Lực đẩy từ HPG và FPT giúp VN-Index hồi phục trong phiên chiều 11/2

Lực đẩy từ HPG và FPT giúp VN-Index hồi phục trong phiên chiều 11/2

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù một số cổ phiếu ngân hàng làm trụ đỡ trong phiên sáng hạ nhiệt nhanh, nhưng hai mã bluechip là FPT và HPG đã thay phiên trở thành động lực tiếp sức hồi phục cho VN-Index, trong bối cảnh giao dịch chủ đạo vẫn là sự thận trọng và phân hóa cao trên bảng điện tử.

Sau phiên giao dịch sáng tăng điểm nhẹ, trong bối cảnh bảng điện tử phân hóa, dòng tiền không quá mạnh, nhưng nhận động lực tâm lý từ một số cổ phiếu ngân hàng và lực cung giá thấp được tiết giảm, thị trường bước vào phiên chiều không nhiều thay đổi.

Theo đó, các bluechip ngành ngân hàng vẫn duy trì sức hút với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu thị trường như TCB, VPB, SHB, TPB, dù mức tăng vẫn chỉ ở mức khiêm tốn.

Mặc dù vậy, VN-Index từng bước nhích lên nhờ hai cổ phiếu HPG và FPT nới đà tăng, nhưng chỉ số thêm một phiên không đi được xa hơn khi các động lực thúc đẩy nêu trên đều chững lại về cuối ngày và nhóm bluechip VN30 tiếp tục phân hóa.

Đóng cửa, sàn HOSE có 257 mã tăng và 219 mã giảm, VN-Index tăng 5,19 điểm (+0,41%), lên 1.268,45 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 628,7 triệu đơn vị, giá trị 14.210,5 tỷ đồng, giảm 21% về khối lượng và 25% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 57 triệu đơn vị, giá trị gần 1.479 tỷ đồng.

Như đã đề cập, hai cổ phiếu lớn FPT và HPG phiên này đóng góp lớn nhất cho chỉ số với tổng cộng hơn 2 điểm. Trong đó, cổ phiếu HPG tăng 2,8% lên 26.050 đồng, khớp 28,8 triệu đơn vị, FPT nhích 2,4% lên 145.300 đồng, khớp hơn 5,3 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu ngân hàng nêu trên là TCB, VPB, SHB, khớp từ 15,6 triệu đến gần 30 triệu đơn vị, riêng TPB khớp hơn 42,5 triệu đơn vị - mức cao nhất thị trường, dù giá cổ phiếu của các mã này chỉ tăng nhẹ từ 0,3% đến 1,9%.

Phần còn lại của nhóm bluechip phân hóa, nhưng biên độ giá cổ phiếu chỉ ở mức thấp.

Trong khi đó, các cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn duy trì một vài cái tên đáng kể từ cuối phiên sáng như YEG tăng trần +6,8% lên 14.950 đồng, khớp 2,39 triệu đơn vị. Các cổ phiếu FIR, NNC, TDH cũng nới đà tăng và chạm sắc tím khi đóng cửa.

Những cái tên khác với mức tăng khá cùng thanh khoản tích cực còn TCI +6,4% lên 9.630 đồng, BAF +4,9% lên 29.200 đồng, IMP +4,6% lên 48.600 đồng, CTI +4% lên 20.850 đồng, ELC +3,9% lên 29.500 đồng, TSC +3,9% lên 2.680 đồng, HVN +3,4% lên 27.500 đồng, LGL +3,4% lên 3.010 đồng, DBC +3,1% lên 26.950 đồng…

Ở chiều ngược lại, lực cung có phần gia tăng, nhưng chỉ tập trung ở một số ít cổ phiếu, như SMA, TIX, AGM, HTN khi đều lùi về giá sàn, BMC -5,3% xuống 25.800 đồng, QCG -5% xuống 12.300 đồng, VNE -4,3% xuống 3.310 đồng…

Trên sàn HNX, các cổ phiếu lớn ít biến động khiến HNX-Index gần như chỉ giằng co nhẹ quanh mức điểm cuối phiên sáng cho đến khi đóng cửa.

Chốt phiên, sàn HNX có 115 mã tăng và 59 mã giảm, HNX-Index tăng 0,9 điểm (+0,39%), lên 228,87 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 57,1 triệu đơn vị, giá trị 745,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,32 triệu đơn vị, giá trị 15,1 tỷ đồng.

Các cổ phiếu nhỏ nhận lực cầu mạnh và tăng vọt, với DST, SVN, NRC, DDG, GKM đều đóng cửa ở mức giá trần, khớp lệnh thuộc top cao nhất sàn khi có hơn 1,1 triệu đến 3,2 triệu đơn vị.

Các mã lớn như SHS, IDC, PVS, THD, NVB chỉ tăng điểm nhẹ, trong khi PVI, HUT, BAB, VCS giảm, nhưng cũng chỉ giảm không đáng kể, ngoại trừ KSV khi vẫn để mất gần 5% xuống 230.200 đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index lùi về vùng quanh tham chiếu và rung lắc nhẹ cho đến khi kết phiên.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,12 điểm (+0,12%), lên 96,75 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 55 triệu đơn vị, giá trị 596,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,8 triệu đơn vị, giá trị 50,7 tỷ đồng.

Các cổ phiếu không khác nhiều so với cuối phiên sáng, với KVC duy trì mức giá trần +15% lên 2.100 đồng, khớp 1,5 triệu đơn vị.

Cổ phiếu AAH +6,4% lên 4.900 đồng với thanh khoản khớp lệnh cao nhất UpCoM khi có 12,4 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng VN30F2502 tăng nhẹ 3,6 điểm, tương đương 0,27% lên 1.334,1 điểm, khớp lệnh hơn 143.600 đơn vị, khối lượng mở hơn 30.500 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, áp lực phân hóa cũng khá mạnh, nhưng một số cổ phiếu khớp lệnh hàng đầu khá tích cực, trong đó, CHPG2407 với 3,21 triệu đơn vị và tăng 17,8% lên 530 đồng/cq. Theo sau là CVPB2407 với 2,87 triệu đơn vị và tăng 10,3% lên 320 đồng/cq.

Tin bài liên quan