòng Phân tích, CTCP Chứng khoán FPT (FPTS):

Giảm điểm trong 4 phiên liên tục, phiên tăng điểm cuối tuần qua như một tín hiệu tạm dừng điều chỉnh giảm của VN-Index. Nhưng khối lượng và giá trị giao dịch giảm mạnh qua từng phiên cho thấy, xu hướng bán là xu hướng chính, với tâm lý do dự, đề phòng rủi ro bắt đáy.

Tuy nhiên, trong phiên cuối tuần, khối lượng và giá trị giao dịch đều giảm, nhưng không phải do không có lượng cầu sẵn sàng mua hỗ trợ như các phiên trước đó, mà do bên bán không muốn bán với giá thấp, tạo ra khoảng trống không gặp nhau giữa bên mua và bên bán. Đây là tín hiệu khá tốt nâng đỡ thị trường trong xu hướng giảm hiện tại. Nếu như hiện tượng này tiếp tục xảy ra, thì khả năng thị trường sẽ có sự giằng co và xuất hiện khoảng giá tích lũy, mà ở đó rất có thể là thời điểm để bên mua kéo giá cổ phiếu tăng trở lại.

Theo phân tích kỹ thuật, VN-Index sẽ gặp kháng cự mạnh tại 535 - 530 điểm, tương ứng với Fibonacci ngắn hạn 38,2%, nhưng được hỗ trợ mạnh tại 510 - 515 điểm. Trong tuần này, nhiều khả năng VN-Index đi ngang trong xu thế giảm ngắn hạn, khoảng điểm dự kiến là 515 (+/5) - 530(+/-5).

Nếu như không có biến động bất ngờ trên thị trường tài chính - chứng khoán thế giới, thì nhiều khả năng TTCK Việt Nam sẽ lình xình cho đến hết tháng 5. NĐT nên bình tĩnh trước các quyết định gia tăng tỷ lệ cổ phiếu nắm giữ, hạn chế đầu tư vào các cổ phiếu nhỏ trong giai đoạn này.