Lực đẩy hàng không

Lực đẩy hàng không

0:00 / 0:00
0:00
Những đoàn khách dài xếp hàng đợi lên máy bay tại các sân bay lớn trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay đã mang lại những tia hy vọng về sự phục hồi cho các doanh nghiệp hàng không.

Trong đó, bao gồm các hãng bay và các đơn vị phục vụ mặt đất sau thời gian dài “tan tác” vì Covid-19. Dù vậy, hành trình phục hồi, trở về giai đoạn như trước dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp hàng không vẫn còn rất dài và hết sức truân chuyên.

Trên thực tế, dù dịch Covid -19 đã được kiểm soát tốt trên phạm vi toàn quốc, nhưng tình hình đi lại bằng đường hàng không trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm 2022 chưa đạt mức kỳ vọng.

Cụ thể, trong 4 ngày nghỉ lễ vừa qua, các hãng hàng không Việt Nam chỉ vận chuyển 486.600 lượt khách, giảm 13% và 1.858 tấn hàng hóa, giảm 27% so với cùng thời điểm lễ 30/4 và 1/5 năm 2021. Trong số các sân bay quốc tế lớn nước, chỉ có Tân Sơn Nhất ghi nhận lượng hành khách tăng, với 375.000 lượt khách, tăng 3% so với cùng kỳ 2021. Hai sân bay lớn còn lại là Nội Bài (chỉ đạt 240.000 lượt khách), Đà Nẵng (đạt 94.800 lượt khách) lần lượt giảm 4% và 8% so với cùng kỳ 2021.

Cục Hàng không Việt Nam dự báo, sản lượng hành khách hàng không nội địa trong năm 2022 có thể đạt 42 - 47 triệu lượt, nhưng vẫn giảm trên 40% so với năm 2019. Điều đáng nói là thị trường hàng không nội địa dù có sản lượng lớn, song do cạnh tranh gay gắt về giá cước, nên từ nhiều năm trở lại đây không còn là “mỏ vàng” lợi nhuận của các hãng hàng không.

Trong khi đó, dù Việt Nam đã khôi phục lại đường bay tới trên 20 quốc gia và vùng lãnh thổ truyền thống, nhưng 3 thị trường lớn nhất, mang lại doanh thu, lợi nhuận cao nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn chưa mở lại cho du khách, khiến thị trường quốc tế sẽ cần thời gian rất dài để phục hồi.

Dự kiến, sản lượng vận chuyển hành khách quốc tế năm 2022 vẫn giảm 72 - 80% so với năm 2019.

Với tỷ trọng doanh thu, lợi nhuận của các hãng hàng không chủ yếu đến từ thị trường vận chuyển quốc tế, nhiều khả năng, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp hàng không tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn trong năm nay, nguy cơ âm vốn chủ sở hữu, cạn dòng tiền vẫn cận kề.

Thêm vào đó, do bất ổn về kinh tế, chính trị trên thế giới giai đoạn vừa qua, nên giá nhiên liệu tăng đột biến, gây sức ép nặng nề lên chi phí của các hãng hàng không. Thậm chí, giai đoạn cuối tháng 3/2022 khi đà tăng của giá dầu thô có dấu hiệu chững lại, thì giá nhiên liệu Jet A1 vẫn tiếp tục tăng cao. Dự báo, giá Jet A1 bình quân năm 2022 là 129,5 USD/thùng, trong khi giá kế hoạch của các hãng hàng không đều không vượt quá mốc 80 - 90 USD/thùng.

Cần phải nói thêm rằng, các hãng hàng không là trung tâm của dây chuyền cung cấp dịch vụ hàng không. Khi các hãng hàng không không thể vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì và mở rộng tần suất khai thác các chuyến bay, chặng bay, thì cũng khó có thể tạo doanh thu cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ khác như cảng hàng không, điều hành bay, xăng dầu, dịch vụ phục vụ mặt đất, suất ăn hàng không… Hãng bay chưa phục hồi, tất yếu cả dây chuyền sẽ điêu đứng theo.

Thực tế nói trên đòi hỏi Nhà nước cần tiếp tục có quyết sách mới, kịp thời và đủ “liều lượng” để hỗ trợ doanh nghiệp hàng không, trong đó có việc nối lại chính sách giảm 50% giá dịch vụ hạ cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cơ cấu nợ vay, giảm lãi suất vay cho những doanh nghiệp hàng không gặp khó khăn do dịch bệnh, miễn giảm các khoản vay bảo lãnh chính phủ, nhất là trong bối cảnh sức chống chịu của một số doanh nghiệp đã tới hạn.

Quan trọng hơn, việc điều tiết thị trường hàng không nhằm hướng đến khả năng khôi phục, phát triển bền vững cần được triển khai nghiêm ngặt, bao gồm việc xem xét phê duyệt cấp phép kinh doanh vận tải hàng không cho các hãng bay mới và cấp đăng ký tàu bay bổ sung phù hợp với tốc độ tăng trưởng của thị trường. Ngoài ra, cần có chính sách điều tiết linh hoạt khung giá vé vận chuyển hàng không nhằm tạo dư địa cho các hãng hàng không tích lũy tài chính.

Đây thực sự là những lực đẩy quan trọng, giúp doanh nghiệp hàng không tồn tại trong giai đoạn “hoàng hôn” của dịch Covid-19, trước khi có thể tăng tốc phục hồi sau 1 - 2 năm tới.

Tin bài liên quan